Nhượng quyền sở hữu trí tuệ cho nhà nước trên cơ sở nào?

Diendandoanhnghiep.vn Xung quanh câu chuyện ông Hồ Quang Cua mong muốn nhượng lại giống lúa ST25 cho Nhà nước, DĐDN có cuộc trao đổi với LS Nguyễn Thị Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội về những vấn đề pháp lý liên quan.

- Thưa luật sư, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện nay, thì trong trường hợp nhà nước muốn mua lại ST25 sẽ dựa trên cơ sở nào?

Giống lúa ST25 được coi là một giống cây trồng. Do vậy, thủ tục để Nhà nước mua lại ST25 sẽ dựa trên quy định về chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục do pháp luật quy định.

Tuy nhiên, khác với các giao dịch thông thường khác, nếu Nhà nước mua lại ST25 thì đây là thương vụ đầu tiên mà cá nhân, doanh nghiệp tư chuyển nhượng giống cây trồng cho chính cơ quan quản lý nhà nước. Việc mua bán này sẽ được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng và phải làm thủ tục đăng ký.

- Nếu việc chuyển nhượng thuận lợi thì giá trị thương mại đem lại cho tác giả của các giống lúa này như thế nào, thưa luật sư?

Tác giả sẽ được hưởng nguồn thu từ việc chuyển nhượng giống lúa ST25 và có thể được phân chia lợi nhuận thu được từ loại gạo này trong tương lai. Điều này tùy thuộc vào quá trình đàm phán giữa ông Hồ Quang Cua và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ví dụ, có thể căn cứ vào Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn để tính giá.

Bên cạnh đó, với sự tham gia của Nhà nước, việc khai thác, sử dụng cũng như bảo hộ giống cây trồng này chắc chắn sẽ chặt chẽ và hiệu quả hơn. Bởi lẽ những người đang làm việc trong các cơ quan như Cục Trồng trọt hay Cục Sở hữu trí tuệ có hiểu biết về luật pháp và kinh nghiệm đã tích góp được trong quá trình quản lý cũng như hỗ trợ giải quyết các doanh nghiệp Việt Nam với các vấn đề về sở hữu trí tuệ trên thị trường nước ngoài.

Ngay trong sự kiện nhãn hiệu gạo ST25 bị một công ty ở Mỹ đăng ký bảo hộ và mới đây, nhãn hiệu này cũng bị một doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ ở Australia, cơ quan Nhà nước cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để tiến hành thủ tục phản đối các đơn đăng ký trên.

- Gạo ST24, ST25 không phải là trường hợp nông sản Việt Nam đầu tiên đứng trước nguy cơ mất thương hiệu trên trường quốc tế. Luật sư đánh giá việc phối hợp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần thay đổi như thế nào để có thể tránh được những trường hợp tương tự?

Để bảo vệ thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế cần sự chủ động và cập nhật thông tin chủ yếu từ phía doanh nghiệp chứ không thể mang tâm lý trông chờ ở phía cơ quan Nhà nước, đặc biệt là khi doanh nghiệp đã xác định sẽ mở rộng kinh doanh trên thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị đầy đủ không chỉ về mặt phát triển sản phẩm, kêu gọi đầu tư mà còn về mặt pháp lý.

Trước tiên, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức đối với mức độ quan trọng của việc đăng kí bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt, trong tình hình hội nhập hiện nay khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, các doanh nghiệp sẽ buộc phải có hiểu biết hơn với vấn đề sở hữu trí tuệ để đáp ứng các điều kiện đặt ra và để nhận được các lợi thế mà những hiệp định này mang lại.

Về phía nhà nước, cần tích cực tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin, quy định pháp luật, quy trình, thủ tục.

-Thực tế thì thương hiệu mang lại giá trị cho doanh nghiệp, qua những vụ việc làm mất thương hiệu nông sản trên thị trường quốc tế, bà có cho rằng doanh nghiệp còn quá thờ ơ với việc bảo hộ thương hiệu của mình?

Từ quá trình tư vấn cho doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này, tôi nhận thấy một thực tế đáng báo động là doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có ý thức đầy đủ đối với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nên thường phải chịu những hiện tượng làm nhái, làm giả, cạnh tranh không lành mạnh mà không thể làm được gì ngay cả ở thị trường trong nước chứ chưa nói đến thị trường nước ngoài.

Rất nhiều những câu truyện và kinh nghiệm từ Cà phê Trung Nguyên, Vinataba, Kẹo dừa Bến Tre, … nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chủ quan, vẫn chưa rút được kinh nghiệm cho mình. Việc bảo hộ thương hiệu là cực kì quan trọng và phải được thực hiện một cách quy củ và bài bản, có sự chuẩn bị trước để tránh những hiện tượng bị đánh cắp thương hiệu, đánh mất thị trường ở nước ngoài.

Vì sao ông Hồ Quang Cua lại từ chối nhượng quyền giống lúa ST25 cho doanh nghiệp, dù có nhiều lợi ích?

“Nhiều công ty đã gặp tôi, đề nghị tôi nhượng quyền kinh doanh giống lúa ST24, ST25 từng phần hoặc toàn phần. Họ đưa ra giá khá hậu hĩnh, nhưng tôi từ chối. Doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm đầu, họ có chiến lược kinh doanh riêng, có thể sẽ không vì lợi ích cộng đồng, nhất là hướng về nông dân. Điều này không có gì đau lòng bằng. Còn khi Nhà nước quản lý giống, mọi việc sẽ thuận lợi. Hiện tôi đã nhượng quyền cho một số tỉnh như ở Long An, Kiên Giang và Sóc Trăng. Sự hợp tác rất thuận lợi, hiệu quả”.

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua -
"cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

 
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nhượng quyền sở hữu trí tuệ cho nhà nước trên cơ sở nào? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713994616 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713994616 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10