Nghiên cứu - Trao đổi

“Chặn đầu” nhãn hiệu: Thủ đoạn cũ, hậu quả mới

Nguyễn Giang 16/07/2025 11:05

Không đăng ký nhãn hiệu kịp thời, doanh nghiệp thật bị kẻ khác “giật tay trên” rồi quay lại kiện ngược. Một lỗ hổng pháp lý đáng lo đang bị lợi dụng…

Không ít doanh nghiệp Việt từng khốn đốn vì bị đối thủ nước ngoài “chặn đầu” thương hiệu – từ cà phê Trung Nguyên tại Mỹ đến nước mắm Phú Quốc ở châu Âu. Nhưng điều đáng báo động hơn là giờ đây, ngay trên sân nhà, không ít thương hiệu thật lại bị giật mất chỉ vì… chậm chân trong khâu đăng ký.

Từ bảo hộ đến… “bẫy” pháp lý

Tại Hội thảo “Bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái” vừa diễn ra, Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law Firm đã nêu một ví dụ liên quan tới nhãn hiệu “nhựa Bình Minh” được cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm: Một công ty làm ăn chân chính, xây dựng thương hiệu qua nhiều năm, nhưng lại bị một cá nhân khác đăng ký nhãn hiệu trước, sau đó quay lại kiện ngược chính công ty thật, cáo buộc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

chan-dau-nhan-hieu-thu-doan-cu-hau-qua-moi-2.jpg
Vụ tranh chấp nhãn hiệu "Nhựa Bình Minh” được dư luận hết sức quan tâm.

Câu chuyện tưởng như đùa nhưng đang là thực tế nhức nhối. Doanh nghiệp thật bỗng chốc trở thành bên vi phạm, chỉ vì không nộp đơn đúng lúc. Luật sư Trương Anh Tú cảnh báo, đây là kiểu hành vi “vũ khí hóa pháp luật”. Người ta lợi dụng lỗ hổng trong quy trình đăng ký nhãn hiệu để tấn công ngược doanh nghiệp chân chính.

Thủ đoạn “đăng ký chặn đầu” này ngày càng phổ biến, không chỉ trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh, mỹ phẩm, thực phẩm mà còn len lỏi vào cả những ngành hàng công nghiệp, kỹ thuật. Những doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp hoặc phát triển từ thực tiễn sản xuất thường thiếu am hiểu về quy trình bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dễ rơi vào thế bị động.

Điểm cốt lõi của tình trạng này nằm ở nguyên tắc “nộp đơn trước được quyền trước” – một cơ chế từng được cho là công bằng, nhưng nay đang trở thành con dao hai lưỡi. Trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp và tiềm ẩn cạnh tranh không lành mạnh, chính nguyên tắc này lại tạo điều kiện cho các đối tượng không sản xuất, không kinh doanh thật, nhưng lại đi trước một bước để giành quyền sở hữu hình thức.

Hệ quả là gì? Doanh nghiệp có sản phẩm thật, hoạt động thật, thị phần thật… bỗng nhiên rơi vào cảnh vừa phải gỡ sản phẩm khỏi thị trường, vừa đối mặt với nguy cơ bồi thường, chỉ vì người khác có “giấy chứng nhận” trước.

Đây chính là khoảng hở nguy hiểm của pháp luật hiện hành: công nhận quyền sở hữu mà không kiểm tra thực tiễn sử dụng, trong khi lại cho phép người nộp đơn sớm được độc quyền tuyệt đối.

Cần tái lập tiêu chí cấp văn bằng và chế tài người đăng ký gian dối

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cho rằng, vấn đề không chỉ nằm ở nguyên tắc “nộp đơn trước”, mà còn ở quy trình xét cấp và cơ chế hậu kiểm lỏng lẻo.

“Không thể chỉ căn cứ đơn đăng ký và hồ sơ trên giấy để cấp quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong những lĩnh vực có tỷ lệ xâm phạm cao như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng. Cần bắt buộc bổ sung bằng chứng sử dụng thực tế, thị phần, hoặc tài liệu chứng minh hoạt động kinh doanh liên quan đến nhãn hiệu đó”, bà Nhung nêu.

chan-dau-nhan-hieu-thu-doan-cu-hau-qua-moi-1.jpg
Doanh nghiệp chủ sở hữu từng gian nan vì bị tranh chấp nhãn hiệu "Kẹo dừa Bến Tre".

Luật sư Nhung cũng cảnh báo: Việc cấp quyền, sau đó bỏ mặc cho tòa án giải quyết tranh chấp là đẩy rủi ro pháp lý về phía doanh nghiệp chân chính, trong khi kẻ gian lại “hợp pháp hóa” hành vi lạm dụng chính luật pháp.

Không chỉ vậy, theo bà Nhung, cần có quy định thu hồi văn bằng sở hữu trí tuệ nếu chứng minh được hành vi đăng ký là có dấu hiệu gian dối hoặc mục đích trục lợi. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền nên xem xét trách nhiệm hành chính hoặc hình sự với hành vi này, tương tự như gian lận thương mại.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La nhấn mạnh, đã đến lúc hình sự hóa hành vi cố ý đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với thương hiệu đã hiện diện rõ ràng trên thị trường, nếu có căn cứ cho thấy mục đích là chiếm đoạt, trục lợi hoặc gây thiệt hại cho bên thứ ba.

“Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay đang bị vận hành như một hệ thống hành chính cấp phép, thiếu các cơ chế thực chất để đánh giá giá trị sử dụng và động cơ đăng ký. Khi người ta có thể ngồi ở văn phòng, tra cứu vài dữ liệu rồi nhanh tay nộp hồ sơ để “cướp quyền”, thì bản chất sáng tạo và cạnh tranh đã bị bóp méo”, ông Biên nói.

Luật sư Biên cho rằng, cần nhanh chóng cải tổ cả hệ thống: từ cơ quan tiếp nhận đơn đăng ký, cơ quan xét cấp, chế tài hậu kiểm, đến cả thiết chế phân xử tranh chấp sở hữu trí tuệ. “Đừng để quyền sở hữu trí tuệ trở thành tấm khiên của kẻ mạnh và là bản án treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp chân chính”, luật sư nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Chặn đầu” nhãn hiệu: Thủ đoạn cũ, hậu quả mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO