Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 3: "Cổ phần hóa mặt tiền”
“Cổ phần hóa mặt tiền” là chuyện có thật xảy ra tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Bao nhiêu phần "béo bở", mang lại lợi nhuận thì doanh nghiệp ẵm cả, còn Nhà nước giữ lại “xương xẩu”…
Có thể nói, một trong những thương vụ cổ phần hoá “đình đám” của ngành Giao thông vận tải (GTVT) khiến dư luận khó hiểu nhất là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cũng bởi những sai phạm trong “thương vụ” này mà hàng loạt cán bộ, lãnh đạo cấp cao đều “dính” kỷ luật…
Theo đó, ngày 1/4/2016, ACV chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tuy nhiên, trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này, tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (trừ sân đỗ) đã được loại ra khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hoá.
Điều này đồng nghĩa với việc kể từ ngày 1/4/2016, tài sản kết cấu hạ tầng khu bay (trừ sân đỗ) đã đưa vào giá trị khi cổ phần hóa ACV trong hệ thống tài sản hạ tầng hàng không được bàn giao cho Bộ GTVT.
TS Lương Hoài Nam, một chuyên gia về hàng không gọi ACV là một doanh nghiệp kỳ lạ: Trên thế giới không có nhà phát triển sân bay nào lại không làm khu bay như ACV. Và thứ cơ chế cho phép họ “khai thác hạ tầng nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền” biến ACV là doanh nghiệp siêu lợi nhuận với tỉ suất lợi nhuận rất khủng.
Những con số không nói dối: Trong năm 2019, kết quả kinh doanh hợp nhất quý III của ACV cho thấy doanh thu bán hàng kỳ này tăng 15% lên 4.591 tỉ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 13.517 tỉ đồng, tăng 13% cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp của ACV tăng nhẹ lên 52,5%, doanh thu tài chính đạt 573 tỉ, lũy kế 9 tháng đạt gần 1.400 tỉ, tăng 18,8%.
Quay trở lại chuyện cổ phần hóa ACV, nói theo cách của một vài chuyên gia thì đây là một sáng kiến “cổ phần hóa mặt tiền”. Thật vậy, sau cổ phần hóa tại doanh nghiệp này, Nhà nước giữ lại đường băng, đường lăn, sân đỗ... vốn ít sinh lãi và phải có trách nhiệm đầu tư cho doanh nghiệp khai thác và thu phí.
Còn ACV sau cổ phần hóa được khai thác nhà ga, các dịch vụ khác đem lại nhiều lợi nhuận và hiện có trong tay cả chục ngàn tỉ đồng có thể đem đầu tư. Như vậy, trong vụ cổ phần hóa này Nhà nước đã chấp nhận giữ lại phần "xương xẩu".
Ngặt nỗi, sau cổ phần hóa, luật chơi được xác định Nhà nước phải chi ngân sách ra đầu tư, nâng cấp đường băng, đường lăn... nhưng lại không có tiền để thực hiện trách nhiệm của mình. Còn ACV dù có chục ngàn tỉ đồng nhưng không thể đem tiền làm thay Nhà nước.
Như vậy, kiểu "cổ phần hóa mặt tiền" khiến cho nguồn lực của ACV bị "đóng băng", còn Nhà nước bị trói tay khi tiền đang nằm ở ACV đã cổ phần hóa, dù Nhà nước vẫn nắm giữ 95% cổ phần của doanh nghiệp này.
Hậu quả là tình trạng xuống cấp của đường băng sân bay Nội Bài (Hà Nội), quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thêm trầm trọng.
Chắc chắn rằng chủ trương cổ phần hóa không bao giờ sai, chỉ sai với cách làm "cổ phần hóa mặt tiền". Những gì thị trường làm tốt, Nhà nước nên nhường sân cho tư nhân. Vì thế, chỉ có thực hiện sai mới gây hậu quả, như trong vụ cổ phần hóa ACV Nhà nước đem bán phần béo bở còn “xương xẩu” giữ lại.
Đáng chú ý, sau đó để sửa sai, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng nghiên cứu xem xét mua lại 4,6% phần vốn cổ phần của ACV mà Nhà nước đã bán ra trước đây, tức là "quốc doanh hóa" trở lại ACV.
Mua lại, một giải pháp hay nhằm góp phần "giải cứu" sân bay nhưng cũng là tiền lệ xấu. Bởi mua lại là làm chuyện "lạ đời", đi ngược lại chủ trương cổ phần hóa. Chưa kể, có thể thiệt hại về vật chất khi Nhà nước phải bỏ ra nhiều tiền hơn số đã thu về khi bán cổ phần của ACV để nắm lại số cổ phần này...
Bài học từ vụ ACV là lời cảnh báo rằng cần phải soi xét kỹ để tìm cho ra những thương vụ "cổ phần hóa mặt tiền", còn Nhà nước giữ lại “xương xẩu”.
Những uẩn khúc nằm ở việc sắp xếp lại tài sản khi cổ phần hóa, xây dựng phương án cổ phần hóa tại các doanh nghiệp mà ở đó thường là những khu đất vàng, nhà xưởng vị trí đẹp được giữ lại để chờ thời!
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của ACV, vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2017 là hơn 27.384 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là hơn 21.771 tỷ đồng. Cơ cấu vốn của ACV khi thực hiện cổ phần hóa là 22.430,98 tỷ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 6/10/2015, theo phương án cổ phần hóa vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, vốn Nhà nước theo giá trị doanh nghiệp đã xác định là 20.769,43 tỷ đồng; phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là 1.661,55 tỷ đồng. Sau khi ACV thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), người lao động, tổ chức công đoàn được mua 100.230.225 cổ phần (tương ứng hơn 1.002,3 tỷ đồng theo mệnh giá). Đây được xác định là phần phát hành để tăng vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại chưa phát hành là 65.925.268,77 cổ phần (tương ứng hơn 659,2 tỷ đồng theo mệnh giá), trong đó phát hành cho cổ đông chiến lược là 448.619.701 cổ phần theo phương án cổ phần hóa... |
Có thể bạn quan tâm