Rà soát pháp luật: Những “nút thắt” trong Luật Đầu tư công 2019

GIA NGUYỄN 25/08/2021 04:20

Được kỳ vọng sẽ là cơ sở tháo gỡ những “nút thắt” trong việc giải ngân đầu tư công, thế nhưng, chỉ mới có hiệu lực thực thi hơn 1 năm qua, Luật Đầu tư công 2019 đã bộc lộ sự bất cập...

Theo đó, để tháo gỡ những hạn chế, bất cập, ngày 13/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020), sự ra đời của Luật Đầu tư công được cho là cơ sở pháp lý quan trọng, thống nhất trong quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công, qua đó, phần nào khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, chậm tiến độ, nợ đọng kéo dài…

Ra đời với nhiều kỳ vọng, thế nhưng, Luật Đầu tư công 2019 lại đang cho thấy bất cập sau hơn 1 năm có hiệu lực thi hành - Ảnh minh họa

Ra đời với nhiều kỳ vọng, thế nhưng, Luật Đầu tư công 2019 lại đang cho thấy bất cập sau hơn 1 năm có hiệu lực thi hành - Ảnh minh họa

Thế nhưng, theo thống kê đến cuối tháng 7/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 36,71% so với kế hoạch năm 2021, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%); đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%); thậm chí còn nhiều cơ quan chưa giải ngân (0%)…

Tỷ lệ giải ngân thấp không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, mà còn gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Ngoài 2 nguyên nhân khách quan được cho là do tác động của đại dịch COVID-19 và vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, các chuyên gia cũng cho rằng, vướng mắc còn xuất phát từ các nội dung điều luật điều chỉnh trong Luật Đầu tư công 2019 chưa theo kịp với tình hình thực tiễn.

Theo các chuyên gia, về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư quy định khoản 1 Điều 8 Mục I Chương II và thẩm quyền quyết định đầu tư tại Điều 35 Mục II Chương II được hiểu là phần lớn nguồn vốn đầu tư công phụ thuộc vào thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, các dự án có nhu cầu giải ngân mạnh nguồn vốn đầu tư công thời gian qua chủ yếu là Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và nguồn vốn sử dụng chủ yếu là vốn ODA.

các chuyên gia cũng cho rằng, vướng mắc còn xuất phát từ các nội dung điều luật điều chỉnh trong Luật Đầu tư công 2019 chưa theo kịp với tình hình thực tiễn - Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng, các nội dung điều luật điều chỉnh trong Luật Đầu tư công 2019 chưa theo kịp với tình hình thực tiễn - Ảnh minh họa

Thực tế, Báo cáo Quốc hội tháng 5/2021 về kết quả triển khai các công trình, dự án trọng điểm, Bộ Giao thông vận tải cho biết, bên cạnh các kết quả đạt được, tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn, nguyên nhân chủ yếu được cho là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp. Đồng thời, Bộ này cũng viện dẫn, một số dự án lớn hơn 10.000 tỷ đồng khi điều chỉnh tổng mức đầu tư cần báo cáo Quốc hội thông qua do hình thành yếu tố quan trọng quốc gia... nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiều dự án đang và sắp triển khai.

Cụ thể, điểm c khoản 7 Điều 67 Luật Đầu tư công quy định: “HĐND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách địa phương do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương”.

Điều đó đồng nghĩa với việc, điều chỉnh kế hoạch vốn kế hoạch hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị phải chờ đến kỳ họp HĐND, đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp do không thể điều chuyển vốn từ những dự án ít hoặc không có khả năng giải ngân sang những dự án đang cần vốn.

Hay như Điều 27 quy định: “Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm giao cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư”. Tuy nhiên, đối với dự án do các đơn vị không phải là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các cấp làm chủ đầu tư, thì việc giao cho cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các cấp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chưa thực sự phù hợp, không đủ năng lực, không nắm rõ dự án...

Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty TNHH luật Hà Việt cho rằng, những tồn tại hiện nay trong đầu tư công là do không chọn được dự án tốt, nói cách khác, luật đang đưa ra một quy trình ngược: chia vốn trước, chọn dự án sau. Trong khi nên làm ngược lại, nhưng chi phí để chuẩn bị dự án ở đâu? Hiện nay, phải ghi vốn mới có tiền chuẩn bị dự án, rồi mới thẩm định, phê duyệt và thực hiện.

Theo Luật sư Luân, để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong đầu tư công hiện nay, cần sửa đổi các điều luật điều chỉnh về thẩm quyền theo hướng phân cấp mạnh, giao quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền cho người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định đầu tư; và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án được phê duyệt.

Có thể bạn quan tâm

  • Rà soát pháp luật: Nhiều mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư với các luật

    Rà soát pháp luật: Nhiều mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư với các luật

    04:20, 24/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở

    Rà soát pháp luật: Chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở

    04:30, 23/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Điểm mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai

    Rà soát pháp luật: Điểm mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai

    04:40, 22/08/2021

  • Rà soát phát luật: Bất cập hành vi kinh doanh bị cấm trong Luật Đầu tư

    Rà soát phát luật: Bất cập hành vi kinh doanh bị cấm trong Luật Đầu tư

    04:20, 21/08/2021

  • Rà soát pháp luật: Luật Đầu tư 2020 và một số tồn tại

    Rà soát pháp luật: Luật Đầu tư 2020 và một số tồn tại

    04:20, 20/08/2021

GIA NGUYỄN