Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 2: Ai được, ai mất?

NGUYỄN GIANG 08/08/2021 03:30

Tại sao 10 doanh nghiệp nhà nước với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản của nhà nước mà chỉ được định giá 327 tỷ đồng, tức là chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội...

hihi

Trụ sở Tổng Công ty vận tải Thủy. Ảnh: ĐSPL

Đó là ý kiến tranh luận của nguyên đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng liên quan tới Tổng Công ty vận tải Thủy (VIVASO) tại buổi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Theo đó, câu chuyện cổ phần hóa Tổng Công ty vận tải Thủy luôn làm nóng nghị trường Quốc hội và tốn nhiều giấy mực của các cơ quan báo chí. Sau những bức xúc từ dư luận, Bộ công an cũng đã vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan tới việc thẩm định giá VIVASO, theo hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp do đơn vị tư vấn – Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam công bố ngày 16/9/2013, giá trị doanh nghiệp của công ty mẹ - VIVASO trước khi tiến hành cổ phần hóa là 327 tỷ đồng (tròn số).

Với con số này, nói như cựu Chủ tịch VIVASO Phạm Ngọc Đích từng chia sẻ với báo chí là “không biết đắt hay rẻ”, chỉ biết vào thời điểm này trên thực tế, doanh nghiệp này đang quản lý sử dụng gần 50ha đất tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc, trong đó có khá nhiều vị trí thực sự là “vàng” đối với doanh nghiệp.

Cần phải nói thêm, VIVASO với bề dày hàng chục năm nên sở hữu một thương hiệu khá mạnh trong lĩnh vực vận tải thủy, bộ và xếp dỡ hàng hóa; bên cạnh đó, còn có một hệ thống cảng với nhiều nhà xưởng, kho bãi tại các đầu mối giao thông quan trọng… 

Đáng chú ý, ít ngày sau khi tiến hành IPO (phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng) với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường lập tức có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị được mua hết 14.627.287 cổ phần còn lại.

Tiếp đó, Bộ GTVT có Công văn “hỏa tốc” số 4118/BGTVT-QLDN chính thức “giới thiệu” Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường đến VIVASO mua cổ phần. Bằng văn bản nêu trên, nhà đầu tư Vạn Cường sau đó đã dễ dàng sở hữu 45% vốn điều lệ (hơn 140 tỷ đồng) của VIVASO.

Ngay sau đó, bộ máy lãnh đạo cũ của doanh nghiệp này cũng lần lượt bị mất “ghế”. Cụ thể, ông Phạm Ngọc Đích nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên VIVASO xuống làm Tổng Giám đốc, còn Tổng Giám đốc Trần Hữu Luận phải làm Phó cho ông Đích. Hiện, Công ty Vạn Cường nắm vai trò chi phối, chiếm hơn 77% cổ phần, và ông Nguyễn Thuỷ Nguyên là Chủ tịch HĐQT VIVASO.

hihii

Nguyên Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng tại buổi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Ảnh: QH

Quay trở lại ý kiến của nguyên đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bên hành lang Quốc hội liên quan đến việc cổ phần hóa VIVASO của ngành GTVT, ông Nhưỡng cho rằng, nếu công khai, thực hiện đúng nguyên tắc trong việc cổ phần hóa, chắc chắn sẽ có người sẵn sàng bỏ hơn số tiền đó để mua lại.

Vị nguyên đại biểu đoàn Bến Tre nêu những kẽ hở trong định giá doanh nghiệp có thể khiến tài sản nhà nước bị bòn rút, thất thoát, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi, tham nhũng.

Ông Nhưỡng phân tích: thứ nhất, chúng ta quá sơ hở về chuyện đất đai khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. Điều này là do thể chế chưa hoàn thiện, còn nhiều sơ hở, để doanh lợi dụng cổ phần hóa để đạt được mục đích về đất đai.

Nói như Phó Thủ tướng từng nói, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhà nước gắn với các lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị sau cổ phần hóa.

