Rà soát pháp luật: Luật Đấu giá tài sản còn nhiều vướng mắc
Được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả, minh bạch và hạn chế những tiêu cực trong hoạt động đấu giá, tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn, Luật Đấu giá tài sản đã bộc lộ nhiều vướng mắc…
Luật Đấu giá tài sản 2016 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016, và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017, được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả, minh bạch và hạn chế những tiêu cực trong hoạt động đấu giá, tuy nhiên, sau hơn 4 năm có hiệu lực thi hành, Luật đã bộc lộ nhiều vướng mắc.
Cụ thể, theo khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản thì người có tài sản phải thực hiện việc lựa chọn tổ chức đấu giá theo các tiêu chí như sau: Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; Năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản; Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp; Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố; Các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.
Theo các chuyên gia, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức đấu giá được cạnh tranh bình đẳng, ngoài các tiêu chí chung về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, Luật Đấu giá tài sản cần phải quy định cụ thể “các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định” là những tiêu chí cụ thể gì. Ví dụ, cần quy định rõ tổ chức đấu giá tài sản có bao nhiêu năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tài sản; số lượng hợp đồng bán đấu giá loại tài sản tương tự đã từng thực hiện; giá bán chênh lệch cao nhất so với giá khởi điểm; số lượng đấu giá viên có kinh nghiệm…
Thực tế, người có tài sản hầu như chỉ quan tâm đến duy nhất mức thù lao mà tổ chức đấu giá đưa ra là bao nhiêu, vậy nên, nhiều doanh nghiệp đấu giá tài sản nếu xét về bề dày kinh nghiệm và đội ngũ đấu giá viên thì không bằng các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp nhưng đã đưa ra mức thù lao dịch vụ chỉ bằng 50% mức thù lao dịch vụ quy định, thậm chí là “0 đồng” để được người có tài sản lựa chọn.
Vì vậy, khi người có tài sản đấu giá thực hiện quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản có thể đã làm “điêu đứng” các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, trong khi khung thù lao dịch vụ đấu giá được quy định cứng thì nhiều tổ chức đấu giá lại dùng khung thù lao để cạnh tranh không lành mạnh trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá.
Bên cạnh đó, do quy định của Luật Đấu giá tài sản còn chung chung dẫn đến tình trạng một số người có tài sản khi đưa ra tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đã đề ra các tiêu chí chủ quan, thiếu minh bạch, không trực tiếp liên quan việc tổ chức cuộc đấu giá. Ví dụ như tiêu chí đấu giá viên đồng thời là luật sư có kinh nghiệm 10 năm hành nghề; đấu giá viên phải tốt nghiệp chuyên ngành hàng hải, điện lực, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội hoặc Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, hệ chính quy; đấu giá viên có học vị thạc sĩ, tiến sĩ; tổ chức đấu giá được lựa chọn phải có ít nhất 5 chi nhánh trong cả nước, có tên trong hệ thống đấu thầu quốc gia; có người tập sự hành nghề...
Thông tin với báo chí, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc đưa ra các tiêu chí như nêu trên đã tạo điều kiện cho việc lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản là “sân sau” của người có tài sản, có thể làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản như thông đồng giữa người có tài sản với tổ chức đấu giá tài sản, giữa tổ chức đấu giá tài sản với người tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản bán đấu giá (nhất là hiện nay hầu hết tài sản đấu giá là tài sản công trong đó 90% là quyền sử dụng đất).
Ngoài ra, vướng mắc trong thủ tục thông báo đấu giá cũng là một trong những vấn đề được các chuyên gia đánh giá là cần được cân nhắc, xem xét.
Cụ thể, khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản quy định, “đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc”.
