DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 11): Sử dụng hiệu quả 5 nguồn lực

TS. ĐOÀN DUY KHƯƠNG - Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI 14/10/2021 04:00

Kinh tế Việt Nam trong thời gian qua tuy tăng trưởng nhưng chưa vững chắc. Nguồn lực trong nước dần cạn kiệt, trong lúc việc tiếp cận với nguồn tài trợ quốc tế gặp khó khăn.

 Hậu quả của đại dịch COVID-19 khiến việc cơ cấu lại nền kinh tế càng khó khăn hơn.

Ts Đoàn Duy Khương -Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI

TS. Đoàn Duy Khương 

Chính vì lẽ đó, Văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công. Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”.

5 nguồn lực chủ yếu

Khái niệm nguồn lực hay còn gọi là nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng trong kinh tế thị trường. Theo các nhà quản lý cần phân biệt được năm loại vốn: tài chính, tự nhiên, sản xuất, con người và xã hội. Tất cả đều là nguồn lực có khả năng tạo ra dòng sản phẩm đầu ra đáp ứng nhu cầu về mặt kinh tế. Việc sử dụng, duy trì và phát triển cả năm loại vốn là điều cần thiết cho sự bền vững và thịnh vượng của mỗi quốc gia.

Vốn tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh tế, mặc dù bản thân nó không phải là sản xuất. Vốn tự nhiên được tạo thành từ các nguồn tài nguyên và các dịch vụ hệ sinh thái của thế giới tự nhiên. Vốn sản xuất bao gồm các tài sản vật chất được tạo ra bằng các hoạt động sản xuất của con người vào vốn tự nhiên và có khả năng cung cấp một luồng hàng hóa hoặc dịch vụ. Vốn con người là năng lực sản xuất của một cá nhân, được thừa hưởng và có được thông qua giáo dục và đào tạo. Vốn xã hội (điều gây tranh cãi nhất và khó đo lường nhất) bao gồm niềm tin, sự hiểu biết lẫn nhau, các giá trị được chia sẻ và kiến thức xã hội như văn hoá và đạo đức…

Phát triển bền vững để tiến tới một xã hội phồn vinh thì phải duy trì hoặc tăng tất cả các nguồn vốn, bao gồm cả vốn tự nhiên đang bị cạn kiệt do hoạt động sản xuất kinh tế. Do đó, bộ ba hoạt động kinh tế thiết yếu truyền thống - sản xuất, tiêu dùng và phân phối phải được bổ sung thêm chức năng thứ tư, đó là duy trì tài nguyên và xây dựng văn minh đạo đức xã hội. Chính vì vậy, khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đang ngày trở nên phổ cập.

Con đường phía trước

Theo quan điểm của các nhà kinh tế, trong nền kinh tế thị trường nguồn lực vốn là yếu tố then chốt đối với hoạt động của bất kỳ đơn vị nào, cho dù đơn vị đó là một gia đình, một doanh nghiệp nhỏ, một tập đoàn lớn hay toàn bộ nền kinh tế. Mô hình năm loại vốn cung cấp cơ sở để hiểu tính bền vững về khái niệm kinh tế của việc tạo ra của cải hay "vốn". Bất kỳ tổ chức nào cũng sẽ sử dụng năm loại vốn để sản xuất các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Một tổ chức bền vững sẽ duy trì và nếu có thể nâng cao nguồn tài sản vốn này, thay vì làm cạn kiệt hoặc xuống cấp chúng.

Về bản chất, năm nguồn lực phải được liên kết với nhau trong triển khai phát triển kinh tế. Các dự án có thể đạt được kết quả thành công trên tất cả các nguồn lực, thường chỉ với một giải pháp tối ưu. Phát triển bền vững chỉ có thể xảy ra nếu việc sản xuất này diễn ra theo những cách duy trì hoặc làm tăng tất cả các nguồn vốn cần thiết.

