Chính sách hỗ trợ cần đi vào “thực chất”

GIA NGUYỄN 19/06/2021 11:00

Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa dự thảo hàng loạt đề xuất miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay…, giúp các doanh nghiệp vượt khó.

p/Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ thực chất để vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển.

Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ thực chất để vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển.

Đây là những giải pháp hỗ trợ được đề xuất trong dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021. Và trước khi trình Thủ tướng quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Mất cân đối…

Theo một thống kê, sự khắc nghiệt của dịch bệnh COVID-19 đã khiến hơn 98% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, trong đó, không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản, thế nhưng, chỉ có 2% doanh nghiệp được tiếp cận với các gói hỗ trợ, đây là một thực trạng cần được xem xét, đánh giá một cách thấu đáo về thực chất của công tác triển khai chính sách.

Báo cáo kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 của Tổng Cục thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, cả nước có gần 55.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778.300 tỷ đồng (tăng 15,4% về số doanh nghiệp, tăng 39,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), số doanh nghiệp trở lại hoạt động là 22.600 doanh nghiệp (tăng gần 4%). Tính chung hai nhóm này, trong 5 tháng đầu năm tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 78.300 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có gần 15.700 doanh nghiệp).

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm là 14 tỷ đồng, tính cả 975.100 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tăng 27,5% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, cũng trong 5 tháng đầu năm 2021, có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước); 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước); 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước). Đáng nói, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thực tế, tại ổ dịch lớn tại Bắc Giang, từ ngày 17/5, địa phương này đã phải tạm dừng hoạt động tại 4 khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng khiến khoảng 136.000 công nhân lao động và hàng trăm doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất đã cho thấy rõ sự khắc nghiệt vô cùng của dịch bệnh COVID-19.

… Và lời giải cho bài toán phục hồi

Thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - Cấn Văn Lực cho rằng, việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp, bởi đây là hỗ trợ trực tiếp, dễ thực hiện, doanh nghiệp được hưởng ngay. Bên cạnh kéo dài thời gian giảm các loại phí này, Nhà nước cần tiếp tục có các gói hỗ trợ liên quan tới giãn, hoãn nợ, giảm phí lãi và tiếp tục cho vay mới bởi một số lĩnh vực như giao thông vận tải, du lịch, nhà hàng ăn uống... còn gặp rất nhiều khó khăn.

Liên quan đến Nghị định số 52/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 19/4, về việc gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất trong năm 2021. Ông Lực cũng cho rằng, vẫn cần có thêm gói an sinh xã hội, gói cho vay ưu đãi, nhất là với lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, để tăng hiệu quả hỗ trợ, Chính phủ và các bộ, ngành cần thiết kế điều kiện được hưởng linh hoạt hơn để nhiều doanh nghiệp tiếp cận được.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các gói hỗ trợ phải tiếp cận theo hướng công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng hơn, thực sự thiết thực cho doanh nghiệp.

“Chẳng hạn về việc các chính sách hỗ trợ trước đây lại dựa trên tiêu chí số lượng lao động mất đi, trong trường hợp này, một số doanh nghiệp có thể sẽ sa thải bớt nhân lực để có thể tiếp cận nguồn ưu đãi. Và như vậy, chính gói hỗ trợ đã đi ngược với sự nỗ lực duy trì của doanh nghiệp”, ông Hiếu lấy ví dụ.

Từ đó, ông Hiếu đề xuất, nếu chúng ta mạnh dạn giảm thuế, miễn thuế VAT hoặc hỗ trợ doanh nghiệp chi phí phòng chống dịch thì sẽ công bằng hơn cho các doanh nghiệp đang tiếp tục trụ vững trong dịch COVID-19.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tuệ - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, các chính sách hỗ trợ trước đó đều được ban hành rất kịp thời, đúng nguyện vọng của doanh nghiệp nhưng khi triển khai thực tế rất ít doanh nghiệp tiếp cận được. Muốn hỗ trợ hiệu quả cần đánh giá lại việc triển khai thực tế, làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục, quy trình, báo cáo mà vẫn đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng.

Có thể bạn quan tâm

  • “Không để ai bị bỏ lại phía sau”: Đề nghị đồng bộ chính sách hỗ trợ

    “Không để ai bị bỏ lại phía sau”: Đề nghị đồng bộ chính sách hỗ trợ

    04:00, 06/06/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất vaccine

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất vaccine

    19:44, 03/06/2021

  • Du lịch cộng đồng - Cần chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững

    Du lịch cộng đồng - Cần chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững

    07:53, 16/05/2021

GIA NGUYỄN