Rà soát pháp luật: Thiếu đồng bộ giữa Luật Lâm nghiệp với Luật Đất đai

Diendandoanhnghiep.vn Được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác khai thác, quản lý rừng, thế nhưng, Luật Lâm nghiệp 2017 đã cho thấy sự thiếu đồng bộ với Luật Đất đai khi áp dụng vào thực tiễn…

Ra đời thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp 2017 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, Luật được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác khai thác, quản lý rừng, thế nhưng, quá trình thực hiện triển khai, Luật Lâm nghiệp 2017 đã cho thấy sự thiếu đồng bộ với Luật Đất đai, dẫn đến không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.

Cụ thể, về khái niệm về thửa đất, lô rừng, khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai quy định: “Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ”. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp (khoản 3 Điều 2 Thông tư 31/2018/TT-BNNPTNT) quy định như sau: “Lô có diện tích khoảng 10 ha, có trạng thái rừng hoặc đất lâm nghiệp tương đối đồng nhất, cùng địa bàn trong cấp xã...”.

Luật Lâm nghiệp thiếu đồng bộ với Luật Đất đai ở nhiều quy định - Ảnh minh họa

Luật Lâm nghiệp thiếu đồng bộ với Luật Đất đai ở nhiều quy định - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, từ hai khái niệm trên có thể thấy rằng, quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai khi đo đạc, lập bản đồ, kiểm kê đất không có giới hạn về một diện tích nhất định nào; trong khi đó, ngành lâm nghiệp khi thực hiện đo đạc, lập bản đồ, kiểm kê rừng cơ sở để xác định là lô rừng, có diện tích khoảng 10 ha, có trạng thái rừng hoặc đất lâm nghiệp tương đối đồng nhất, cùng địa bàn trong cấp xã.

Bên cạnh đó, về quy hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng, Luật Đất đai quy định quy hoạch sử dụng đất ở 03 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện); kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm; kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh là 05 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm (Điều 37, 38, 39, 40 Luật Đất đai).

Thế nhưng, theo Luật Lâm nghiệp chỉ có quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia là 10 năm; tầm nhìn từ 30 - 50 năm (khoản 1, Điều 11 Luật Lâm nghiệp); trong đó có nội dung định hướng phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất ở cấp quốc gia.

Đáng nói, theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, vấn đề thiếu đồng bộ lớn nhất nằm ở các quy định về đối tượng cho thuê đất, cho thuê rừng.

Theo Luật sư Hiệp, đối với rừng đặc dụng, khoản 5 Điều 137 Luật Đất đai quy định: “UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.”. Trong khi đó, Điều 17 Luật Lâm nghiệp không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế chỉ có thể ký hợp đồng thuê môi trường rừng đặc dụng với Ban Quản lý rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt theo khoản d Điều 75 Luật Lâm nghiệp.

Sự thiếu đồng bộ giữa hai Luật dẫn đến khó khăn trong công tác thực hiện và áp dụng - Ảnh minh họa

Sự thiếu đồng bộ giữa hai Luật dẫn đến khó khăn trong công tác thực hiện và áp dụng - Ảnh minh họa

“Hay như, đối với rừng phòng hộ, khoản 4 Điều 136 Luật Đất đai quy định: “UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng”. Tuy nhiên, Điều 17 Luật Lâm nghiệp không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế chỉ có thể ký hợp đồng thuê môi trường rừng phòng hộ với Ban Quản lý rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo khoản b Điều 76 Luật Lâm nghiệp”, Luật sư Hiệp phân tích.

Cũng theo Luật sư Hiệp, đối với rừng sản xuất, khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai quy định, “Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định: Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức quy định tại điểm b khoản 3 Điều 129 của Luật này để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất; Cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;…”.

Tuy nhiên, Điều 17 Luật Lâm nghiệp không có quy định cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuê rừng sản xuất, chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng sản xuất. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn thực hiện dự án đầu tư trồng rừng sản xuất tại Việt Nam phải đăng ký thành lập doanh nghiệp để được Nhà nước giao đất trồng rừng.

“Về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng sang mục đích khác, khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai quy định, “Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây: Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng”.

Theo đó, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ từ 20 ha trở lên, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; còn dưới 20 ha thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh; không quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đối với rừng sản xuất.

Thế nhưng, khoản 2, khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp lại quy định quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như sau: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha, rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư”, Luật sư Hiệp chia sẻ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Rà soát pháp luật: Thiếu đồng bộ giữa Luật Lâm nghiệp với Luật Đất đai tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711727213 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711727213 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10