Cần gói hỗ trợ “dài hơi” để đưa doanh nghiệp vượt “giông bão”
Các chuyên gia cho rằng, cần thêm gói hỗ trợ tài chính với quy mô đủ lớn và dài hơi. Bởi nhiều chính sách miễn, giảm thuế trong thời gian qua khá ngắn ngủi, chưa kịp vực dậy doanh nghiệp…
Theo đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến thời điểm hiện nay người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Dù Chính phủ, các bộ ngành đã tung ra nhiều gói hỗ trợ nhưng đến nay thiệt hại vẫn rất lớn. Trước ảnh hưởng như vậy, các chuyên gia, doanh nghiệp mong muốn cần có thêm gói hỗ trợ tài chính với quy mô đủ lớn và dài hơi. Bởi nhiều chính sách miễn, giảm thuế trong thời gian qua khá ngắn ngủi, chỉ trong 2 hay 6 tháng, chưa kịp vực dậy doanh nghiệp.
Trải qua gần hai năm hứng chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt vẫn đang đi trong "giông bão", chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi.
Tuy nhiên, luỹ kế 10 tháng năm 2021, hàng loạt doanh nghiệp trong trạng thái trì trệ, ngấp nghé bờ vực phá sản lên đến 97,1 nghìn doanh nghiệp, vẫn lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới.
Theo đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Bình quân một tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Các chính sách như miễn, giảm, giãn thuế của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, là "liều thuốc trợ lực" kịp thời giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân bước đầu trụ vững trước những khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ khác về tháo gỡ, đơn giản thủ tục, đặc biệt là các chính sách bảo đảm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Trả lời báo chí về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, làn sóng đại dịch lần thứ 4 gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp. Khả năng ứng phó, thích ứng của doanh nghiệp cũng khó khăn hơn nhiều so với những làn sóng trước đó.
Ông Tú đánh giá cao việc Chính phủ liên tục giao các bộ, ngành thiết kế các chính sách hỗ trợ. Các giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch là rất hợp tình, hợp lý.
Hay như giải pháp miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 và không phạt phần nộp chậm có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, khiến đông đảo doanh nghiệp yên tâm, đồng hành cùng Chính phủ.
Tuy nhiên, nhiều chính sách, Chỉ thị ban hành trong thời gian ngắn, không đủ tính minh bạch, đồng bộ, nhất quán và thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp và người dân thực sự bối rối. Từ đó, gây ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, cầu nội địa giảm mạnh, nguồn cung khó khăn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào leo thang và hàng loạt nhân tố bên ngoài cũng như bên trong gây khó cho doanh nghiệp.
Ông Tú cho rằng, cần phải có những gói hỗ trợ lớn, dài hơi và mang tính đột phá hơn.
Trước đó, trong diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse chia sẻ, dù vẫn vững vàng trước tác động tiêu cực của đại dịch nhưng trong suốt ba tháng đóng cửa, đầu ra doanh nghiệp thiệt hại đến 50-70%. Tình hình tài chính doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bởi khi dùng hết nguồn lực, khi quay lại phục hồi sẽ khó khăn.
Từ đó theo ông Phú, chính sách tốt hiện nay cần cho doanh nghiệp là giúp họ giãn hoãn nợ, thuế hoặc cấp tiếp tín dụng cho đối tượng này.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách hỗ trợ kinh tế của Việt Nam hữu ích nhưng chỉ với một số doanh nghiệp có đủ thông tin, nguồn lực, liên kết, tài chính và phương tiện để tiếp cận.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, thủ tục hành chính nhận hỗ trợ vẫn còn nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, do thông tin hướng dẫn không đầy đủ nên người dân, doanh nghiệp không biết mình liệu có thuộc diện được hỗ trợ trong đợt mới hay không.
Cộng đồng doanh nghiệp, người dân mong muốn cần phải nhìn lại và rút kinh nghiệm từ những bài học của các gói hỗ trợ năm 2020 và năm 2021.
Cần phải lắng nghe hơn nữa khuyến nghị của doanh nghiệp và người dân, của các viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế để đưa ra giải pháp sống chung an toàn với đại dịch trong tương lai.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, các chủ trương này cần sớm đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp có thêm dòng tiền tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Tại Điều 3, Nghị định 92, việc giảm 30% thuế giá trị gia tăng chỉ trong thời gian 2 tháng, từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với hàng hóa, dịch vụ, với những lĩnh vực phải chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua như vận tải, du lịch, phát hành phim ảnh, giảm 1 tháng so với đề xuất trước đó của Bộ Tài chính. Hay chính sách miễn các loại thuế khác đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng ngắn ngủi, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2021.
Với chính sách này, theo ông Thịnh, trong vòng 2 tháng cuối năm là ngắn, về bản chất, thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu và tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông cho đến khi tới tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ là người chịu thuế, còn doanh nghiệp chỉ thu hộ cho nhà nước. Chính vì vậy ông Thịnh cho biết, giảm thuế giá trị gia tăng về bản chất, không phải giảm cho doanh nghiệp, mà là giảm thuế cho người tiêu dùng, để kích cầu.
Có thể bạn quan tâm
VASEP kiến nghị hỗ trợ giảm tiền điện cho doanh nghiệp tại một số tỉnh thành
15:49, 10/11/2021
11 hiệp hội kiến nghị xem xét kỹ dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
04:50, 14/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất sửa Luật Công đoàn
15:23, 28/09/2021
Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị chính sách lãi suất ưu đãi
11:00, 28/09/2021
VGTA kiến nghị không tăng thuế xuất khẩu vàng
03:00, 14/08/2021