Thu hồi xe máy cũ đổi xe mới tại Hà Nội: Cần có chính sách phù hợp

GIA NGUYỄN 06/08/2021 04:00

Trước dự kiến triển khai kiểm định, thu hồi xe máy cũ đổi xe mới vừa được UBND TP. Hà Nội đưa ra, các chuyên gia cho rằng, muốn thực hiện hiệu quả, cần có chính sách phù hợp, lộ trình cụ thể.

Theo đó, sau một năm chuẩn bị các thủ tục, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND về thực hiện kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Kế hoạch này dự kiến được triển khai từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022, trong đó, Chi cục Bảo vệ Môi trường TP. Hà Nội và lực lượng chức năng kiểm soát giao thông trên đường sẽ phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), chủ yếu là các hãng sản xuất mô tô như: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM tiến hành “lập chốt” tại các đại lý của các hãng này để kiểm tra ngẫu nhiên 3.000 - 5.000 xe máy cũ lưu thông trên đường. Xe được đưa vào chốt để đo khí thải, kiểm tra tiêu chuẩn an toàn, từ đó đơn vị kiểm tra sẽ đưa đánh giá kèm khuyến cáo về chất lượng xe với người sử dụng và cơ quan quản lý Nhà nước.

UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND về thực hiện kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố - Ảnh minh họa

UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND về thực hiện kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố - Ảnh minh họa

Cụ thể, xe kiểm tra khí thải được giới hạn là xe có đăng ký do cơ quan chức năng cấp từ năm 2000 trở về trước. Tại đây, sau khi kiểm tra khí thải xong, nếu xe không đạt yêu cầu về kỹ thuật, đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải, người sử dụng sẽ có hai lựa chọn, để lại xe cho nhà sản xuất mang đi tiêu hủy và nhận lại từ 2 đến 4 triệu đồng để mua xe mới (số tiền này do VAMM tài trợ). Trong trường hợp người sử dụng không đồng ý vẫn được lưu thông tiếp nhưng các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ bị tịch thu khi thành phố thực hiện việc kiểm soát phương tiện cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe 2 bánh.

Được biết, các cơ quan đơn vị thực hiện kế hoạch này sẽ lập 8 trạm đo khí thải trên nhiều tuyến đường tại các quận trung tâm; lập 30 đại lý hỗ trợ việc đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông để triển khai chương trình.

Thực tế, việc xe máy cũ nát lưu thông, không chỉ ảnh hưởng tới an toàn cho người tham gia giao thông mà còn gây ra nhiều hệ luỵ cho môi trường, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để có thể thực hiện một cách hiệu quả việc thu hồi xe cũ đổi xe mới, cần có chính sách “hợp tình, hợp lý”, cần cơ chế khuyến khích người dân cũng như một lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn, để vừa giảm bớt ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đảm bảo an sinh cho người dân.

“Việc kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố, tiến tới thu hồi xe cũ đổi xe mới là chủ trương đúng đắn, không chỉ hướng đến việc cải thiện cải thiện chất lượng không khí mà còn hướng sự ưu tiên đến một số đối tượng cần được quan tâm trong xã hội. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích để người dân đồng thuận thực hiện mới đem lại hiệu quả tích cực”, các chuyên gia khuyến nghị.

Theo các chuyên gia, việc thu hồi xe cũ đổi xe mới tại TP. Hà Nội

Theo các chuyên gia, việc thu hồi xe cũ đổi xe mới tại TP. Hà Nội cần có chính sách phù hợp, lộ trình cụ thể - Ảnh minh họa

Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP. Hà Nội đang có hơn 5,7 triệu xe máy lưu thông, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ (đăng ký trước năm 2000), chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thì khí thải từ các phương tiện cũ nát đã và đang ảnh hưởng tới chất lượng môi trường không khí đô thị, đồng thời là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng dân cư trên địa bàn Thủ đô.

Thông tin với báo chí, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, khi kế hoạch này được triển khai sẽ là một hướng đi tốt trong việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông, cụ thể là xe máy cũ. Tuy nhiên, so với số lượng gần 6 triệu xe máy hàng ngày xả thải ra không khí thì số lượng xe được đổi của chương trình thực sự là “không thấm vào đâu”.

“Tôi cho rằng, trong giai đoạn thí điểm từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022, Hà Nội triển khai 8 trạm đo kiểm kê khí thải và 34 điểm thu hồi để tiếp nhận và xử lý xe máy thải bỏ từ người dân, như vậy vẫn còn rất ít và kết quả kiểm kê chưa thể đạt được khả quan nếu như không có kế hoạch lâu dài, cụ thể, nhất là không nên áp dụng cùng một lúc mà cần linh hoạt, chủ động”, GS.TS Từ Sỹ Sùa nhận định.

Còn theo, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy, một bộ phận người dân nghèo ở Hà Nội đang phụ thuộc vào chiếc xe máy cũ nát, nên việc chính quyền thu hồi các xe này cần có chính sách “hợp tình, hợp lý”. Chẳng hạn như kêu gọi Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy, doanh nghiệp sản xuất xe máy lớn, hoặc trích quỹ thành phố để giúp hỗ trợ những người khó khăn đổi xe máy cũ lấy xe máy mới.

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, theo kế hoạch, người dân sẽ được hỗ trợ từ 2 – 4 triệu đồng, tuy nhiên, để mua được một chiếc xe mới loại rẻ nhất, người dân phải tự bỏ thêm ít nhất là 16 triệu đồng, đây cũng là một khoản không hề nhỏ đối với những người thu nhập thấp, không phải ai cũng có đủ tiền để đổi xe. Nếu các tổ chức, doanh nghiệp có thể xem xét hỗ trợ thêm cho người dân khoảng 7 - 8 triệu đồng/xe sẽ rất tốt, từ đó góp phần cải thiện, ổn định an sinh hơn trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

“Tôi cho rằng, việc thu hồi xe máy cũ không được làm dồn dập mà phải có lộ trình cụ thể, mỗi năm chỉ nên thu hồi vài ngàn xe để vừa giảm bớt ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đảm bảo an sinh cho người dân”, TS Nguyễn Xuân Thủy đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí: Cần dán nhãn sinh thái với phương tiện giao thông

    Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí: Cần dán nhãn sinh thái với phương tiện giao thông

    04:50, 22/01/2021

  • Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí: Cần những giải pháp mạnh tay!

    Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí: Cần những giải pháp mạnh tay!

    04:50, 20/01/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

    19:27, 18/01/2021

  • Thu hồi phương tiện cũ nát giảm thải ô nhiễm môi trường: Đúng nhưng khó thực hiện!

    Thu hồi phương tiện cũ nát giảm thải ô nhiễm môi trường: Đúng nhưng khó thực hiện!

    04:30, 08/01/2021

  • Ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp (Bài 4): “Dọn rác” hay “chuyển mình”?

    Ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp (Bài 4): “Dọn rác” hay “chuyển mình”?

    04:20, 12/12/2020

GIA NGUYỄN