Được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn còn một số tồn tại, có thể gây khó khăn khi áp dụng…
Theo các chuyên gia, Luật Doanh nghiệp 2020, được ban hành vào tháng 6/2020 và chính thức có hiệu lực thi hành vào 01/01/2021, kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều chuyển biến trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, một số điểm mới trong Luật không thực sự rõ ràng, thiếu hợp lý, có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn khi áp dụng.
Cụ thể, khoản 23 Điều 4 về khái niệm người có liên quan quy định, cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức “có khả năng chi phối hoạt động” của một công ty thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty là “người có liên quan”.
Chuyên gia lấy ví dụ, một cổ đông chỉ sở hữu 9% cổ phần phổ thông của công ty, giao dịch giữa cổ đông này và công ty có thể sẽ không cần phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị Công ty chấp thuận (Điều 167). Tuy nhiên, nếu cổ đông này có tham gia vào thỏa thuận cổ đông với một hoặc một số cổ đông khác, làm cho nhóm cổ đông đó có khả năng chi phối hoạt động của công ty thì với định nghĩa mới về “người có liên quan” nói trên, những cổ đông tham gia thỏa thuận trở thành “người có liên quan”, và từ đó khiến cho bất kỳ giao dịch nào giữa cổ đông 9% kia và công ty sẽ cần phải có được sự chấp thuận nội bộ.
“Hay một người nhờ người khác đứng tên thành lập công ty, còn mình thì đứng sau thực chất điều hành và quản lý công ty, vậy thì giao dịch giữa công ty với “người ẩn danh” hoặc người có liên quan của người đó có thể sẽ cần phải có được sự chấp thuận nội bộ của công ty.
Hoặc một người sắp mua cổ phần mới phát hành thêm của công ty, giữa người này và cổ đông hiện hữu của công ty có một thỏa thuận giúp họ có khả năng chi phối hoạt động của công ty, khi đó cổ đông hiện hữu có thể sẽ không được quyền biểu quyết về giao dịch phát hành cổ phần giữa Công ty và cổ đông mới”, chuyên gia nêu ví dụ.
Thông tin với báo chí, Luật sư Trương Hữu Ngữ - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sẽ không dễ dàng giải thích được vai trò của định nghĩa “người có liên quan” theo quy định tại khoản 3, Điều 4 này, bởi, nếu theo đúng câu chữ của Luật, Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ giúp xác định những người có liên quan của một doanh nghiệp chứ không phải là người có liên quan của một cá nhân, cũng không phải là tạo nên mối quan hệ người có liên quan giữa các tổ chức và cá nhân.
Cũng theo Luật sư Ngữ, Luật cũng không giải thích như thế nào thì những cá nhân, tổ chức được xem là “có khả năng chi phối hoạt động” của công ty, vậy nên khi áp dụng vẫn phải nhìn sang Luật khác để đoán định.
“Ngoài ra, định nghĩa “người có liên quan” cũng không được sử dụng ở một số nơi cần thiết. Chẳng hạn, quy định về giao dịch giữa công ty và người có liên quan, những khái niệm khác sẽ được sử dụng, như trong khoản 2 Điều 67 Luật này (về thành viên Hội đồng thành viên có liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết) và khoản 4 Điều 167 (cổ đông có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết), Luật sư Ngữ chia sẻ.
Bên cạnh đó về hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp, Điều 18 quy định, sau khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp, bên trong hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.
Theo Luật sư Dương Minh Lệ Trang - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, quy định này có thể hiểu theo hướng Luật Doanh nghiệp đang buộc các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ nhằm đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ được (hoặc sẽ phải) tiếp tục thực hiện hợp đồng đó? Trong khi, Điều 19 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định sau khi được thành lập doanh nghiệp đương nhiên kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng. “Nếu hiểu theo cách này, thì Luật mới có lẽ đang phức tạp hóa vấn đề”, Luật sư Trang nêu quan điểm.
Cũng theo Luật sư Trang, nếu không phải hiểu theo cách này thì quy định “phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng” sẽ gây khó khăn cho các bên, bởi việc chuyển giao nghĩa vụ sẽ cần có sự đồng ý của bên có quyền theo Điều 369 Bộ luật Dân sự. Như vậy, nếu vì lý do nào đó mà bên có quyền trong hợp đồng không đồng ý, người thành lập doanh nghiệp (thường là bên có nghĩa vụ) sẽ không thể thực hiện được việc chuyển giao như yêu cầu của Luật Doanh nghiệp 2020.
“Ngoài ra, thỏa thuận chuyển giao là một giao dịch giữa công ty và các bên của hợp đồng. Vậy, nếu các bên của hợp đồng trở thành người có liên quan của công ty (chẳng hạn như là thành viên, cổ đông lớn, người quản lý công ty) thì bên đó có thể sẽ không có quyền biểu quyết thông qua giao dịch đó, cho nên, nếu tất cả đều là người có liên quan của công ty và không được quyền biểu quyết đối với giao dịch đó thì không biết lấy ai để đưa ra các chấp thuận nội bộ.
Để vượt qua trở ngại này có lẽ các bên cần tận dụng ngoại lệ “trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác” và từ đó thỏa thuận trong hợp đồng rằng quyền và nghĩa vụ của những người ký kết hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp sẽ tự động được chuyển giao ngay lập tức và vô điều kiện cho doanh nghiệp ngay khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp. Vấn đề là không phải ai cũng biết hay cũng nhớ để thêm điều khoản này trong hợp đồng hay thậm chí có cách hiểu rằng quy định này có tạo nên ngoại lệ đó hay không là một vấn đề khác”, Luật sư Trang cho biết.
Bên cạnh những tồn tại đã nêu, liên quan đến Luật Doanh nghiệp 2020, các chuyên gia cũng cho rằng, một số quy định về thời hạn góp vốn, quyền tiếp cận thông tin của cổ đông, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị,… cũng cần được xem xét, rà soát.
Có thể bạn quan tâm
Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 7: Cần chế tài xử lý
04:10, 04/07/2021
Văn bản kém chất lượng - Bài 6: “Đừng soạn thảo theo tư duy lối mòn”
04:30, 03/07/2021
Văn bản kém chất lượng - Bài 5: Bộ ngành thiếu cầu thị, tiếp thu
04:30, 02/07/2021
Văn bản kém chất lượng - Bài 4: Bất nhất trong thực thi pháp luật
04:30, 01/07/2021
Văn bản kém chất lượng - Bài 3: "Ám ảnh" công văn hướng dẫn
04:30, 30/06/2021