Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không có khung kiểm soát chặt chẽ và minh bạch thông tin, sandbox có thể trở thành “vùng xám” cho đầu cơ và thao túng thị trường tài sản mã hóa.
Thực tế cho thấy, tài sản mã hóa bao gồm token, stablecoin, tài sản ảo và các sản phẩm tài chính số ứng dụng công nghệ blockchain đang mở rộng nhanh chóng, không chỉ trên quy mô toàn cầu mà cả tại Việt Nam. Theo báo cáo từ nhiều tổ chức quốc tế, giá trị vốn hóa toàn cầu của thị trường tài sản số đã vượt 2.000 tỷ USD trong giai đoạn cao điểm, với hàng triệu giao dịch mỗi ngày thông qua các nền tảng DeFi (tài chính phi tập trung) và các sàn giao dịch tập trung.
Tại Việt Nam, dù chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ đã tham gia thử nghiệm các mô hình tài sản số trong lĩnh vực tài chính, thương mại, logistics và bảo hiểm. Một số nền tảng giao dịch sử dụng công nghệ blockchain để xác thực tài sản và tạo ra các sản phẩm tài chính số mới đã thu hút được lượng người dùng đáng kể, nhất là trong nhóm nhà đầu tư trẻ.
Bắt đầu từ năm 2018, thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, được thúc đẩy bởi sự phát triển của công nghệ blockchain và sự gia tăng nhận thức của công chúng về các cơ hội đầu tư, cũng như ứng dụng của tài sản mã hóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Số liệu từ công ty phân tích Chainalysis cho thấy dòng vốn từ thị trường blockchain vào Việt Nam giai đoạn 2023-2024 đạt trên 105 tỷ USD với lợi nhuận tạo ra gần 1,2 tỷ USD (2023).
Trước tốc độ phát triển nhanh chóng, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện và trình Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7/2025. Giới chuyên gia đánh giá đây là bước đi chiến lược nhằm bắt kịp xu thế toàn cầu, đồng thời kiểm soát rủi ro từ sớm. Việc xây dựng một khung thử nghiệm pháp lý (sandbox) sẽ tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh sáng tạo phát triển trong môi trường kiểm soát chặt chẽ, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước tích lũy kinh nghiệm, nhận diện rủi ro và có biện pháp điều chỉnh linh hoạt.
Tuy nhiên, bên cạnh kỳ vọng, các chuyên gia cũng bày tỏ nhiều lo ngại về tính minh bạch và mức độ kiểm soát của quá trình thí điểm. Theo bà Đoàn Mai Hạnh, Giám đốc cao cấp kinh doanh và tự doanh thị trường tài chính của Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), việc thí điểm cần được thiết kế như một khuôn khổ đồng bộ, đảm bảo tất cả các chủ thể tham gia từ tổ chức phát hành, nhà đầu tư đến sàn giao dịch đều có cơ chế minh bạch và khả năng truy xuất dữ liệu rõ ràng.
Bà cảnh báo, nếu thiếu các tiêu chuẩn kiểm soát chặt chẽ, quá trình thí điểm dễ trở thành "vùng xám" cho các hoạt động đầu cơ, thậm chí thao túng thị trường.
"Không thể để nhà đầu tư nhỏ lẻ bước vào thử nghiệm như một trò chơi may rủi. Sandbox cần thiết kế cơ chế sàng lọc người tham gia, ưu tiên nhà đầu tư chuyên nghiệp như cách đang áp dụng với chứng khoán phái sinh", bà Đoàn Mai Hạnh chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam đánh giá, thị trường tài sản số trong nước hiện đang hình thành nhưng thiếu sự chuẩn hóa. Các quy trình phát hành, giao dịch, xác thực và lưu ký tài sản hiện vẫn chưa có quy định pháp lý thống nhất, dẫn tới nguy cơ rủi ro cao cho nhà đầu tư. Do đó, cần phải có các tiêu chuẩn bắt buộc cho mô hình thử nghiệm.
"Không có cấu trúc rõ ràng, việc thí điểm sẽ trở thành cái cớ cho hoạt động ngoài vùng kiểm soát. Thí điểm không chỉ là để cho doanh nghiệp thử nghiệm, mà còn là cơ hội để cơ quan quản lý thử nghiệm chính sách, đồng thời đo lường phản ứng thị trường một cách có kiểm soát”, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng, thách thức lớn nhất trong giai đoạn thí điểm là xác lập được ranh giới giữa đổi mới sáng tạo chính đáng và hành vi lợi dụng khoảng trống pháp lý. Sandbox cần được hiểu đúng là một công cụ thử nghiệm chính sách trong môi trường có kiểm soát, chứ không phải nơi để các mô hình rủi ro cao “ẩn nấp” dưới danh nghĩa đổi mới. Nếu không có tiêu chí rõ ràng về minh bạch thông tin, chuẩn mực kỹ thuật và kiểm toán dữ liệu, hệ sinh thái tài sản số sẽ rơi vào trạng thái “nửa chính thức”, gây hệ lụy cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý. Vì vậy cần thiết lập một hội đồng giám sát độc lập trong quá trình thử nghiệm. Chỉ khi có một cơ chế kiểm soát liên ngành và phản biện độc lập, sandbox mới thực sự trở thành bệ phóng cho những mô hình có giá trị bền vững, thay vì trở thành sân chơi ngắn hạn cho các hoạt động đầu cơ tài sản ảo.