Bình luận

Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số: Tránh chồng chéo pháp luật

Gia Nguyễn 02/09/2024 04:00

Để đảm bảo tính thống nhất với các luật hiện hành, góp ý Dự thảo Luật công nghiệp Công nghệ số, chuyên gia đề xuất, cần cân nhắc vấn đề chồng chéo giữa Luật này với các các luật hiện hành…

Như Diễn đàn và Doanh nghiệp thông tin, mặc dù các sửa đổi trong bản Dự thảo mới nhất của Luật Công nghiệp Công nghệ số được ghi nhận và đánh giá cao, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn đó không ít lo ngại về việc chính sách được đề xuất khó tạo được một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để thúc đẩy và khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ đổi mới về công nghệ số.

du-thao-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-24.6.1.1.jpg
Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số được cho vẫn còn đó không ít tồn tại - Ảnh minh họa: ITN

Tham gia góp ý Dự thảo Luật này mới đây, bà Nguyễn Thị Thư - Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó Trưởng Ban Kinh tế số, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, trong lĩnh vực dữ liệu số, điều quan trọng là phải hài hòa các định nghĩa và quy định với các luật hiện hành để duy trì tính nhất quán và tránh nhầm lẫn.

Theo bà Thư, quy định tại Dự thảo Luật này có khả năng chồng chéo với các quy định khác của Luật Dữ liệu và Nghị định Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân, dù vấn đề liên quan đã được hàm ý trong Điều 4, nhưng việc thúc đẩy các thay đổi thông qua một luật khác sẽ mở ra cánh cửa cho sự mơ hồ về vấn đề điều chỉnh giữa các luật, từ đó sẽ dẫn đến tình trạng không tuân thủ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, bà Thư cũng cho hay, Dự thảo Luật nhằm mục đích thiết lập một khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ mới như công nghiệp bán dẫn, AI, blockchain,… tuy nhiên, chính sách của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất trong nước có thể dẫn đến việc đối xử không công bằng với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Bởi, mục tiêu bao trùm của chính sách nên là lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất dựa trên thành tích/năng lực, bất kể nhà cung cấp có trụ sở ở đâu/dịch vụ được cung cấp từ đâu để mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân.

du-thao-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-24.6.1.2.jpg
Ngoài việc cần tăng cường cơ chế thu hút đầu tư, theo chuyên gia, Dự thảo Luật cần được cân nhắc để tránh chồng chéo pháp luật - Ảnh minh họa: INT

Ngoài ra, Dự thảo cũng cần phân biệt rõ ràng trách nhiệm giữa bên phát triển và bên triển khai. Bởi, các nhà phát triển của bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào đều không có quyền kiểm soát cách sản phẩm của họ được sử dụng. Các hành vi nghiêm cấm và trách nhiệm liên quan nên nằm ở các bên triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo như một phần của kiến trúc sản phẩm của họ cho người dùng cuối/người tiêu dùng. Các nhà phát triển chỉ nên chịu trách nhiệm cung cấp cho bên triển khai các hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao thông tin liên quan đến khả năng, hạn chế về mặt vật chất, hướng dẫn cho việc sử dụng dự kiến.

Cũng theo vị này, AI là một lĩnh vực mới đặt ra những thách thức về quản lý không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các khu vực khác trên thế giới. Do đó, để đảm bảo phân định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ giữa người dùng, nhà cung cấp, nhà phát triển và bên triển khai, nên thiết lập các định nghĩa rõ ràng cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có rủi ro cao. Việc quản lý các sản phẩm công nghệ số quan trọng đòi hỏi các tiêu chí được xác định rõ ràng và minh bạch.

Không chỉ có vậy, việc điều chỉnh các tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo các chuẩn mực quốc tế là điều cần thiết để ngăn chặn việc tuân thủ gây phiền hà. Những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng các tiêu chuẩn địa phương và áp đặt các nghĩa vụ đánh giá sự phù hợp sẽ trở thành gánh nặng tuân thủ đối với những người mới tham gia thị trường cũng như các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng thị trường ra quốc tế.

Hơn nữa, Nhà nước không thể đánh giá chất lượng dữ liệu, vì dữ liệu được sử dụng cho vô số mục đích và chất lượng dữ liệu được xác định bởi trường hợp sử dụng của nó.

Cùng với các vấn đề đã nêu, đại diện Ban Kinh tế số của AmCham cũng cho rằng, việc tận dụng công nghệ điện toán đám mây vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp công nghệ số trở nên linh hoạt hơn và đổi mới nhanh hơn. Các cơ sở dữ liệu khác nhau được mô tả trong hệ thống thông tin quốc gia và cơ sở dữ liệu công nghiệp công nghệ số có thể được bổ sung bằng cách phân tích dữ liệu nâng cao, dịch vụ quản lý dữ liệu và các công nghệ mới nhất khác (như máy học và trí tuệ nhân tạo) từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Điều này sẽ giúp làm cho các cơ sở dữ liệu này linh hoạt hơn/tạo ra nhiều điểm dữ liệu hữu ích hơn.

Ngoài ra, năng lực của các khu công nghệ số có thể được bổ sung bằng các công nghệ mới nhất từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, giúp các tổ chức trong các khu công nghệ số này trở nên linh hoạt hơn và đổi mới nhanh hơn. Do đó, cần ứng dụng điện toán đám mây trong các hoạt động của ngành.

“Đặc biệt, việc quản lý quá mức hoặc luật không nhất quán có thể cản trở quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, làm nản lòng đầu tư nước ngoài và tạo ra các rào cản không cần thiết đối với sự tăng trưởng trong lĩnh vực này”, đại diện Ban Kinh tế số của AmCham bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số: Tránh chồng chéo pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO