Thúc đẩy sở hữu trí tuệ “tài sản nhãn hiệu”
Là một trong những dự án luật sẽ được thông qua tại Quốc hội khóa XV, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sở hữu trí tuệ “tài sản nhãn hiệu”.
Xoay quanh vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết: không ít doanh nghiệp lớn như: cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi, Vinataba,… đã phải trả giá bằng những bài học nhãn tiền. Đặc biệt, hiện nay, khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại quốc tế, hội nhập sâu rộng thì việc đăng ký nhãn hiệu không chỉ nâng cao vị thế cạnh tranh, uy tín trong ngành mà còn giúp doanh nghiệp tránh được những tranh chấp pháp lý không đáng có trong tương lai.
- Luật sư đánh giá sao về thực trạng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hiện nay của các doanh nghiệp Việt?
Theo tôi, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vô cùng quan trọng, nhất là trong thời điểm hiện nay khi Việt Nam đã tham gia các Hiệp định TRIPS của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA);… Rất nhiều trang thương mại điện tử lớn như Shoppe mall hay Amazone đã yêu cầu việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp có thể đăng bán sản phẩm của mình trên sàn của họ.
Trong khi, về mặt pháp lý, một số quy định của pháp luật hiện hành, liên quan đến các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu, sở hữu công nghiệp còn phức tạp và chưa hoàn toàn hợp lý, dẫn tới kéo dài thời gian thẩm định đơn xác lập quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm của mình và đó là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng hàng giả, hàng nhái vẫn lộng hành, khó khăn trong giải quyết tranh chấp thương hiệu, cùng với đó một số thương hiệu khi vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam đã bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký và chúng ta đã phải vất vả mới có thể đòi lại được.
- Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng như đã nêu, thưa Luật sư?
Về mặt pháp lý, quy định hiện hành về thời hạn tiếp nhận và xử lý ý kiến của người thứ ba quá dài và không tách bạch giữa việc cung cấp thông tin về đơn và phản đối đơn; yêu cầu đối với hồ sơ đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phức tạp, khó thực hiện đối với người nộp đơn nhưng không thực sự cần thiết trong thực tiễn thẩm định. Phạm vi đơn đăng ký sáng chế phải chịu kiểm soát an ninh quá rộng. Những đặc thù của lĩnh vực sở hữu công nghiệp chưa được quy định khi áp dụng các quy định của Luật Khiếu nại để giải quyết khiếu nại trong thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp v.v…
Cụ thể như Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (SHTT), sửa đổi bổ sung 2019 quy định: “Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho một đơn duy nhất…”.
Đây là quy định dễ dẫn đến việc gây ảnh hưởng lợi ích của các doanh nghiệp đã sử dụng nhãn hiệu hoạt động lâu năm, nhưng chưa chú trọng đến việc đăng ký nhãn hiệu.
Hay như, Điều 75 của Luật SHTT quy định về xác định nhãn hiệu nổi tiếng vẫn còn chưa phù hợp, dẫn đến không có căn cứ để áp dụng.
Nói không xa, vụ việc làm nhái nhãn hiệu bia Sài Gòn bị Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tài trả hồ sơ để làm rõ “bia Sài Gòn Việt Nam” có giả nhãn hiệu hay không cũng xuất phát từ vấn đề này, khi theo đại diện Viện Kiểm sát, việc tuyên bố “bia Sài Gòn” là nhãn hiệu nổi tiếng thuộc thẩm quyền của Cục SHTT và các tình tiết mới phát sinh không thể giải quyết tại phiên tòa.
- Theo Luật sư, giải pháp nào có thể giải quyết được thực trạng đã nêu?
Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật SHTT, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những tồn tại này. Luật sửa đổi là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT của Tổ chức Thương mại thế giới khi tập trung vào các nhóm chính sách lớn, mỗi nhóm sẽ bao gồm các chính sách hoặc bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, đề xuất các giải pháp, chính sách mới.
Trong đó, từ quy định về chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, cho đến quyền liên quan đến thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, xác lập quyền sở hữu công nghiệp,... cũng được đưa ra để sửa đổi, bổ sung.
- Vậy, Luật sư có khuyến nghị gì cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý?
Như đã trao đổi, đăng ký nhãn hiệu là thủ tục không bắt buộc nhưng dần trở thành xu thế chung trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Vì vậy, không chỉ doanh nghiệp mà cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này, bởi đăng ký nhãn hiệu không chỉ nâng cao vị thế cạnh tranh, uy tín trong ngành mà còn giúp doanh nghiệp tránh được những tranh chấp pháp lý không đáng có trong tương lai.
- Xin cảm ơn Luật sư!
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Khuyến khích đổi mới sáng tạo
04:20, 23/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: Soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ
22:20, 21/10/2021
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập
04:30, 21/10/2021
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Giải quyết những tồn tại về đăng ký nhãn hiệu
04:20, 20/10/2021
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
04:20, 19/10/2021