DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (BÀI 9): Cơ chế khung pháp lý thử nghiệm

PGS.TS. TRẦN VIỆT DŨNG -Trưởng Khoa Luật Quốc tế - Đại học Luật TP.HCM, thành viên sáng lập – Victory LLC 04/09/2021 04:00

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới trong một không gian rộng mở xóa nhòa biên giới và khoảng cách giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam gặp phải rất nhiều khó khăn do sự chưa sẵn sàng của khung pháp lý hiện hành.

Đây là vấn đề cần phải giải quyết trong những năm tới. Giải pháp hiệu quả cho tình huống này được nhiều chuyên gia nhắc tới là cơ chế pháp lý thí điểm (Sandbox) cho doanh nghiệp công nghệ. Thế nhưng để áp dụng cơ chế Sandbox hiệu quả chúng ta cũng cần phải hiểu rõ phương pháp xây dựng và vận hành của cơ chế này.

Sandbox - lựa chọn lý tưởng cho mô hình mới

Trong những năm qua Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên công nghệ số như mô hình kinh tế chia sẻ (shared economy) dựa trên nền tảng ứng dụng di động, kinh doanh tiền mã hóa (crypto currency), cho vay ngang hàng (peer–to–peer lending)…

Chúng đã chứng minh có thể ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, thậm chí tạo ra những thay đổi mang tính hủy diệt sản phẩm dịch vụ truyền thống. Ví dụ, việc vận hành một đồng tiền mã hóa ngay lập tức tạo ra một “đồng tiền” quốc tế, có thể dẫn đến việc vô hiệu hóa chính sách quản lý ngoại hối và kiểm soát tiền tệ của ngân hàng TW, ảnh hưởng đến chủ quyền tiền tệ của nhà nước. Hay sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ cho thuê căn hộ ngắn hạn dựa trên nền tảng số đã ảnh hưởng sâu tới ngành dịch vụ khách sạn vốn đòi hỏi phải có nhiều chi phí cho đầu tư và vận hành, cũng như hàng triệu việc làm... Đây là chưa nói tới vấn đề nhà nước phải nhức đầu trong việc giám sát, kiểm soát việc doanh nghiệp công nghệ kinh doanh dữ liệu khách hàng và dịch chuyển dữ liệu đó ra nước ngoài.

Những thách thức này thực tế không phải chỉ là của riêng Việt Nam, mà còn là của hầu hết các nước trên thế giới. Nhưng nếu không cho phép kinh doanh thì sẽ cản trở đổi mới sáng tạo và nguy cơ kìm hãm xã hội phát triển.

Đối mặt với vấn đề hóc búa này, chính phủ nhiều nước đã chọn giải pháp tiếp cận mềm dẻo: không ngăn cấm mà để các ý tưởng được tự do phát triển trong một môi trường có kiểm soát và thời gian hạn chế để theo dõi cho đến khi nắm bắt được cách mô hình đó vận hành và đề ra các biện pháp ứng xử phù hợp. Mô hình này được gọi là cơ chế khung pháp lý thử nghiệm (“Regulatory Sandbox” hay “Sandbox”). Nguyên lý chính của cơ chế này là tạo một một khung pháp lý mang tính thử nghiệm trong môi trường thực tiễn, nhưng có phạm vi và thời gian xác định, cùng với các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn bất kỳ hậu quả nào của sự thất bại thị trường. Nếu Sandbox thành công, hết thời hạn thử nghiệm, nhà nước sẽ ban hành khung pháp lý đầy đủ và qua đó giải thoát các doanh nghiệp Sandbox khỏi cơ chế thí điểm.

Sắp có sandbox cho Fintech.

Sắp có Sandbox cho Fintech. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thử nghiệm Sandbox cũng có thể thất bại, nên việc cho phép thử nghiệm Sandbox cần đi kèm với các biện pháp bảo vệ thích hợp để hạn chế các tác động tiêu cực tới hệ thống kinh tế và tài chính quốc gia.
Các nước trên thế giới đang xây dựng nền kinh tế gắn liền với công nghệ số như Anh, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Hà Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Canada, Singapore,… đã và đang phát triển khung pháp lý cho kinh tế số dựa trên mô hình Sanbox. Việt Nam muốn phát triển kinh tế số thì không thể tách rời với xu hướng này.

