QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Ba kiến nghị của BIDV

LÊ MỸ 08/10/2021 05:15

Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho BIDV thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu. Cùng với đó là các nội dung kiến nghị khác...

Trước thềm lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam vào chiều ngày 7/10) tại trụ sở VCCI (Hà Nội). Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn và xem xét các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới công tác phòng chống dịch COVID-19, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV phát biểu và trình bày các kiến nghị tại sự kiện

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV phát biểu và trình bày các kiến nghị tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Lê Ngọc Lâm đã có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng vốn điều lệ cho BIDV và các tổ chức tín dụng (TCTD) Nhà nước. Đặc biệt là thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các TCTD.

Bên cạnh đó, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét chỉnh sửa bổ sung Luật giao dịch điện tử năm 2005. Ông cho biết sau hơn 15 năm thực hiện, tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh hiện đang không áp dụng với một số lĩnh vực như bất động sản, gây khó khăn cho các ngân hàng khi triển khai sản phẩm số hoá, dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử...

Một kiến nghị khác được Lãnh đạo BIDV nêu là vấn đề về Luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 8/2022; Luật hoá pháp luật về giao dịch đảm bảo do hành lang pháp lý hiện nay chưa đồng bộ, thống nhất, hiệu lực pháp lý chưa cao trong việc liên thông dữ liệu về tài sản đảm bảo.

Ông Lê Ngọc Lâm báo cáo, trong bối cảnh dịch COVID-19, ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là những nơi thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với việc thích ứng với điều kiện mới, ngân hàng cũng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cụ thể, BIDV đã cơ cấu nợ cho 7.379 khách hàng, tổng dư nợ cơ cấu 77.900 tỷ đồng. Đồng thời giảm lãi suất cho vay, kể cả nhu cầu vay mới và dư nợ hiện hữu.

Trong năm 2020, BIDV đã chủ động giảm thu nhập khoảng 6.400 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, giảm trực tiếp lãi suất 3.100 tỷ đồng; thoái lãi dự thu do thực hiện cơ cấu nợ khoảng 2.900 tỷ đồng.

Trong kế hoạch của mình để thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt theo Thông tư 14/2021 và cam kết thực hiện giảm lãi (trong khuôn khổ cam kết của 16 tổ chức tín dụng với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), BIDV dự kiến năm 2021 sẽ hy sinh khoảng 7.100 tỷ đồng thu nhập để giảm lãi suất, phí dịch vụ hỗ trợ khách hàng.

Về kiến nghị xem xét tăng vốn điều lệ cho các TCTD Nhà nước, được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, BIDV đã trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, lên mức 48.524 tỷ đồng, tăng 20,6% so với thời điểm 31/12/2020. Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III-IV/2021.

Song song với đó, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được ngân hàng này dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông.

BIDV khi đó khẳng định "là ngân hàng đã được NHNN công nhận đạt Basel II trước thời hạn và triển khai thành công dự án “Đánh giá rủi ro toàn diện, triển khai khung đánh giá về mức đủ vốn -MRA &ICAAA trong khuôn khổ Thông tư 13/2018/TT-NHNN”. Với các kết quả như trên, bên cạnh việc kiểm soát hợp lý tài sản có rủi ro, BIDV cần có kế hoạch tăng vốn nhằm đảm bảo nhu cầu vốn trong cả điều kiện kinh doanh thông thường và cả điều kiện căng thẳng , trong đó tăng vốn điều lệ là một trong những nguồn tăng giữ vai trò nền tảng, tạo điều kiện cho các nguồn tăng thứ cấp khác".

Dù vậy, trong nhóm các TCTD Nhà nước có kế hoạch đề xuất tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh tối ưu, hiện có Agribank đã được Quốc hội nhất bổ sung vốn điều lệ tối đa 3.500 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019; VietinBank cũng được Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước 6.977 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank vào tháng 6/2021; hay gần nhất trong tháng 9 mới đây, Vietcombank cũng vừa được phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.657 tỷ đồng, theo đó sẽ phát hành cổ phiếu chitrả cổ tức để tăng vốn điều lệ; thì riêng BIDV vẫn đang là ngân hàng “lọt” lại trong danh sách chờ được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ.