Thậm chí, khi chúng ta biết việc cổ phần hóa liên quan tới chuyện đất đai nhưng không có cơ chế để bảo vệ nó – thứ tài sản quan trọng nhất đối với bất kỳ cơ sở sản xuất kinh doanh nào. Cho nên người ta dễ dàng bàn giao đất kể cả những mảnh “đất vàng”, “đất kim cương”…Trong khi đó, không tính toán hết đến giá trị thực của đất theo cơ chế thị trường, mà vẫn "ôm khư khư" cơ chế cho thuê đất hàng năm, trả tiền thuê đất.

Khi thực hiện xong việc cổ phần hóa, bằng cách này hay cách khác, giá đất có thể tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Như vậy có nghĩa là chúng ta có thể bị thất thoát tài sản vô cùng to lớn.

Bên cạnh đó, ông Nhưỡng cũng cho rằng: việc cổ phần hóa chưa tính toán hết giá trị thực của tài sản. Có những tài sản đang hiện hữu có thể sử dụng được mấy chục năm sau, thế nhưng người ta không định giá nó bởi họ cho rằng, tài sản này đã được khấu hao hết rồi. Đây là vấn đề (nhận thức) vô cùng nguy hiểm.

Ví dụ, một cầu cảng xây dựng từ mấy chục năm trước được đơn vị định giá tài sản đã khấu hao hết, nhưng thực tế, bản chất cái cầu cảng đó vẫn hiện hữu, nên cần phải tính hết giá trị (sử dụng) trong những năm tiếp theo. Hay tại Tổng công ty vận tải thủy, người ta phát hiện ra rằng, nhiều đoàn tàu vừa mới đóng được một thời gian ngắn, nhưng người ta định giá rất thấp...

Từ ví dụ trên cho thấy, không loại trừ trường hợp cơ quan định giá thông đồng với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các bước cổ phần hóa nhằm trục lợi. Hay nói cách khác, không loại trừ cả động cơ trục lợi mà việc định giá doanh nghiệp cổ phần hóa thiếu chính xác.

Theo nguyên đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc cổ phần hóa không công khai hoặc công khai một cách "giả vờ". Thậm chí có những nhà đầu tư chiến lược cũng không được thông báo, không được tham gia vào quá trình cổ phần hóa trong khi họ đang là đối tác, liên danh với doanh nghiệp nọ.

Bản thân người lao động khi cổ phần hóa cũng không được tham gia sâu vào quá trình cổ phần. Quyền lợi của người lao động thậm chí bị bỏ quên khi thực hiện cổ phần hóa”, ông Nhưỡng nói.

Công ty TNHH liên hợp xây dựng Vạn Cường được thành lập từ tháng 4/1992 với vốn điều lệ ban đầu là 6,898 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập của Vạn Cường gồm: Nguyễn Thủy Nguyên (90,49%), Nguyễn Yên Đỗ (7,25%), Nguyễn Hồng Nguyên (2,17%) và Nguyễn Ngọc Hưng (0,09%). Công ty này do ông Nguyễn Thủy Nguyên làm Chủ tịch HĐQT và cũng là người đại diện pháp luật.

Từ năm 2005, Vạn Cường của ông Nguyễn Thủy Nguyên đã có những hợp đồng kinh tế với nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT. Có thể kể đến như: hợp đồng kinh tế số 28/HĐKT-XL-VEC/2007 giữa Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Liên danh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty Vạn Cường; hợp đồng xây dựng số 189/XĐXD-CIPM giữa Liên danh công ty Đầu tư Xây dựng Quyết Tiến và Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường với Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long về việc thi công gói thầu số 04 "Xây dựng đường Gom phía Vĩnh Long" thuộc dự án "Xây dựng Cầu Cần Thơ"; hay hợp đồng số 54/HĐ-XD ký giữa Tổng công ty xây dựng công trình Giao thông 8 và Công ty Vạn Cường…

Có thể bạn quan tâm

  • Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT (Bài 1): Thực hiện “ồ ạt”... thất thoát “khổng lồ”

    Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT (Bài 1): Thực hiện “ồ ạt”... thất thoát “khổng lồ”

    11:00, 05/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 2: Ai được, ai mất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO