Để kiểm soát rủi ro, bảo vệ nhà đầu tư và ổn định hệ thống tài chính, theo chuyên gia, việc thí điểm thị trường tài sản mã hoá, cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả giữa các cơ quan...
Theo đó, trên cơ sở Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 09/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 06/3/2025 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 64/TTr-BTC ngày 11/3/2025 trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa.
Mô hình thí điểm này được cho sẽ giúp kiểm soát rủi ro, đồng thời tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia thị trường một cách minh bạch và an toàn.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay, thị trường tài sản mã hóa đang phát triển nhanh chóng, mang lại cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc triển khai cơ chế thử nghiệm (sandbox) sẽ giúp các cơ quan quản lý theo dõi, đánh giá thực tiễn hoạt động của thị trường trước khi áp dụng chính thức. Đây cũng là cách tiếp cận mà nhiều quốc gia đang áp dụng nhằm tạo sự cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Cơ chế sandbox sẽ giúp Việt Nam tận dụng tiềm năng của tài sản mã hóa để huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển nền kinh tế số, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ như rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động tài chính bất hợp pháp.
“Khi có sự giám sát chặt chẽ, tài sản mã hóa có thể trở thành một kênh đầu tư và huy động vốn hiệu quả, thay vì là một thị trường đầy rủi ro như hiện nay”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Đặc biệt, tại Dự thảo Nghị quyết, cơ quan này cũng đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để giám sát hoạt động của thị trường. Sự phối hợp này nhằm đảm bảo rằng các chính sách mới không chỉ bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính số.
Đánh giá cao những đề xuất của cơ quan soạn thảo, không ít chuyên gia đánh giá, thí điểm tài sản mã hóa là bước đi cần thiết và Việt Nam cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả giữa các cơ quan quản lý để kiểm soát rủi ro, bảo vệ nhà đầu tư và giữ ổn định hệ thống tài chính.
Theo ông Lê Bảo Nguyên - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI, việc thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa trước khi có khung pháp lý hoàn chỉnh là bước đi hợp lý và thực tế trong bối cảnh hiện nay.
Thị trường này phát triển quá nhanh, nếu chậm trễ, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội tham gia xu hướng toàn cầu và để dòng vốn chảy ra nước ngoài. Việc thí điểm cũng giúp cơ quan quản lý thu thập dữ liệu thực tế, hiểu rõ hơn về bản chất, rủi ro và tiềm năng của tài sản mã hóa để từ đó xây dựng chính sách phù hợp - một cách tiếp cận mà nhiều nước như Singapore và UAE đã áp dụng thành công.
Để thí điểm hiệu quả, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cần giới hạn quy mô thử nghiệm, chọn các doanh nghiệp uy tín nhằm dễ kiểm soát và giảm rủi ro. Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ như blockchain và phân tích dữ liệu để giám sát giao dịch theo thời gian thực, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, hợp tác liên ngành là yếu tố không thể thiếu, cần có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an để xử lý tốt các vấn đề pháp lý, tài chính và an ninh. Cuối cùng, cần đẩy mạnh truyền thông, đào tạo cho nhà đầu tư và đội ngũ vận hành, đồng thời xây dựng lộ trình thí điểm rõ ràng với các mốc đánh giá định kỳ để điều chỉnh kịp thời.
Liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến cũng cho hay, cần chỉ định một cơ quan chính để điều phối và liên kết giữa các cơ quan quản lý. Hiện tại, Bộ Tài chính đảm nhận vai trò này, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, và Bộ Tư pháp. Điều này đòi hỏi cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tích hợp khung sandbox với các chính sách hiện có như quản lý doanh nghiệp, đầu tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân và chống rửa tiền. Cần cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được sự cân bằng giữa chấp nhận “rủi ro pháp lý” và duy trì sự nhất quán với hệ thống pháp luật, hướng tới mục tiêu hài hòa giữa đổi mới và bảo vệ nhà đầu tư.
Được biết, Dự thảo Nghị quyết thí điểm hiện đang được Chính phủ xem xét và hoàn thiện. Nếu được thông qua, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với thị trường tài sản số.