Rà soát pháp luật: Luật Đầu tư 2020 và một số tồn tại

Diendandoanhnghiep.vn Mặc dù mới có hiệu lực thi hành hơn 8 tháng, thế nhưng, theo các chuyên gia, Luật Đầu tư 2020 đã cho thấy một số vướng mắc, bất cập,…

Cũng giống như Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 với nhiều kỳ vọng, thế nhưng, chỉ mới có hiệu lực thi hành hơn 8 tháng qua, Luật này đã cho thấy một số vướng mắc, bất cập,… có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý Nhà nước về đầu tư.

Cụ thể, khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư 2020 về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các dự án quy định tại điểm g như: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Hay như các dự án an tại điểm h: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.

Các chuyên gia cho rằng, Luật Đầu tư 2020 cần xem xét đến việc phân cấp, phân quyền để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư - Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng, Luật Đầu tư 2020 cần xem xét đến việc phân cấp, phân quyền để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, với dự án đầu tư quy định tại điểm g, h khoản 1 Điều 31 như đã nêu, là không cần thiết, bởi các quy định này, sẽ không tạo ra được bước đột phá về thủ tục thẩm quyền, rút gọn thời gian cho các nhà đầu tư, khi thực tế nhà đầu tư hai loại dự án này thông thường phải mất hàng năm để có được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ từ căn cứ tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi tập hợp ý kiến của rất nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương.

“Để có thể tạo ra bước đột phá, nên phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 200 ha, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất có quy mô sử dụng đất dưới 500 ha”, các chuyên gia kiến nghị.

Tương tự, về thẩm quyền chấp thuận đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chỉnh phủ, theo khoản 2 Điều 56 Luật Đầu tư 2020, cũng là một trong những tồn tại cần được xem xét, tránh để ảnh hướng đến hoạt động đầu tư.

Theo các chuyên gia, khoản 2 Điều 56 Luật Đầu tư 2020 quy định: Trừ các dự án đầu tư quy định tại khoản 1 điều này thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:

Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên; Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.

Có chuyên gia đề xuất nên nghiên cứu, phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư này, tăng quy mô vốn đầu tư dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính Phủ, phân cấp các dự án dưới quy mô vốn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Luật Đầu tư 2020 còn tồn tại bất cập trong quy định

Luật Đầu tư 2020 còn tồn tại bất cập trong quy định về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam - Ảnh minh họa

Không chỉ tồn tại trong phân cấp, phân quyền, pháp luật về đầu tư là một trong những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù Luật Đầu tư 2014 đã cho thấy nhiều bất cập liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, những bất cập này vẫn chưa được Luật Đầu tư năm 2020 khắc phục.

Thực tế cho thấy, việc hoàn thiện Luật Đầu tư 2020 là rất cần thiết để thu hút đầu tư nói chung và thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam nói riêng, thế nhưng, quy định về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam được cho vẫn còn bất cập.

Cụ thể, khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này…”.

Trong khi Luật Đầu tư 2020 bổ sung 2 trường hợp ngoại lệ không cần phải có dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là: “Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, quy định điều kiện về dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đã nêu là chưa hoàn toàn hợp lý bởi theo Luật doanh nghiệp hiện hành, việc đăng ký quy mô vốn, ngành ngành nghề kinh doanh là rất tự do, trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với nhà đầu tư trong nước, khi thành lập doanh nghiệp thì không bắt buộc phải có dự án và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

“Do vậy, việc quy định 2 điều kiện này đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo bất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, làm giảm đi việc thu hút đầu tư nước ngoài (2 điều kiện này sẽ làm mất đi thời gian, gây phiền hà về thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài)”, Luật sư Hiệp chia sẻ.

Cũng theo Luật sư Hiệp, khoản 2 Điều 36 Luật Đầu tư năm 2014 trước đó quy định, hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài muốn không làm dự án và thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì họ có thể thực hiện bằng cách thỏa thuận để phía nhà đầu tư Việt Nam thành lập trước tổ chức kinh tế. Ngay sau khi tổ chức kinh tế được thành lập, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào làm thành viên, cổ đông theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và thay đổi nội dung đăng ký để tham gia vào ngay các chức danh quản lý công ty.

“Luật Đầu tư năm 2014 thừa nhận nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài được đầu tư thành lập Công ty hợp danh với tư cách là thành viên hợp danh (Điều 22) và được đầu tư góp vốn vào Công ty hợp danh để trở thành thành viên hợp danh của Công ty (góp vốn để tăng vốn điều lệ của Công ty hợp danh theo Khoản 1, Điều 25). Vậy nên, Luật Đầu tư 2020 nên bỏ 2 điều kiện phải có dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, chứ không chỉ dừng lại ở việc bỏ 2 điều kiện đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như đã nêu”, Luật sư Hiệp đề xuất.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Rà soát pháp luật: Luật Đầu tư 2020 và một số tồn tại tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713602182 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713602182 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10