Vay tiền qua App (Bài 4): "Lật tẩy" kẻ đứng sau các App “đen”
Hình thức “tín dụng đen” núp bóng các App vay tiền ngày càng vươn “vòi bạch tuộc” gây ra những hệ lụy khôn lường. Theo các chuyên gia, nhiều tổ chức có sự quản lý, điều hành của người nước ngoài…
>>Vay tiền qua App (Bài 1): Nghìn lẻ một bẫy lừa
Con số điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, hiện nay có khoảng 60-70 doanh nghiệp của nước ngoài vào thị trường Việt Nam lập doanh nghiệp và thuê người Việt đứng tên để cho vay tiền online.
Đặc điểm chung rất đáng lo ngại là các doanh nghiệp này không hề có hoạt động kêu gọi người cho vay mà chỉ quảng bá kêu gọi người vay. Từ đó các chuyên gia nhận định, đây không phải là mô hình P2P thực sự mà có thể họ huy động nguồn vốn tự có để cho vay. Lãi suất của các công ty này thường rất cao đối với người dân Việt Nam.
Bộ Công an cũng đã có cảnh báo về việc một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến, điển hình như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” từng bị lực lượng Công an triệt phá.
Thực tế thời gian qua, Cơ quan Công an đã liên tiếp điều tra, làm rõ được hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng người nước ngoài điều hành các công ty cho vay qua App theo kiểu “tín dụng đen”.
Điển hình, ngày 17/9/2019, Công an TP.Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây cho vay nặng lãi do người nước ngoài cầm đầu gồm 6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam, các đối tượng lập 2 công ty đang hoạt động cho vay tín chấp do một người Việt Nam và một người Trung Quốc cầm đầu, cùng 30 nhân viên làm việc. Sau khi tạo ứng dụng, các nhân viên thông qua mạng xã hội quảng cáo về hình thức cho vay tiền qua ứng dụng này trên điện thoại di động.
Khách có nhu cầu vay phải cung cấp thông tin, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại người thân. “Công ty” sẽ thẩm định, nếu đủ điều kiện sẽ giải ngân và chuyển tiền vào số tài khoản. Số tiền công ty cho vay khoảng 1,2-4 triệu đồng trong 6 ngày (lãi suất mỗi ngày là 4%, tương đương 1.460%/năm).
Sau đó, tháng 4/2020, Công an TP.Hồ Chí Minh tiếp tục triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi qua App với lãi suất 1.095%/năm, với hơn 60.000 nạn nhân đã bị “sập bẫy”. Và phải nói rằng, hàng nghìn, hàng chục nghìn “con nợ” của các App “tín dụng đen” hầu hết là những người nghèo, đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nhiều người bị dồn đến đường cùng.
>>Vay tiền qua App (Bài 3): Hãi hùng những đòn “khủng bố”
Mới đây nhất, cuối tháng 7/2021 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hồ Chí Minh và Công an phường 12, Quận 4 kiểm tra hành chính tòa nhà trên đường Đoàn Như Hài. Tại đây, Công an phát hiện Tian Yi Gui (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, tạm trú quận 4) cùng 6 người khác đang hoạt động cho vay tiền qua App tại một công ty đầu tư tư vấn tài chính do Tian Yi Gui điều hành. Công ty này sử dụng 2 App là ABLOAN và VNCARD để cho vay và có dấu hiệu cho vay nặng lãi.
Khi vay, khách phải cung cấp đầy đủ thông tin như: chụp hình chứng minh nhân dân, quay hình khuôn mặt đang chuyển động, địa chỉ thường trú, địa chỉ tạm trú, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, thông tin làm việc và cuối cùng là cung cấp đầy đủ thông tin người thân.
Hệ thống App tự động xử lý và chuyển tiền về tài khoản mà khách hàng cung cấp khi hồ sơ đạt yêu cầu. Hồ sơ vay 2 triệu đồng thì công ty giữ lại tiền lời là 800 nghìn đồng (tương đương 40% số tiền vay). Thời gian vay là 8 ngày, tương đương lãi suất 5%/ngày. Nếu qua 8 ngày, khách không trả đủ 2 triệu đồng thì phải chịu phí phạt là 4% số tiền vay/ngày (tương đương 80 nghìn đồng/ngày).
“Công ty” này có 3 bộ phận thu hồi nợ và chuyên gọi điện đe dọa, chửi bới khách hàng và người thân của khách khi không trả tiền hoặc trễ hạn. Chưa hết, bộ phận này còn có nhiệm vụ ghép ảnh khách hàng đăng lên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook để bêu riếu…
Trả lời báo chí, Giám đốc Công ty TNHH ATM Online Việt Nam (đơn vị vận hành App ATM Online), ông Đỗ Minh Hải - cho biết, hiện nhiều App cho vay được giải ngân theo phương thức tín chấp, nhưng trên hợp đồng giao dịch thì được giải ngân theo phương thức thế chấp. Người vay phải cung cấp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, nơi ở, nơi làm việc, mức thu nhập và chụp hình gửi cho App, sau đó sẽ được giải ngân nhanh nhất trong vòng 2 giờ.
“Nhiều App dễ dàng giải ngân mà không qua sàng lọc kỹ để chọn khách hàng. Điều đáng lo ngại là có nhiều App vận hành nhưng không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế và hoạt động tự phát dưới dạng tín dụng đen mà cơ quan chức năng không quản lý được” - ông Hải nói.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Lendtop (đơn vị vận hành App oneclickmoney.vn và moneycat.vn), bà Natalia Kovalenko - cho biết, hiện ở Việt Nam chủ yếu có 2 loại hình App cho vay. Một là nhóm các App cho vay với ít đầu tư công nghệ, chỉ cần có người vay tiền liên tục, không quan tâm liệu người vay có thể trả được nợ hay không. Hai là nhóm App cho vay khác sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến từ người dùng để giảm thiểu rủi ro cho bên đơn vị cho vay. Khi đó, các App này sẽ tập trung vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện khuôn mặt để phân tích khả năng được duyệt vay và khả năng hoàn trả khoản vay của khách hàng.
“Tuy nhiên, tại Việt Nam các công ty áp dụng công nghệ này trên thị trường không nhiều vì chi phí bỏ ra để nghiên cứu lớn. Cơ quan chức năng tại Việt Nam cần chú ý đến yếu tố công nghệ này, để buộc các doanh nghiệp vận hành App phải áp dụng theo, nhằm tạo một môi trường kinh doanh có quản lý của nhà nước” - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lendtop chia sẻ.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm