Mặc dù được đánh giá là một trong những chủ trương đem đến hiệu quả giảm thải ô nhiễm môi trường tại các đô thị, tuy nhiên, đề xuất thu hồi phương tiện cũ nát vẫn bị hoài nghi vì khó thực hiện…
Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến tháng 4/2020 cả nước có khoảng 3,76 triệu ôtô, đến hết tháng 5/2020 số ôtô tăng lên 3,79 triệu xe, trung bình một tháng cả nước tăng thêm khoảng 30.000 ôtô và có đến khoảng 45% ôtô, xe máy đang tập trung tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Riêng tại Hà Nội, hiện có khoảng hơn 2,5 triệu xe cơ giới cũ đăng ký trước năm 2020.
Mới đây, việc Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải… trong đó, đề nghị TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sớm thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường, lại tiếp tục khơi dậy trong dư luận hàng loạt ý kiến trái chiều.
Trong đó, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá chủ trương thu hồi phương tiện cũ nát, lạc hậu để giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường tại các đô thị là đúng, tuy nhiên, vẫn còn khó vì 100% chủ những phương tiện cũ nát này là người nghèo và đây là những phương tiện mưu sinh hằng ngày của họ.
Thực tế, Hà Nội cũng đã dự kiến thực hiện lập 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, khi người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp, nhưng cho tới nay vẫn khó thực hiện bởi còn tồn tại một số bất cập.
Như ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Ôtô Việt Nam cũng từng nhận định, chủ trương này là tốt, cần được ủng hộ, vì không đơn thuần chỉ là kích cầu thị trường của các nhà sản xuất mà nó còn giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Vấn đề quan trọng nhất là nguồn tài chính hỗ trợ, chắc chắn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy sẽ trích từ lợi nhuận để hỗ trợ, nhưng 100% người sử dụng xe cũ, nát là người nghèo, trong khi đó một chiếc xe máy trung bình phải từ 15 triệu đồng trở lên, số còn lại lấy ở đâu?
Trở lại thông tin về đề xuất thu hồi phương tiện cũ nát để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chia sẻ với báo chí, PGS. TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM cho rằng, việc đề nghị thu hồi phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu… sẽ gặp nhiều khó khăn khi chưa đánh giá các tác động đối với đời sống của người dân, do đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ lưỡng để khi đi vào thực hiện tránh gây nên những tác động tiêu cực.
Còn theo TS. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, các tiêu chuẩn về khí thải phương tiện giao thông đang ngày càng được thắt chặt để hướng tới xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, việc thu hồi các phương tiện cơ giới cũ mà không có phương án hỗ trợ kịp thời có thể khiến những người nghèo bị mất việc, giảm thu nhập. Do đó, cần có sự xem xét, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành để có những chính sách hỗ trợ người dân khi thu hồi các loại xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn.
Cũng theo TS. Vũ Anh Tuấn, những hộ nghèo, hộ kinh doanh cần hỗ trợ thì liên quan đến chính sách an sinh xã hội, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng phải đánh giá thực trạng đó để phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có những chính sách bổ trợ, nếu không có những chính sách đó thì việc giám sát và thực thi, cưỡng chế là cực kì khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp (Bài 4): “Dọn rác” hay “chuyển mình”?
04:20, 12/12/2020
Ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp (Bài 3): Cần đầu tư cải tiến công nghệ
07:00, 22/11/2020
Ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp (Bài 2): Biến tướng đất quy hoạch
15:00, 12/11/2020
Ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp (Bài 1): Nan giải tìm lối thoát
11:01, 07/11/2020