“Căn bệnh” lãng phí: Gánh nặng từ các dự án “treo”, chậm triển khai

GIA NGUYỄN 02/08/2021 04:30

Không chỉ gây ra lãng phí đất đai, thất thu ngân sách, các dự án” treo”, chậm triển khai còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội quanh khu vực được quy hoạch, đánh mất cơ hội đầu tư khác…

Mặc dù là câu chuyện “nóng”, thế nhưng, nhiều năm qua tình trạng dự án “treo”, chậm tiến độ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù liên tục có sự chỉ đạo, vào cuộc của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương. Theo số liệu báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, thành phố cho thấy, có đến 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2 ha, trong đó có, 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1 ha.

Các dự án “treo”, chậm triển khai không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương mà còn khiến nguồn tài nguyên đất đai bị lãng phí, thất thu ngân sách. Hiện trạng này không chỉ ở một hay hai địa phương mà tồn tại nhiều năm qua tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó phải kể đến TP. Hà Nội với 383 dự án; TP. Hồ Chí Minh 126 dự án; tỉnh Hòa Bình 105 dự án; tỉnh Thái Nguyên 22 dự án;…

Không khó để

Không khó để "điểm mặt" các dự án "treo", chậm triển khai tại Hà Nội như dự án Tòa nhà Tổng Công ty Xi măng Việt Nam - Ảnh: Gia Nguyễn

Tại Hà Nội, không khó để "điểm mặt" hàng loạt dự án "nằm trên giấy," trong đó tập trung nhiều ở các quận, huyện như: Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh 47 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án...

Dọc hai bên đường từ xã Tiền Phong đến trung tâm UBND huyện Mê Linh, có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt dự án từng gây "tiếng vang" với nhiều giao dịch mua bán như: Hà Phong, CEO, Cenco 5, Tiền Phong, Quang Minh, Việt Á và một số dự án khác bị bỏ hoang hàng chục năm nay khiến cỏ mọc um tùm, đang trở thành địa điểm chăn thả trâu bò của người dân.

Tương tự tại huyện Hoài Đức, Khu đô thị làng Việt cổ và Khu nhà ở lô đất số 3 khu đồng Chùa Bé cũng có chủ trương đầu tư từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục để được giao đất, cho thuê đất, thậm chí còn hợp thức hóa chiếm giữ dự án ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất, gây bức xúc trong nhân dân.

Hay tại quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, cá biệt có chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng như: Dự án mở rộng vườn ươm Cổ Nhuế, Trung tâm Ngôn ngữ Việt Lào, Khu nhà ở kinh doanh Đầm Liễng, Trường huấn luyện và đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ, Trường Cao đẳng kinh tế-kỹ thuật, Chợ lâm sản...

Dự án “treo” không chỉ tồn tại ở các khu vực ngoại thành mà ngay cả những quận nội đô, những vị trí đắc địa vẫn còn nhiều dự án được phê duyệt đến hàng chục năm nhưng triển khai rất chậm. Điển hình như khu đô thị An Dương và dự án Sông Hồng City (quận Tây Hồ); D’San Raffles tại 22-24 Hàng Bài (quận Hai Bà Trưng); Trung tâm thương mại Đền Lừ, Bệnh viện đa khoa Quang Trung (quận Hoàng Mai); khu văn phòng và nhà ở số 2-4 phố Đội Nhân (quận Ba Đình); "siêu dự án" tổ hợp chung cư Booyoung Vina (quận Hà Đông)...

Tòa nhà Habico vẫn hiên ngang cả chục năm không động đậy - Ảnh: Gia Nguyễn

Tòa nhà Habico vẫn hiên ngang cả chục năm không động đậy - Ảnh: Gia Nguyễn

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, có thể điểm qua một số dự án như dự án Dragon City tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè của Công ty Phú Long, năm 2004, doanh nghiệp này trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha nằm mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, hoàn tất nghĩa vụ tài chính, đã được UBND thành phố cấp sổ đỏ khu đất để triển khai dự án, tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 16 năm, vẫn còn tồn tại một căn nhà và một số hộ dân không chịu di dời khiến dự án "bất động".

Hay như dự án khu nhà ở của Công ty cổ phần Sài Gòn Gôn tại phường Long Trường, quận 9 với diện tích 158ha, dự án này có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 nhưng đã 3 năm chưa thực hiện được, chủ đầu tư cũng không đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2019; dự án khu phức hợp Đầm Sen rộng 5,46ha ở phường 3, quận 11 được duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015;…

Theo các chuyên gia dự án “treo”, chậm tiến độ sẽ gây ra ba hệ lụy cơ bản: Thứ nhất, hiệu quả và hiệu suất sử dụng đất rất kém, trong quá trình phát triển đất nước, hiệu suất sử dụng các nguồn lực đầu vào nói chung và nguồn lực đất đai nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. Dự án “treo”, chậm tiến độ đã đưa hiệu suất sử dụng đất về xấp xỉ “0”, tức là đất đai không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, tình trạng dự án “treo”, chậm tiến độ có tác động xã hội khá mạnh, tại nhiều địa phương, nhiều người dân bị thu hồi đất đã thể hiện phản ứng mạnh mẽ. Ở mức cao hơn, nhiều người bị thu hồi đất đã làm đơn khiếu nại đòi lại đất cũ vì việc thu hồi đất không đúng với những gì chính quyền đã nói về dự án đầu tư cần đất của bà con…

Thứ ba, các dự án “treo”, chậm tiến độ trên diện rộng làm “thui chột” môi trường đầu tư của địa phương, nhiều nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư thật không với được tới đất, nhưng những nhà đầu tư khiếm khuyết năng lực lại dễ dàng có đất rồi để hoang khiến môi trường đầu tư kém lành mạnh, thiếu hiệu quả, giảm dần sức hút đầu...

Liên quan đến thực trạng dự án “treo”, chậm tiến độ, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường từng dẫn chứng, theo khái niệm pháp luật, một dự án đầu tư trên đất được gọi là “treo” khi sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai dự án đã đề ra. Theo Luật Đất đai 2003, các dự án “treo” sẽ bị Nhà nước thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn. Luật Đất đai 2013 thì “rẽ sang” giải pháp khác: Dự án “treo” được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn bị “treo” thì Nhà nước thu hồi đất và “tịch thu” toàn bộ tài sản đã đầu tư trên đất. Trong khi đó, Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư. Mâu thuẫn trong các quy định pháp luật làm khó cho việc xử lý các dự án “treo”.

Vậy, đến bao giờ dự án “treo”, chậm tiến độ sẽ thôi trở thành gánh nặng? Vẫn cần chờ vào sự quyết liệt của các cơ quan quản lý.

Có thể bạn quan tâm

  • "Chìa khóa" xóa dự án treo

    11:00, 19/06/2021

  • BẤT ĐỘNG SẢN CUỐI TUẦN:

    BẤT ĐỘNG SẢN CUỐI TUẦN: "Dự án treo” vẫn là căn bệnh mãn tính

    05:14, 21/03/2021

  • Bắt buộc thu hồi dự án treo

    Bắt buộc thu hồi dự án treo

    10:32, 09/11/2020

  • Bộ TN&MT lên kế hoạch thanh tra việc sử dụng đất tại các

    Bộ TN&MT lên kế hoạch thanh tra việc sử dụng đất tại các "dự án treo"

    06:34, 31/10/2020

  • Hàng chục dự án treo sổ hồng do “tắc” tiền sử dụng đất

    Hàng chục dự án treo sổ hồng do “tắc” tiền sử dụng đất

    15:00, 10/09/2020

GIA NGUYỄN