Nghiên cứu - Trao đổi

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa

Yến Nhung 19/01/2025 04:00

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thí điểm mở sàn giao dịch tiền số và tài sản số là cần thiết nhưng cần có hành lang pháp lý rõ ràng để kiểm soát được rủi ro.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có đề xuất thử nghiệm sàn giao dịch tiền số trong Dự thảo về Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính. Theo kế hoạch của Chính phủ, Trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng sẽ được thành lập, vận hành trong 2025. Việc xây dựng các trung tâm này nhằm phát triển Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực, thế giới.

12128229_mevf.jpg
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có đề xuất thử nghiệm sàn giao dịch tiền số trong Dự thảo về Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính - Ảnh: ITN

Tại Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech). Theo đề xuất này, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính sẽ có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro với sandbox trong hoạt động fintech. Việc thử nghiệm gồm sàn giao dịch với tài sản, tiền mã hóa (tài sản số, tiền số). Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp về phòng, chống rửa tiền; kiểm tra và chứng nhận bảo mật, an ninh mạng liên quan tới các loại tài sản số và tổ chức cung ứng dịch vụ này. Cách thức quản lý, phát hành, sở hữu và giao dịch các token tiện ích, "đào" tiền số cũng thuộc thẩm quyền Chính phủ. Việc này nhằm hạn chế rủi ro với an ninh năng lượng và môi trường. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9 vào giữa năm nay.

Xoay quanh vấn đề này, TS Nguyễn Tấn Sơn, Đại học RMIT nhận định, quản lý tiền mã hóa cần có sự cân bằng giữa việc giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy đổi mới. Một hệ thống pháp lý rõ ràng không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà còn khuyến khích sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành trung tâm blockchain trong khu vực. Việc xây dựng và thử nghiệm sàn giao dịch tiền mã hóa không chỉ là câu chuyện về công nghệ mà còn là bài toán về pháp lý, an toàn và niềm tin của thị trường. Nếu triển khai thành công, Việt Nam không chỉ tạo ra sân chơi cho các doanh nghiệp fintech trong nước mà còn thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số bền vững.

"Vấn đề không phải là nên hay không nên quản lý tiền mã hóa, mà là làm thế nào để quản lý hiệu quả. Với các chính sách phù hợp, tiền mã hóa có thể trở thành động lực phát triển, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm blockchain hàng đầu khu vực", TS Nguyễn Tấn Sơn nhấn mạnh.

1_qscc.jpeg
Việc thí điểm mở sàn giao dịch tiền số và tài sản số là cần thiết nhưng cần có hành lang pháp lý rõ ràng để kiểm soát được rủi ro - Ảnh: ITN

Còn theo ông Đức Đặng, Công ty Quỹ IDG Việt Nam, hiện đang có xu hướng blockchain (công nghệ chuỗi khối) hóa mọi ngành nghề. Trong đó, fintech là ngành có ứng dụng công nghệ này mạnh mẽ nhất, tạo ra một cuộc cách mạng trong thời gian qua. Xu hướng phát triển công nghệ blockchain hay fintech là tất yếu nên Việt Nam cần có cách tiếp cận là vừa làm vừa xếp hàng để tiết kiệm thời gian. Trước đây, Việt Nam cũng đã có những sản phẩm vừa làm, vừa thử nghiệm như cổng thanh toán trung gian, ví điện tử và đã trở thành những sản phẩm thành công trên thị trường.

Theo ông Đức Đặng, thực hiện sandbox cho nhiều lĩnh vực mới trong khoảng 2 năm là hợp lý. Tuy nhiên, tạo sandbox cho fintech cần phải phải độc lập với hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hiện tại. Khu trú trong một ranh giới tại TPHCM nhưng không chỉ thử nghiệm trong Việt Nam mà phải đảm bảo hệ thống kết nối được với quốc tế, từ đó mới thu hút được dòng tiền đầu tư nước ngoài.

“Thêm nữa, cần khai thác lợi thế hiện tại của Việt Nam dân số trẻ, nhiều kỹ sư công nghệ, là quốc gia trong TOP 5 trên thế giới sở hữu số lượng tài khoản của Crypto (tiền mã hoá) với khoảng 8 triệu tài khoản. Đây là nguồn lực lớn của Việt Nam trong xu hướng blockchain hiện nay nên cần tận dụng”, ông Đức Đặng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc lập sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa, ông Đức Đặng chỉ ra vấn đề, về mặt kỹ thuật là khá đơn giản nhưng cái khó là thành lập bao nhiêu sàn và đơn vị quản lý là ai? Vì lợi thế của đồng tiền mã hóa là vô danh thể hiện tính tự do và dân chủ, nhưng nếu kiểm soát trên sàn tập trung thì có ai chịu tham gia không? Hoặc có thể lập 3 sàn gồm 1 sàn giao dịch tập trung, 1 sàn phi tập trung và 1 sàn quốc tế hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO