Phục hồi kinh tế - Cần ưu tiên giải bài toán thiếu hụt lao động

GIA NGUYỄN 08/10/2021 04:50

Theo các chuyên gia, để phục hồi kinh tế ngắn hạn và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ, cần ưu tiên giải bài toán thiếu hụt lao động...

Mới đây, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã thâm nhập và tác động lớn đến các địa bàn trọng điểm, trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Ước tính năm 2021, cả nước có khoảng 49,3 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế, giảm 1,4% so với năm 2020; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%.

Muốn phục hồi kinh tế cần giải bài toán về nhân lực - Ảnh minh họa

Muốn phục hồi kinh tế cần giải bài toán về nhân lực - Ảnh minh họa

Thiếu hụt lao động sau giãn cách

Thực tế, đầu tháng 10 này, khi TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam dần nới lỏng giãn cách xã hội, hàng chục ngàn người đã khăn gói về quê, chủ yếu là các tỉnh miền Tây Nam bộ, rất đông trong số họ từng là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của đất nước. Đây là một cuộc chuyển dịch không mong muốn, tiềm ẩn nhiều đe dọa về việc thiếu hụt nguồn lực lao động sau dịch bệnh.

Như tại Đồng Nai hiện có 1,2 triệu lao động, trong đó có gần 700 nghìn lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tập trung đông lao động đều lo lắng thiếu hụt lao động sau khi hoạt động trở lại, như Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom) hiện có trên 25 nghìn lao động, song chỉ có trên 5 nghìn lao động ở “vùng xanh” đủ điều kiện được đi làm nên nguồn nhân lực đang rất thiếu.

Tại buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ giới doanh nhân Việt Nam vào chiều 07/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Chính phủ, Đảng và Nhà nước ta cũng nhận thức rất rõ, bảo vệ đội ngũ người lao động là bảo vệ sản xuất, nhưng vừa qua, vắc xin của Việt Nam có ít, nên tập trung cho những vùng trọng điểm khó khăn và lực lượng tuyến đầu, tuy nhiên, đến quý III năm nay và quý I năm sau, khi vắc xin về nhiều hơn, ngoài phân bổ cho các địa phương theo số dân, thì còn ưu tiên trọng điểm cho các lực lượng quan trọng trong lao động sản xuất.

Hay như tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, toàn tỉnh có khoảng 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động. Thời gian dịch bệnh bùng phát chỉ còn khoảng 3.500 doanh nghiệp thực hiện theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến” với khoảng 250.000 người. Hiện có khoảng 750.000 người phải ngừng việc và dự báo trong thời gian tới tỉnh Bình Dương có thể thiếu khoảng 40.000-50.000 lao động.

Giải pháp hỗ trợ người lao động quay trở lại

Đánh giá về thực trạng đã nêu, Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sau giãn cách, vấn đề lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cần đánh giá kỹ hơn về thực trạng và giải pháp khôi phục thị trường quan trọng này.

Để thu hút người lao động sớm trở lại làm việc, tiến sỹ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng  doanh nghiệp cần kết nối với tổ chức công đoàn, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương nơi cư trú của công nhân lao động để phối hợp thông tin về sự bảo đảm an toàn sức khoẻ cũng như cam kết của doanh nghiệp và địa phương nơi làm việc để người lao động, gia đình và con em của họ an tâm.

"Thông qua mạng xã hội, điện thoại, Zalo… doanh nghiệp cần gửi thư kêu gọi, công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động; có chính sách khuyến khích đặc biệt cho người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đồng thời phối hợp để tổ chức đón người lao động trở làm việc…", ông Tiến chia sẻ.

Cuộc chuyển dịch không mong muốn, tiềm ẩn nhiều đe dọa về việc thiếu hụt nguồn lực lao động sau dịch bệnh - Ảnh minh họa

Cuộc chuyển dịch không mong muốn vừa qua, tiềm ẩn nhiều đe dọa về việc thiếu hụt lao động sau dịch bệnh - Ảnh minh họa

Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư, kiện toàn đầy đủ nhân lực, thiết bị của bộ phận y tế, bộ phận phụ trách an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; cải tạo, nâng cấp để cải thiện môi trường làm việc, nơi sinh hoạt của người lao động được tốt hơn, qua đó, tạo sự an tâm cho người lao động, nâng cao sự ứng phó của doanh nghiệp trước các diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch…

Cần xây dựng chiến lược tổng thể

Theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để phục hồi kinh tế, có 3 vấn đề lớn Chính phủ cần lưu ý: Cần có khung, hướng dẫn mô hình phòng chống dịch COVID-19; Lao động gắn với sự dịch chuyển; Dòng tiền, tài chính.

Về vấn đề lao động, ông Thành nhấn mạnh, đây là vấn đề “đại sự” cho cả trước mắt và lâu dài mà Chính phủ cần ưu tiên, bởi ngay với đầu tàu kinh tế lớn là TP. Hồ Chí Minh, cũng phải mất khoảng 2 năm mới lấy lại được nguồn lao động như trước khi xảy ra đại dịch.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những chính sách ngắn hạn, phát triển thị trường lao động - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, bên cạnh những chính sách ngắn hạn, phát triển thị trường lao động cần được quan tâm - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, bên cạnh những chính sách ngắn hạn, phát triển thị trường lao động để đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế cũng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

Mới đây, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, cùng với tình trạng việc làm chính thức bị thu hẹp, số lao động có việc làm phi chính thức quý II/2021 tăng 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 lên 20,9 triệu người và chiếm 57,4% tổng số lao động có việc làm. Tỷ lệ lao động phi chính thức có việc làm hiện nay được ghi nhận là cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, đồng nghĩa với việc gia tăng số người bị tước đi cơ hội có việc làm chính thức, rơi vào trạng thái dễ tổn thương do việc làm không ổn định, thiếu bền vững với thu nhập thấp, ít có cơ hội tham gia, thụ hưởng an sinh xã hội.

Từ đó, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng chiến lược tổng thể, toàn diện, dài hạn về kinh tế - xã hội, nhất là về lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, trợ giúp xã hội để thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19, phục hồi nền kinh tế và các quan hệ lao động bị đứt gãy, gián đoạn do giãn cách xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Phục hồi kinh tế - Doanh nghiệp cần nhiều hơn giãn, hoãn, giảm thuế

    Phục hồi kinh tế - Doanh nghiệp cần nhiều hơn giãn, hoãn, giảm thuế

    04:10, 07/10/2021

  • Phục hồi kinh tế - Cần mở rộng các gói hỗ trợ

    Phục hồi kinh tế - Cần mở rộng các gói hỗ trợ

    04:30, 04/10/2021

  • Phục hồi kinh tế - Cần một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn

    Phục hồi kinh tế - Cần một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn

    04:20, 02/10/2021

  • Phục hồi kinh tế -

    Phục hồi kinh tế - "Sử dụng nguồn lực phải đúng mục đích, hiệu quả"

    04:10, 02/10/2021

  • Đề xuất 3 giai đoạn phục hồi kinh tế Việt Nam

    Đề xuất 3 giai đoạn phục hồi kinh tế Việt Nam

    14:00, 28/09/2021

GIA NGUYỄN