Thực tế, các tổ chức đấu giá khi áp dụng quy định trên rất khác nhau và khó có thể kiểm soát việc đăng thông báo đấu giá của tổ chức đấu giá như thế nào là phù hợp do pháp luật chỉ quy định chung chung là đăng trên báo in, báo hình mà không quy định cụ thể là báo in nào, báo hình nào nên dẫn đến những bất cập như: Đăng trên nhiều báo khác nhau và thông tin rất khó đến được với khách hàng; Đăng thông báo bán đấu giá trên báo mua bán với chi chít các thông tin, ở đó, thông tin về đấu giá được in rất nhỏ, khách hàng khó có thể tìm được về thông tin bán tài sản; Đăng trên báo có lượng độc giả ít;…
Hay như việc đăng báo trên báo hình của trung ương cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự vì có quá nhiều kênh truyền hình, nên sẽ có hiện trạng đăng thông báo đấu giá trên kênh học tiếng dân tộc cho người thiểu số, hoặc đăng thông báo trên các kênh truyền hình VOV, VTC nhưng ở những khung giờ rất ít người xem như 3 giờ sáng, 12 giờ đêm… để tiết kiệm chi phí hoặc với mục đích bưng bít thông tin, hạn chế khách hàng đăng ký tham gia đấu giá…
Theo các chuyên gia, việc thông báo bán đấu giá tài sản trên trang thông tin điện tử là một bước tiến lớn của Luật Đấu giá tài sản, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong trình tự, thủ tục; là kênh thông tin về tài sản đấu giá cho phép các khách hàng có thể lựa chọn mua tài sản đấu giá ở mọi lúc, mọi nơi trong thời đại công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có trang thông tin điện tử để các tổ chức đấu giá đăng tải thông báo về bán đấu giá, đã làm giảm tính chất công khai, minh bạch trong thủ tục đấu giá tài sản.
Cũng theo các chuyên gia, trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, Luật Đấu giá tài sản cũng cho thấy có sự bất bình đẳng trong quy định về việc xác định người trúng đấu giá giữa hình thức đấu giá bằng lời nói và hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu tại cuộc đấu giá.
Với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, Luật Đấu giá tài sản quy định: “Người tham gia đấu giá trả giá. Giá trả phải ít nhất bằng giá khởi điểm trong trường hợp công khai giá khởi điểm” (điểm b khoản 2 Điều 41); “Đấu giá viên công bố người đã trả giá cao nhất là người trúng đấu giá sau khi nhắc lại ba lần giá trả cao nhất đã trả và cao hơn giá khởi điểm mà không có người trả giá cao hơn” (điểm d khoản 2 Điều 41), như vậy, để xác định người trúng đấu giá bắt buộc phải là người trả giá cao hơn giá khởi điểm.
Tuy nhiên, về đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, khoản 2 Điều 42 Luật Đấu giá tài sản lại không quy định các khách hàng tham gia hình thức đấu giá này phải trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm. Việc trả giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên với hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá được thực hiện như sau: Đấu giá viên công bố giá cao nhất đã trả của vòng đấu giá đó và đề nghị người tham gia đấu giá tiếp tục trả giá cho vòng tiếp theo, giá khởi điểm của vòng đấu giá tiếp theo là giá cao nhất đã trả ở vòng đấu giá trước liền kề; cuộc đấu giá kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá, đấu giá viên công bố người trả giá cao nhất và công bố người đó là người trúng đấu giá.
Một chuyên gia nêu ví dụ, doanh nghiệp đấu giá A tổ chức đấu giá tài sản thi hành án dân sự là chiếc ô tô với hình thức bỏ phiếu trực tiếp, tại cuộc đấu giá có 05 khách hàng tham gia đấu giá. Ở vòng bỏ phiếu thứ nhất có 03 khách hàng đã trả giá thấp hơn giá khởi điểm, 02 khách hàng còn lại chỉ trả bằng giá khởi điểm. Đối với 03 khách hàng trả giá thấp hơn giá khởi điểm sẽ không bị vi phạm Luật Đấu giá tài sản, đối với 02 khách hàng ở vòng bỏ phiếu thứ nhất chỉ trả bằng giá khởi điểm, sau đó, họ đã đề nghị không tiếp tục trả giá ở vòng thứ hai. Để xác định người trúng đấu giá, đấu giá viên yêu cầu họ đấu giá tiếp nhưng họ lại có quyền không đấu giá tiếp. Sau đó, để xác định người trúng đấu giá, đấu giá viên phải cho 02 khách hàng này bốc thăm để xác định người trúng đấu giá.
“Như vậy, tài sản thi hành án dân sự nêu trên chỉ được bán bằng giá khởi điểm, tạo cơ hội cho khách hàng thông đồng, dìm giá khi áp dụng hình thức đấu giá bỏ phiếu tại cuộc đấu giá”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Công chứng 2014
04:20, 13/09/2021
Rà soát pháp luật: Thiếu đồng bộ giữa Luật Lâm nghiệp với Luật Đất đai
04:20, 10/09/2021
Rà soát pháp luật: Điểm mâu thuẫn giữa Luật Đấu thầu và Luật Đất đai
04:20, 09/09/2021
Rà soát pháp luật: Luật Xây dựng 2020 còn vướng mắc
04:20, 08/09/2021
Rà soát pháp luật: Những vướng mắc từ Luật Kinh doanh bất động sản
04:10, 07/09/2021