Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Khuyến khích đổi mới sáng tạo
Không chỉ thúc đẩy thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), việc sửa đổi Luật còn được đánh giá sẽ khuyến khích đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp (start-up) nhiều hơn…
Theo thống kê của tạp chí Echelon, Singapore – tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp Đông Nam Á, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng gần gấp đôi so với số liệu cuối năm 2015.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia có một thực tế, hiện nay rất nhiều start-up chỉ quan tâm đến phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà quên mất vấn đề SHTT, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng của người khởi nghiệp dẫn đến hiện trạng dễ bị tổn thương khi sớm phải đương đầu với các vấn đề vi phạm pháp luật, tranh chấp, kiện tụng.
Thực tế, vụ việc CEO Telio - Bùi Sỹ Phong vừa thua kiện Công ty cũ OOPA Pte Ltd (OOPA) được xem là bài học nhãn tiền về văn hóa tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định, tuân thủ quyền và nghĩa vụ… đặc biệt là quyền SHTT.
Cụ thể, trong vụ kiện này, các bên tranh chấp về quyền sở hữu liên quan đến sản phẩm công nghệ là hệ thống kết nối giữa những nhà bán lẻ nhỏ với các nhà phân phối, tên gọi nội bộ là “Central Supply Business” (CSB). Trên cơ sở các chứng cứ qua email và thậm chí là nhóm chat Messenger, cùng các chứng cứ khác, Tòa án Singapore xác định quyền SHTT đối với CSB thuộc về OOPA mà không thuộc về OnOnPay Việt Nam hay Telio hay cá nhân ông Bùi Sỹ Phong.
Dù ông Bùi Sỹ Phong cùng với các nhà đầu tư khác cùng sở hữu phần vốn góp tại OOPA (Singapore) và OOPA thành lập OnOnPay Việt Nam để vận hành.
Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ đánh giá: “Đây là dự án luật khó. Mà khó như thế nên soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ chúng ta mới làm được luật này”.
Theo các chuyên gia, vấn đề ở đây là xác định chủ sở hữu quyền SHTT đối với sản phẩm công nghệ của Công ty. Các startup phải thật sự chú ý đến quy định của pháp luật về quyền SHTT, tách bạch vai trò của cá nhân và Công ty, các Công ty trong nhóm Công ty trong việc tạo lập, xác lập quyền sở hữu đối với các đối tượng SHTT, tài sản của Công ty; tránh nhập nhằng trong việc quản lý, sử dụng, chuyển giao các quyền SHTT, tài nguyên, tài sản của Công ty.
Hay như trên thực tế, vì lý do kinh tế, nhiều người đã khởi nghiệp khi vẫn đang làm thuê cho doanh nghiệp khác, điều này có thể trở thành “bẫy khởi nghiệp” liên quan đến SHTT. Một số doanh nghiệp sẽ yêu cầu nhân viên ký Thỏa thuận chuyển nhượng quyền SHTT, trong đó người lao động thừa nhận và đồng ý rằng bất kỳ ý tưởng và sáng chế mới do người lao động phát triển liên quan đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp đều thuộc sở hữu hoàn toàn của doanh nghiệp.
Đây cũng được cho là một trong những tồn tại mà Luật SHTT hiện hành còn thiếu sót, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 của Quốc hội ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Huỳnh Thành Đạt cũng nêu rõ, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, việc sửa đổi Luật SHTT lần này tập trung vào nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
Trong đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, tổng số điều của Luật SHTT sau khi sửa đổi gồm 232 điều.
Những sửa đổi, bổ sung này được các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, phù hợp với thực tiễn phát tiển của đất nước và xu thế hội nhập.
Cho ý kiến tại cuộc thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ khẳng định, dự án Luật có chất lượng tốt, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về cam kết quốc tế.
“Đồng thời, chúng ta có các thiết chế, chế tài để bảo vệ SHTT tốt hơn, để khuyến khích đổi mới sáng tạo, phong trào start-up nhiều hơn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Việc sửa đổi các quy định pháp luật trong lĩnh vực SHTT sẽ góp phần đưa SHTT thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, là động lực của kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Dự thảo Luật SHTT cũng dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV.
Có thể bạn quan tâm
Sửa luật để thúc đẩy thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ
04:10, 22/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: Soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ
22:20, 21/10/2021
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập
04:30, 21/10/2021
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Giải quyết những tồn tại về đăng ký nhãn hiệu
04:20, 20/10/2021
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
04:20, 19/10/2021