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Với kiến nghị thứ 2, BIDV trên thực tế đã và đang là TCTD đầu tư, đẩy mạnh giao dịch điện tử, ngân hàng số. BIDV cho biết điểm nhấn đặc biệt trong hoạt động của BIDV giai đoạn đầu năm 2021 là việc tăng tốc chuyển đổi số với các nội dung bao gồm: (i) Hoàn thiện Chiến lược chuyển đổi số của BIDV giai đoạn 2021 - 2025 với tầm nhìn đến năm 2030 là ngân hàng có nền tảng số tốt nhất Việt Nam; (ii) Ra mắt dịch vụ Smart Banking thế hệ mới - một dấu mốc quan trọng thể hiện rõ mục tiêu của BIDV là mang lại những trải nghiệm dịch vụ số tốt nhất, những tiện ích tốt nhất, những giá trị gia tăng lớn nhất cho khách hàng; (iii) Phát động chương trình Chuyển đổi số cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME Digitrans) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; (iv) Tập trung triển khai các dự án công nghệ thông tin trọng điểm như: Dự án Chuyển đổi hệ thống Core Banking; Dự án Trang bị giải pháp quản lý khoản vay (CROMS)...

Tuy nhiên, với Luật giao dịch điện tử có liên quan trực tiếp đến các giao dịch điện tử ở ngân hàng, theo phân tích của giới chuyên môn, bên cạnh những đóng góp của Luật trong vai trò tạo nền tảng pháp lý để đẩy mạnh giao dịch điện tử, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội nói chung, sau 15 năm, Luật đã bộc lộ nhiều bất cập trong quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định cụ thể như giá trị pháp lý, trường hợp sử dụng và việc công nhận, liên thông giữa chữ ký điện tử chuyên dùng trong cơ quan nhà nước và chữ ký điện tử công cộng, gây khó khăn trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân;… BIDV không chỉ tăng tốc chuyển đổi số như nêu trên, còn là một trong những TCTD đã và đang cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến, liên thông với nhiều tổ chức, cơ quan, do đó nếu những vướng mắc, bất cập của Luật một khi được sửa đổi, bổ sung phù hợp với xu thế 4.0 và thậm chí hòa nhịp tốc độ số hóa vượt trội của ngành ngân hàng, theo đó sẽ giúp BIDV nói riêng và các ngân hàng nói chung tăng tốc về cung cấp dịch vụ sản phẩm tài chính số hiệu quả. 

Với kiến nghị thứ 3 về Luật hóa Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu, đây không chỉ là kiến nghị của riêng BIDV mà đã và đang là kiến nghị chung của giới chuyên môn trước lo ngại thời gian hết hiệu lực của Nghị quyết đã gần kề, trong khi đó ngành ngân hàng đang đứng trước mối lo nợ xấu sẽ tăng cao đột biến từ hệ quả của các khoản vay cơ cấu lại và phát sinh trong đại dịch COVID-19, đặc biệt với đợt dịch bùng phát nặng nề lần thứ tư vừa qua.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chia sẻ, NHNN đánh giá độ trễ của tác động từ dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài và tác động sang cả năm 2022. Do đó, ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, xu hướng nợ xấu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. NHNN dự kiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8% khi các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành ngân hàng: Bức thiết nhu cầu tăng vốn

    Ngành ngân hàng: Bức thiết nhu cầu tăng vốn

    14:00, 28/07/2021

  • Tăng vốn điều lệ, nhóm ngân hàng tư nhân

    Tăng vốn điều lệ, nhóm ngân hàng tư nhân "vượt mặt" Big 4?

    11:30, 01/07/2021

  • VietinBank phê duyệt Phương án tăng vốn điều lệ

    VietinBank phê duyệt Phương án tăng vốn điều lệ

    16:00, 31/05/2021

  • TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Ngân hàng nhỏ và sức ép tăng vốn lớn

    TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Ngân hàng nhỏ và sức ép tăng vốn lớn

    15:16, 01/05/2021

  • Xử lý nợ xấu ngân hàng (Kỳ IV): Cần sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14

    Xử lý nợ xấu ngân hàng (Kỳ IV): Cần sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14

    05:30, 07/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Ba kiến nghị của BIDV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO