Kiểm tra chuyên ngành vẫn còn… “nặng gánh”
Mặc dù được đánh giá có phần chuyển biến hơn, thế nhưng, kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn là “gánh nặng” đối với doanh nghiệp khi còn đó sự chồng chéo quản lý giữa các bộ ngành.
Báo cáo về “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2020” cho thấy bên cạnh việc đánh giá tích cực về nỗ lực của cơ quan hải quan, đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng còn nhiều dư địa để cơ quan hải quan tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu. Điển hình như doanh nghiệp còn gặp tương đối nhiều khó khăn khi xác định mã số HS hoặc tuân thủ thủ tục tham vấn xác định trị giá hải quan; tình trạng “phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác có liên quan” và “công chức hải quan không hướng dẫn đầy đủ, tận tình”.
Chồng chéo kiểm tra
Kết quả điều tra cũng cho thấy, trong số 3.069 doanh nghiệp thì có 4,17% doanh nghiệp cho biết hàng hóa của họ đã có 2 bộ ngành thực hiện kiểm tra và 0,98% doanh nghiệp cho biết từ 3 bộ ngành trở lên đã kiểm tra hàng hóa của doanh nghiệp.
Thực tế, việc chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành vẫn luôn thường trực, vụ việc của Công ty TNHH GFC Omega Việt Nam có trụ sở tại số 35 A22, Khu đô thị Geleximco – Bắc An Khánh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội từng là ví dụ điển hình, khi sản phẩm nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp này mặc dù đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành, tuy nhiên, quá trình kiểm tra, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho rằng những mặt hàng này phải xin phép Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, khiến doanh nghiệp bị xử phạt gần 3 tỷ đồng và “chết yểu”.
Theo thống kê, số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm từ 100.000 (năm 2015) xuống còn 78.000 vào năm 2020. Tỷ lệ lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan trước đây chiếm 30-35%, nay giảm còn 19,4%.
Hay mới đây, theo phản ánh của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù các sản phẩm thuỷ sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) đều là các chỉ tiêu thuộc diện kiểm tra về An toàn thực phẩm, tuy nhiên, lại bị đưa diện phải kiểm dịch theo Luật Thú y, khiến danh mục hàng hóa phải kiểm tra theo quy định ngày một nhiều hơn.
Tốn chi phí và thời gian
Liên quan đến những tồn tại của hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, còn tới 12 nhóm bất cập trong kiểm tra chuyên ngành, tiêu biểu như phí kiểm dịch thú y, vấn đề lấy mẫu kiểm nghiệm.
“Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị có số lượng mẫu nhiều nhất. Số lượng, khối lượng mẫu quá lớn, kết quả chỉ có 1 thử nghiệm nhưng tính phí theo số lượng mẫu, 5 mẫu thì tính phí tương tự như 5 thử nghiệm; phí kiểm tra chất lượng chăn nuôi”, bà Thảo chia sẻ.
Bà Thảo cũng cho hay, hiện có khoảng 25 nhóm sản phẩm, hàng hoá tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số và tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể. Đặc biệt, kiểm tra Nhà nước về an toàn lao động thực hiện trước thông quan là quy định phi lý, được phản ánh nhiều lần, nhưng chưa có động thái sửa đổi nào từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong khi đó, quy định về kiểm tra hiệu suất năng lượng tạo thêm nhiều gánh nặng chi phí và thời gian bất hợp lý cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề được phản ánh nhiều lần nhưng chưa được bộ, ngành nào quan tâm.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số khó khăn cụ thể doanh nghiệp thường gặp phải trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành thường xoay quanh những nội dung về trình tự thủ tục, thời gian giải quyết, hệ thống công nghệ thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, thái độ của cán bộ ngành Hải quan…
“Theo kết quả điều tra, khó khăn do quy trình thực hiện thủ tục phức tạp được doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất (55,3%), tiếp đến là khó khăn do doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục (54,6%), thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài hơn so với quy định (49,2%), thông tin hướng dẫn về thủ tục khó tiếp cận (46,2%), hệ thống tiếp nhận hồ sơ qua mạng hay gặp lỗi (38,9%), sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và kiểm tra chuyên ngành thiếu đồng bộ (37,5%)…”, ông Tuấn cho biết.
Trước những tồn tại đã nêu, Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” do Tổng cục Hải quan vừa xây dựng và được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 được kỳ vọng là một trong những bước đi đầu tiên nhằm cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Kiểm tra chuyên ngành còn… “hành” doanh nghiệp
17:02, 23/02/2021
“Hạ nhiệt” chi phí logistics (Kỳ IV): Cải thiện thủ tục hải quan, xã hội hoá kiểm tra chuyên ngành
05:00, 11/12/2020
Kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu: Đột phá cải cách kiểm tra chuyên ngành
04:30, 20/10/2020
Rào cản quản lý, kiểm tra chuyên ngành
11:00, 18/09/2020