Rà soát pháp luật: Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn bất cập về quyền cổ đông

GIA NGUYỄN 18/08/2021 04:20

Không chỉ tồn tại một số quy định khó áp dụng, các chuyên gia cho rằng, Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn để lại những bất cập về quyền cổ đông, thời hạn góp vốn,…

Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn giữ nguyên thời hạn tối đa 90 ngày kể từ lúc công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thành viên, cổ đông góp vốn tại các Điều 47, 75, 112, thế nhưng, theo các chuyên gia dường như để đáp lại phàn nàn của cộng đồng doanh nghiệp về thời hạn 90 ngày là quá ngắn ngủi, Luật Doanh nghiệp 2020 đã rất “rộng lượng”, không tính thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản vào thời hạn này.

“Vấn đề là khi nào thì người góp vốn phải bắt đầu vận chuyển, nhập khẩu hay thực hiện thủ tục hành chính đó? Đặt ra thời hạn mà không có điểm bắt đầu thì khó mà xác định được khi nào mới hết khoảng thời gian đó. Và thật dễ tận dụng quy định này để kéo dài thời hạn góp vốn, chẳng hạn như đăng ký vốn góp bằng tiền thật nhỏ, bằng tài sản thật lớn, như vậy, vốn đăng ký thật lớn nhưng vốn thực góp trong ba tháng đầu có thể rất nhỏ. Hoặc đăng ký vốn ban đầu nhỏ, đăng ký vốn góp thêm lớn hơn vì Luật mới vẫn không đặt ra thời hạn cho vốn góp thêm”, các chuyên gia nêu quan điểm.

Vẫn còn những bất cập liên quan đến quyền cổ đông, góp vốn,... trong Luật Doanh nghiệp 2020 - Ảnh minh họa

Vẫn còn những bất cập liên quan đến quyền cổ đông, thời hạn góp vốn,... trong Luật Doanh nghiệp 2020 - Ảnh minh họa

Không chỉ để lại “lỗ hổng” liên quan đến thời hạn góp vốn, Luật Doanh nghiệp 2020 còn được cho vẫn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến quyền cổ đông, có thể kể đến sự thiếu rõ ràng trong quy định về Quyền tiếp cận thông tin của cổ đông.

Thông tin với báo chí, Luật sư Dương Minh Lệ Trang - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, điểm a khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây: Xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty.

“Vấn đề thế nào là “bí mật thương mại”? Vì luật chuyên ngành là Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định về “bí mật kinh doanh”, từ đó có thể dẫn tới việc công ty lạm dụng loại trừ này để cho rằng một tài liệu nào đó là “bí mật thương mại” để từ chối không cho cổ đông tiếp cận”, Luật sư Trang đặt vấn đề.

Cũng theo Luật sư Trang, phạm vi loại trừ theo quy định đã nêu là quá rộng. Một tài liệu, chẳng hạn như một bản hợp đồng nào đó phải được Hội đồng quản trị thông qua, có thể chứa đựng (cụ thể như ngôn từ của Luật là “liên quan đến”) bí mật thương mại, bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, thông tin mà cổ đông cần biết trong tài liệu đó không nhất thiết phải là bí mật thương mại, bí mật kinh doanh nào cả mà là những thông tin khác.

“Như vậy, loại trừ toàn bộ nội dung của tài liệu ấy là không cần thiết, bất hợp lý và thu hẹp quyền tiếp cận thông tin của cổ đông”, Luật sư Trang nêu quan điểm.

Tính thiếu rõ ràng là một trong những vấn đề cần được xem xét làm rõ tại một số quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 - Ảnh minh họa

Tính thiếu rõ ràng là một trong những vấn đề cần được xem xét làm rõ tại một số quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 - Ảnh minh họa

Đồng quan điểm với Luật sư Trang, Luật sư Trương Hữu Ngữ - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, tình trạng thiếu rõ ràng cũng đang tồn tại trong quy định về Quyền khởi kiện của cổ đông.

Theo Luật sư Ngữ, khoản 1 Điều 166 quy định, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong trường hợp sau đây:… Ở đây cụm từ “hoặc người khác” là cụm từ mới được thêm vào, tuy nhiên, điểm mới này không hợp lý.

“Thứ nhất, Luật không nói rõ “người khác” ở đây là ai và quyền khởi kiện của cổ đông, nhóm cổ đông này khác gì với quyền khởi kiện (chẳng hạn như kiện để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) của chính những “người khác” đó. Nếu như “người khác” đó bị thiệt hại, tại sao những đối tượng này không tự mình, trực tiếp khởi kiện mà lại phải nhờ tới cổ đông, nhóm cổ đông đó, lại có thể nhân danh công ty để kiện?

Thứ hai, tại sao cổ đông, nhóm cổ đông phải khởi kiện vì quyền lợi cho “người khác” chứ không phải của công ty mà chi phí khởi kiện lại được tính vào chi phí của công ty, hay nói cách khác là sẽ được công ty hoàn lại?

Thứ ba, sẽ có nhiều trường hợp việc khởi kiện sẽ xảy ra xuất phát từ việc thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc đang thực hiện vai trò của mình trong công ty. Khi đó, hành động hay quyết định của họ sẽ có giá trị ràng buộc công ty, nhân danh công ty và vì lợi ích của công ty…

Nếu hành động hay quyết định đó gây thiệt hại cho “người khác”, theo tư duy thông thường, “người khác” đó phải kiện công ty, nếu công ty phải bồi thường thiệt hại cho “người khác”, tới lượt mình, công ty có thể kiện Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc để yêu cầu bù đắp cho công ty khoản tiền mà công ty đã phải bồi thường cho “người khác” đó và những thiệt hại khác phát sinh từ vụ kiện của “người khác” đó”, Luật sư Ngữ phân tích.

Bên cạnh đó, bất cập trong việc “Miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị” tại điểm b khoản 1 Điều 160 cũng được nhắc tới khi quy định điều kiện miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị nếu người đó: “có đơn từ chức và được chấp thuận”.

Theo các chuyên gia, “được chấp thuận” là cụm từ mới thêm vào, tuy nhiên, vấn đề Luật không nói rõ ai có thẩm quyền chấp thuận đơn từ chức đó, quan trọng hơn, nếu như đơn từ chức không được chấp thuận, liệu người xin miễn nhiệm sẽ vẫn phải tiếp tục làm việc cho công ty và chính Đại hội đồng cổ đông cũng không miễn nhiệm được người đó.

Ngoài những nội tại đã nêu, Luật Doanh nghiệp 2020 còn được cho là thiếu thống nhất với Bộ luật Dân sự 2015 dẫn đến khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật vào việc giải quyết các tranh chấp liên quan trên thực tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Rà soát pháp luật: Một số quy định khó áp dụng tại Luật Doanh nghiệp 2020

    Rà soát pháp luật: Một số quy định khó áp dụng tại Luật Doanh nghiệp 2020

    04:10, 17/08/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát pháp luật tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát pháp luật tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh

    20:50, 16/08/2021

  • Bộ Công Thương: Rà soát, đánh giá để mở lại chợ tạm

    Bộ Công Thương: Rà soát, đánh giá để mở lại chợ tạm

    17:51, 05/08/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Yêu cầu rà soát nhu cầu trang thiết bị y tế, đề xuất phương án đấu thầu tập trung

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Yêu cầu rà soát nhu cầu trang thiết bị y tế, đề xuất phương án đấu thầu tập trung

    20:18, 19/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rà soát pháp luật: Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn bất cập về quyền cổ đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO