Sớm giải quyết tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật kinh doanh
Bên cạnh những chính sách tạo bước ngoặt phát triển đối với cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn đó một số vấn đề chồng chéo, xung đột pháp luật gây cản trở cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh...
Chia sẻ tại buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam trước thềm lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam chiều 07/10, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thời gian vừa qua, sự phát triển kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gắn liền với các dấu mốc đạo luật quan trọng.
Trong đó, Luật Doanh nghiệp năm 1999 tạo ra một bước ngoặt đối với sự phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, hay Luật Đầu tư năm 2005 và quá trình phân cấp sau đó, tạo ra sự bùng nổ với đầu tư tại các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh những chính sách tạo bước ngoặt phát triển đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Tuấn cũng cho hay, hiện nay, có một số vấn đề chồng chéo, xung đột pháp luật đối với các doanh nghiệp. Ví dụ như một dự án đầu tư hay một doanh nghiệp hoạt động phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, tuân thủ luật nào, theo thời điểm hiệu lực ra sao, thủ tục nào trước, thủ tục nào sau, cơ quan nào có thẩm quyền vẫn là một vấn đề rất lớn. Do đó, các dự án cứ chạy vòng vòng và doanh nghiệp phải mất rất nhiều công để làm thủ tục.
Thực tế, mặc dù được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, thế nhưng, hai Luật vô cùng quan trọng là Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 cũng gây ra không ít vướng mắc trong quá trình áp dụng.
Như Luật Đầu tư 2020, không chỉ tồn tại những vướng mắc về phân cấp phân quyền tại điểm g, h khoản 1 Điều 31 khi không tạo ra được bước đột phá về thủ tục thẩm quyền, rút gọn thời gian cho các nhà đầu tư, khi thực tế nhà đầu tư hai loại dự án này thông thường phải mất hàng năm để có được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ từ căn cứ tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi tập hợp ý kiến của rất nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương.
Cụ thể, khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư 2020 về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các dự án quy định tại điểm g như: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Hay như các dự án tại điểm h: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.
Chưa kể, Luật này cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn, chồng chéo với các Luật chuyên ngành như: Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Kinh doanh bất động sản;…
Trước đó, trong tháng 8/2021, Văn phòng Chính phủ cũng có Công điện số: 1079/CĐ-TTg truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng - Phạm Minh Chính gửi đến 10 Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thộng Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp và Nội vụ, về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Công điện của Thủ tướng nêu, qua tổng hợp, rà soát của Văn phòng Chính phủ, có một số nội dung cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 Luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của 10 Bộ đã nêu như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật về PPP, Luật Điện lực, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai,…
Tại buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam, trước thềm lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam chiều 07/10, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được giao nhiệm vụ xây dựng đề án luật, pháp lệnh năm 2021-2026 với 8 định hướng lớn trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh…
Theo ông Tùng, nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã được ghi nhận và được đưa vào như một nhiệm vụ lập pháp để có thể sửa đổi các quy định cũ, không còn phù hợp. Từ đó, có thể nhanh chóng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng phát triển.
Về kiến nghị của VCCI trong việc rà soát ngay lập tức các luật liên quan đến pháp luật kinh doanh đang là rào cản gây cản trở kinh doanh, ngày 5/10 vừa qua, Quốc hội đã trình đề xuất “1 luật sửa 10 luật” trong đó có sửa đổi nhiều luật quan trọng như Luật Điện lực, Luật Hải quan, Luật về PPP, Luật Nhà ở…
“Nhưng sửa như thế nào, sửa hoàn toàn như Chính phủ trình hay mở rộng thêm các vấn đề để sửa đổi thì chúng tôi sẽ có sự tham mưu, lấy ý kiến trong thời gian tới”, ông Tùng nói.
Có thể bạn quan tâm
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Để Luật không có “màu xám”...
11:20, 08/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Ngân hàng cần được hoàn thiện môi trường pháp lý
11:00, 08/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Ba kiến nghị của BIDV
05:15, 08/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Công nhân cần được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine
00:05, 08/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn!
00:00, 08/10/2021