Xây dựng Sandbox như thế nào?

Mô hình Sandbox thực chất không mới với Việt Nam. Các cơ quan nhà nước đã áp dụng một số cơ chế thí điểm trong thời gian qua cho các doanh nghiệp công nghệ. Điển hình nhất là cơ chế cho các công ty công ty vận hành mô hình kinh tế chia thông qua nền tảng số trong lĩnh vực vận tải, qua đó cho các doanh nghiệp như Grab, GoJek, Bee… gia nhập thị trường. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai khung pháp lý cho các doanh nghiệp này vẫn còn gặp khúc mắc. Có nhiều doanh nghiệp công nghệ trong khu Công nghệ cao Sài Gòn đã nhận cơ chế thí điểm hơn 10 năm, nhưng nhà nước cũng “loay hoay” chưa ra được khung pháp lý chính thức. Điều này đặt ra câu hỏi về tính hiểu quả của cơ chế Sandbox liên quan. Để khắc phục vấn đề này cơ quan chức năng có thể cân nhắc một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, cần phải thiết lập các tiêu chí cụ thể (về quy mô, ngành nghề, nội dung, ý tưởng kinh doanh…) để sàng lọc, tuyển chọn doanh nghiệp tham gia Sandbox (doanh nghiệp Sandbox). Để có thể đánh giá tính hiệu quả của mô hình kinh doanh thì việc thử nghiệm phải có một số lượng đối tượng đủ để có thể rút ra kết luận cần thiết. Nhưng cũng cần lưu ý đối tượng phải là những mẫu tốt, vì vậy các tiêu chí phải phù hợp để có thể sàng lọc doanh nghiệp được thí điểm, không làm đại trà.

Thứ hai, cần có cơ chế giám sát đánh giá thường xuyên về khung pháp lý thử nghiệm cũng như đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp Sandbox, những vấn đề thực tiễn phát sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp này trên thị trường và rủi ro tiềm năng nếu áp dụng ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp Sandbox rộng rãi và chính thức.

Thứ ba, phải ràng buộc doanh nghiệp Sandbox các nghĩa vụ hợp tác trong thời hạn thử nghiệm để thúc đẩy sự thành công của Sanbox và hạn chế rủi ro của mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp Sanbox phải cam kết đảm bảo tuân thủ pháp luật và các quy định trong Sandbox, có cơ chế công bố thông tin trong quá trình thử nghiệm, cam kết trách nhiệm với khách hàng trong thời gian thử nghiệm.

Sẽ không có một công thức chung cho các quy định của mọi lĩnh vực vì tính chất và điều kiện kinh doanh của mỗi ngành nghề rất khác nhau. Sẽ không thể có một Sandbox đa năng cho mọi bài toán. Mỗi một bài toán sẽ cần một hệ thống quy định cụ thể, do đó, với mỗi đổi mới sáng tạo sẽ cần có một Sandbox riêng. 

Sandbox là một phương pháp để hỗ trợ hệ thống pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dựa trên nguyên lý “vừa học, vừa làm”. Vì vậy, cần phải thiết lập các quy định của khung pháp lý thử nghiệm theo hướng mở, linh hoạt cho phép nhanh chóng điều chỉnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 8): “Khai tử” giấy phép con

    Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 8): “Khai tử” giấy phép con

    04:00, 29/08/2021

  • Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 7): Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực

    Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 7): Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực

    11:00, 26/08/2021

  • Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 6): Sửa đổi toàn diện Luật Đất đai

    Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 6): Sửa đổi toàn diện Luật Đất đai

    11:06, 19/08/2021

  • Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 5): Cải cách pháp luật kinh doanh

    Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 5): Cải cách pháp luật kinh doanh

    04:20, 14/08/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 4): Động lực cải cách từ cơ sở

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 4): Động lực cải cách từ cơ sở

    05:00, 07/08/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 3): Ba trọng tâm của cải cách

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 3): Ba trọng tâm của cải cách

    11:06, 04/08/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 2): Tư duy mới cho công cuộc cải cách mới

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 2): Tư duy mới cho công cuộc cải cách mới

    03:30, 29/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (BÀI 9): Cơ chế khung pháp lý thử nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO