Quảng Ninh - Những con tàu đang “chìm dần” (Kỳ 2): Trông chờ “gói kích cầu du lịch”
Như DĐDN đã thông tin, khó khăn chồng chất khó khăn bởi dịch COVID-19, không có nguồn thu, các chủ tàu du lịch vẫn phải duy tu, bảo dưỡng và chi trả một số phí khác như bến bãi, lãi vay ngân hàng…
2 đợt dịch lớn từ đầu năm khiến du lịch Quảng Ninh rơi vào cảnh “thảm hại” nhất từ trước đến nay. Chỉ tích riêng quý 1 số vé tham quan vịnh Hạ Long bán được chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, đợt dịch đầu năm, đơn vị mới chỉ bán được mấy chục vé tham quan do du khách chưa mặn mà với việc đi du lịch. Thông thường, khách nội địa phải đến dịp hè mới đông trở lại, bởi thời gian này, mọi người còn bận công việc làm ăn, học sinh cũng chưa được nghỉ học. Dự định phải tới cuối tháng 4, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, khách du lịch mới kéo tới Hạ Long. “Tuy nhiên, đợt dịch thứ 2 bùng phát đúng vào dịp hè khiến du lịch Hạ Long kéo dài thêm sự hoang vắng”, ông Huỳnh nói.
Hiện nay trên vịnh Hạ Long có khoảng 500 tàu du lịch, trong đó có 187 tàu lưu trú với 2.181 phòng, khoảng 1.200 lao động trực tiếp trên tàu và hàng nghìn lao động gián tiếp. Tổng giá trị đầu tư của số lượng tàu lưu trú ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn vay ngân hàng chiếm phần lớn. Mỗi năm, đội tàu nghỉ đêm phục vụ hàng triệu khách quốc tế và trong nước, do ảnh hưởng dịch, công suất sử dụng buồng phòng của 187 tàu nghỉ đêm chỉ đạt hơn 10%. Thời điểm này là “0%”.
Khó khăn chồng chất khó khăn. Không có nguồn thu, các chủ tàu vẫn phải duy tu, bảo dưỡng và chi trả một số phí khác như bến bãi, bảo hiểm cho người lao động, lãi vay ngân hàng…
Một chủ tàu chia sẻ: “Nguy cơ “chìm tàu” là rất lớn, vì dịch bệnh không biết đến bao giờ mới được kiểm soát”, cũng theo chủ tàu này, trong đợt đầu dừng hoạt động vì dịch COVID-19 cho tới nay các chủ tàu chưa được hỗ trợ gì từ khoản hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ, và cũng chưa tiếp cận được gói vay ưu đãi 250.000 tỉ đồng do điều kiện, thủ tục rất bất cập.
“Khó khăn, bất cập là vậy. Nhưng chúng tôi cũng cố gắng cầm cự chờ đợi dịch bệnh qua đi. Chỉ mong tỉnh quan tâm, giúp cho các chủ tàu tiếp tục giãn nợ ngân hàng, giảm chi phí bến bãi, giải ngân các gói hỗ trợ… Sau này hoạt động du lịch trở lại sẽ hỗ trợ giảm 50% thuế VAT. Trước kia các doanh nghiệp tàu du lịch nộp 10% thuế VAT thì tới đây mong được hỗ trợ giảm xuống còn 5%”, anh L.V.T một chủ tàu du lịch mong muốn.
Trao đổi với DĐDN, bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch hiệp hội du lịch Quảng Ninh cho biết: “Ngay thời điểm này, Quảng Ninh vẫn tận dụng cơ hội an toàn trong bối cảnh dịch bệnh để kích cầu thị trường, thông qua việc duy trì 4 gói kích cầu du lịch trị giá hàng trăm tỉ đồng; duy trì các chính sách ưu tiên, miễn giảm vé tham quan, lưu trú vịnh Hạ Long đến hết năm 2021”.
“Những gói kích cầu lần trước đều mang lại hiệu quả nhất định. Khách nội địa đến Quảng Ninh rất đông, mặc dù về chất lượng chi tiêu của khách nội địa chưa thể so với khách Mỹ, Âu, Nhật, Hàn. Nhưng trong bối cảnh COVID-19, thì số lượng khách nội địa đông đã phần nào giúp cho doanh nghiệp du lịch nói chung cũng như đội tàu du lịch nói riêng có thể cầm cự và đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động”, bà Bảo cho biết.
“Hy vọng gói kích cầu lần này đạt được hiệu quả cao và tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm, hỗ trợ những khó khăn mà các chủ tàu kiến nghị. Có như vậy, đội tàu mới hy vọng qua “cơn sóng dữ COVID”. Và khi dịch qua đi, địa phương có đủ nguồn lực phương tiện, con người, kịp phục vụ, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, góp phần vào sự ổn định, phát triển của du lịch Quảng Ninh, vào nguồn thu ngân sách và công ăn việc làm cho đông đảo người lao động”, bà Bảo nói.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tỉnh Quảng Ninh sẽ cho rà soát lại các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền; tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để tháo gỡ, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Thời gian tới, tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông chiến lược như đường cao tốc, cảng biển, khẩn trương phục hồi ngành vận tải, hàng không, từng giờ từng phút tận dụng cơ hội an toàn trong dịch bệnh để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi nhanh trong năm 2021”.
Có thể bạn quan tâm