Mặc dù đã phát huy vai trò trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế…
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Huỳnh Thành Đạt, qua 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT vào năm 2009 và năm 2019 vẫn chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.
Thực tế, như vụ làm nhái nhãn hiệu bia Sài Gòn mới đây đã được Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trả hồ sơ để làm rõ “bia Sài Gòn Việt Nam” có giả nhãn hiệu hay không. Và vấn đề phát sinh trong việc giải quyết vụ án đầu tiên về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp này cho đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ, khi việc tuyên bố “bia Sài Gòn” là nhãn hiệu nổi tiếng thuộc thẩm quyền của Cục Sở hữu trí tuệ và các tình tiết mới phát sinh không thể giải quyết tại phiên tòa.
Hay việc tranh chấp liên quan đến tác giả, đồng tác giả đã được tòa án đưa ra xét xử như vụ “Thần đồng đất Việt”, vụ tranh chấp thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”,... cũng kéo dài nhiều năm ròng rã.
Theo các chuyên gia, việc nhiều vụ tranh chấp kéo dài quá lâu dù đã được đưa ra Tòa án xét xử là một thực tế trong áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thời gian qua dù Luật này đã trải qua nhiều lần sửa đổi vào các năm 2009, 2019 và nay là lần thứ ba, nhưng vẫn nảy sinh những bất cập.
Thông tin tại hội thảo về sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ vừa qua, PGS.TS Vũ Thị Hải Yến - Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, pháp luật quốc tế đều đưa khái niệm tác giả, đồng tác giả vào luật, nhưng ở Việt Nam hiện nay khái niệm này chỉ quy định ở văn bản dưới luật, gây ra sự khập khiễng.
Theo bà Yến, thời gian gần đây có rất nhiều tranh chấp liên quan đến tác giả, đồng tác giả đã được tòa án xét xử như vụ Thần đồng đất Việt, vụ tranh chấp thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ... Song quy định hiện hành chỉ đưa ra 1 tiêu chí để xác định đồng tác giả là “cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm”. Và với quy định này, chưa phân biệt được đồng tác giả với tập thể tác giả, chưa xác định được việc thực hiện các quyền giữa các đồng tác giả như thế nào.
“Ví dụ, A là lập trình viên ở công ty lập trình X, A nhận làm thêm lập trình cho công ty Y, A sử dụng thời gian, máy móc của công ty X để làm, thì ai sẽ là chủ sở hữu trong trường hợp này” - bà Yến dẫn chứng.
Cũng theo bà Yến, Điều 37, Điều 38 có mâu thuẫn với Điều 39 Luật SHTT, nếu áp dụng 2 quy định này sẽ dẫn đến hai kết quả hoàn toàn khác nhau, không thể giải quyết được.
Từ đó, bà Yến kiến nghị cần phải mở rộng quy định về giả định quyền tác giả, quyền liên quan, không chỉ sử dụng trong vấn đề thực thi mà có thể áp dụng ngay khi tác phẩm được công bố.
Bên cạnh đó, liên quan đến vụ việc nhãn hiệu bia Sài Gòn Việt Nam, phía Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) từng nhiều lần yêu cầu được xác định là nhãn hiệu nổi tiếng nhưng chưa được xem xét, theo các chuyên gia, đây cũng là bất cập xuất phát từ Luật.
Cụ thể, PGS.TS Lê Thị Nam Giang - Giám đốc Trung tâm SHTT (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hành lang pháp lý hiện nay còn thiếu quy định về trình tự, thủ tục công nhận 1 nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng, khi tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 Luật SHTT chưa phù hợp để áp dụng, thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng.
Theo bà Giang, việc nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng luôn luôn là điều mà bất kỳ một doanh nghiệp, một tổ chức nào đều mong muốn và phấn đấu. Vì nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ một cách tự động mà không cần tiến hành thủ tục đăng ký, với một phạm vi bảo hộ rất rộng cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, trong hơn 15 năm thi hành Luật SHTT chưa có bất kỳ một nhãn hiệu nào được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, cũng chưa có một danh mục nhãn hiệu nổi tiếng nào được thiết lập.
Bà Giang cho rằng, Luật SHTT đưa ra 8 tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng nhưng không có tiêu chí nào bắt buộc, dẫn đến việc hiểu rằng bắt buộc phải đáp ứng cả 8 tiêu chí, nên đề xuất tách thành 2 nhóm bắt buộc và tham khảo.
“Bối cảnh Việt Nam hiện tại thì nên xây dựng 1 danh mục về nhãn hiệu nổi tiếng bởi đặc thù bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là bảo vệ thụ động, trong trường hợp có hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng”, bà Giang nêu quan điểm.
Bên cạnh những thực trạng đã nêu, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, việc chậm hoàn thiện Luật SHTT phù hợp với thực tiễn sẽ đặt Việt Nam vào nhiều tranh chấp quốc tế trong thời gian tới, nhất là việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng internet và mạng viễn thông. Hơn nữa, việc hoàn thiện luật mang một ý nghĩa cấp thiết trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - là tài sản trí tuệ, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Được biết, việc sửa đổi các quy định pháp luật trong lĩnh vực SHTT sẽ góp phần đưa SHTT thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, là động lực của kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Dự thảo Luật SHTT cũng dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV.
Có thể bạn quan tâm
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Bất cập trong bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu
04:30, 28/05/2021
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ
15:48, 20/05/2021
Nhượng quyền sở hữu trí tuệ cho nhà nước trên cơ sở nào?
10:56, 13/05/2021
Từ ST 25, doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?
04:30, 28/04/2021
Bảo hộ Quyền Sở hữu Trí tuệ tại khu vực Đông Nam Á: DNNVV châu Âu cần lưu ý gì?
17:06, 26/04/2021