Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm: Mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai.
Là một trong số các dự án luật đầu tay của Quốc hội khóa XV, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2023.
Về những sửa đổi quan trọng của Dự án Luật lần này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, lần sửa đổi này sẽ cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.
Gồm 8 chương, 156 điều, Dự thảo luật cụ thể hóa 7 nhóm chính sách về hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, bảo hiểm vi mô, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, quản lý tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.
Lần sửa đổi này đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm cũng được sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia.
Quy định các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.
Về các quy định cụ thể có một số điểm mới đáng chú ý như, mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Bảo hiểm vi mô được quy định mới bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).
Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro.
Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin về những sửa đổi quan trọng của Dự thảo luật lần này.
Có thể bạn quan tâm