Chính phủ nên cơ cấu lại nền kinh tế và mở rộng quy mô các chính sách hiện hành để tiếp tục giảm thiểu sử dụng các nguồn lực vật chất trong tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp có thể được xem xét là: chính sách tiền lương, an sinh xã hội, sửa đổi Luật Đất đai, thúc đẩy các phương pháp tiếp cận tích hợp theo định hướng vòng đời, áp dụng phí sử dụng tài nguyên, phí tổn hại môi trường, văn hoá xã hội hoặc hỗ trợ tuổi thọ sản phẩm dài hơn, chẳng hạn như thông qua việc tăng thời gian bảo hành tối thiểu theo luật định.

Người tiêu dùng cần nhận thức rõ hơn về vai trò mà mỗi người chúng ta có thể đóng góp thông qua việc lựa chọn sản phẩm và hành vi tốt hơn.

Cơ hội nhìn lại mình

Thế giới ngày nay đã trải qua hơn 250 năm giai đoạn kinh tế thịnh vượng chưa từng có. Hơn một chục thế hệ đi trước đầy kinh nghiệm đã dạy chúng ta nhiều hơn về thế giới mà chúng ta đang sống, thông qua khoa học mà chúng ta đã phát triển, hơn tất cả mọi thời đại của lịch sử. Và tất nhiên bây giờ chúng ta biết rằng không có nguồn lực nào là vô hạn. Thật vậy, thế giới là rất hữu hạn, cần nhận thức rằng: tác động của chúng ta đối với nó không phải làm xói mòn khả năng của các nguồn lực nhằm không chỉ duy trì mức sản xuất trong nền kinh tế, mà còn để duy trì chính sự tồn tại của chúng ta.

Mô hình 5 nguồn vốn thể hiện tốt quan hệ hữu cơ phức tạp này. Nó chỉ ra những nguồn lực phát triển trong nền kinh tế thị trưởng: vốn tự nhiên, vốn con người, vốn xã hội, vốn sản xuất và vốn tài chính. Hơn nữa, nó sẽ là công cụ hữu hiệu của các cơ quan Quốc hội và tổ chức dân sự để xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả công tác điều hành của cơ quan Chính phủ, chất lượng hoạt động doanh nghiệp và hành vi tiêu dùng tích cực của người dân.

Xác định rõ 5 nguồn lực kinh tế và có chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp sẽ là sự thể hiện tốt hơn về chất và lượng vốn đầu vào cần thiết cho sản xuất. Và vì điều này, nó cho phép chúng ta quản lý tốt hơn và duy trì nguồn vốn cần thiết cho sản xuất kinh tế của đất nước nhất là trong thời kỳ khó khăn đại dịch COVID-19, và do đó, sẽ đánh giá tốt hơn bối cảnh phát triển đất nước bền vững để xây dựng một xã hội phồn vinh.

Có thể bạn quan tâm

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (BÀI 10): Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (BÀI 10): Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

    04:00, 09/09/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (BÀI 9): Cơ chế khung pháp lý thử nghiệm

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (BÀI 9): Cơ chế khung pháp lý thử nghiệm

    04:00, 04/09/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 8): “Khai tử” giấy phép con

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 8): “Khai tử” giấy phép con

    04:00, 29/08/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 7): Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 7): Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực

    11:00, 26/08/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 6): Sửa đổi toàn diện Luật Đất đai

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 6): Sửa đổi toàn diện Luật Đất đai

    11:06, 19/08/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 5): Cải cách pháp luật kinh doanh

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 5): Cải cách pháp luật kinh doanh

    04:20, 14/08/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 4): Động lực cải cách từ cơ sở

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 4): Động lực cải cách từ cơ sở

    05:00, 07/08/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 3): Ba trọng tâm của cải cách

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 3): Ba trọng tâm của cải cách

    11:06, 04/08/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 2): Tư duy mới cho công cuộc cải cách mới

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 2): Tư duy mới cho công cuộc cải cách mới

    03:30, 29/07/2021

TS. ĐOÀN DUY KHƯƠNG - Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI