Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 7: Cần chế tài xử lý

Diendandoanhnghiep.vn Để không còn những văn bản quy phạm kém chất lượng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, các chuyên gia cho rằng cần có chế tài xử lý… 

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, Quốc hội ban hành 112 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết; Chính phủ ban hành 745 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 Quyết định, thế nhưng, cũng trong khoảng thời gian này, các bộ, ngành đã ban hành 2.532 Thông tư và Thông tư liên tịch, dù trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền của thông tư rất thấp, nhưng trong thực tế thì… lại không phải như vậy.

 Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT quy định lắp camera phải theo dõi khoang hành khách trong khi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP không yêu cầu (Ảnh minh họa – internet)

Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT quy định lắp camera phải theo dõi khoang hành khách trong khi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP không yêu cầu (Ảnh minh họa – internet)

Thông tư “vênh” văn bản quy phạm khác

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền của Thông tư rất thấp, cụ thể trong Luật quy định, Thông tư không được ban hành điều kiện kinh doanh, quy định về thủ tục hành chính, nhưng thực tế tình trạng này vẫn còn.

Một số thông tư gây khó khăn cho doanh nghiệp được ông Tuấn chỉ ra như: Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT quy định lắp camera phải theo dõi khoang hành khách, trong khi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP không yêu cầu, điều này khiến tốn thêm chi phí lắp camera, đường truyền thậm chí hình ảnh riêng tư. Hay như Thông tư số 03/2018/TT-NHNN quy định về điều kiện cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, Thông tư hiện cũng quy định về thủ tục hành chính, trong khi không được Luật, Pháp lệnh giao.

Bên cạnh thực trạng trên, ông Tuấn cũng cho rằng, đang có nhiều công văn không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng có nội dung mang tính chất như quy định, đơn cử như công văn số 8909 của Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành để hướng dẫn một số thủ tục về đầu tư trong khi Nghị định 31 hướng dẫn Luật Đầu tư chưa được ban hành là "có vấn đề" về thẩm quyền, khiến một số địa phương lo ngại khi thực hiện gặp khó khăn, tạo hệ lụy lớn về mặt pháp lý, gây thiệt hại và rủi ro cho doanh nghiệp.

“Ngoài ra, một số công văn giải thích quy định chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật nhưng doanh nghiệp vẫn phải áp dụng, như việc áp dụng mã HS cho hàng nhập khẩu; hoặc có công văn trả lời việc áp dụng pháp luật không đi thẳng vấn đề mà trích dẫn quy định để doanh nghiệp tự hiểu và áp dụng, gây nên khó khăn trong thực thi pháp luật”, ông Tuấn chia sẻ.

Cần chế tài xử lý…

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) nhận định, nguyên nhân khiến văn bản pháp luật kém chất lượng là do năng lực, thiếu cơ chế giám sát tiếp thu pháp lý, gác cửa,… Do đó, cần chú trọng và có cơ chế giám sát văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành.

Theo bà Thảo: "Thông tư thuộc thẩm quyền Bộ trưởng ban hành, nhưng hiện ta chưa có chế tài, mặc dù có cơ chế khởi kiện nhưng khó thực hiện".

Còn ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị, cần lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động một cách cầu thị, có tính bình đẳng trong trao đổi, biên soạn. Khi nào có ý kiến thống nhất mới đưa vào văn bản, cần giảm bớt điều kiện không cần thiết làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng cho rằng, khi xây dựng văn bản cần có Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia trong quá trình xây dựng. Cơ quan soạn thảo cần nâng cao trách nhiệm giải trình, tổng hợp ý kiến tiếp thu - không tiếp thu, thể hiện sự cầu thị trong việc lấy ý kiến đóng góp, đề xuất.

"Cần có chế tài cụ thể cho những văn bản kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng ta có hàng trăm chế tài xử lý vi phạm của công dân, nhưng chế tài cho cán bộ trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật kém chất lượng rất ít, các cơ quan gác cửa cần có tiếng nói lớn hơn", ông Nam đề nghị.

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất, cần nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan "gác cửa" chất lượng Thông tư, theo đó, gắn trách nhiệm cá nhân với những Thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Về việc sửa đổi, bổ sung các Luật, Pháp lệnh có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội, Bộ trưởng Lê Thành Long – Bộ trưởng Bộ tư pháp cho rằng, đối với Bộ ngành có đề xuất về các nội dung sửa đổi trong các Luật thì cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, đánh giá tác động và Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp với đề xuất của Bộ mình.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Văn bản quy phạm kém chất lượng - Bài 7: Cần chế tài xử lý tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1715151713 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1715151713 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10