Quảng cáo thực phẩm chức năng: “Nổ” không có điểm dừng
Bất chấp đạo đức kinh doanh, dùng đủ chiêu trò gian dối để bán hàng, đó là tình trạng “loạn”quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay. Những loại “thần dược” đang được “tung hô”, quảng cáo vô tội vạ…
>>“Đặc trị” quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm – Đừng “chặt cành, tỉa lá”
Hiện nay, thị trường thực phẩm chức năng đang được nhiều chuyên gia đánh giá như "ma trận" với nhiều lớp thông tin không chính xác khiến người tiêu dùng khó lòng tránh khỏi được thiệt hại. Chưa nói đến việc thổi phồng công dụng quá mức khiến hiệu quả điều trị không như mong đợi mà việc mua phải sản phẩm giả, sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ là điều có thể xảy ra.
Tại Bộ Y tế, một cơ quan thường xuyên tích cực cảnh báo việc quảng cáo quá mức chức năng dược phẩm, thực phẩm chức năng là Cục An toàn thực phẩm. Lãnh đạo cơ quan này cho biết, tình trạng các công ty kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm các quy định quảng cáo diễn ra khá phổ biến. Các công ty sử dụng nhiều chiêu trò, hình thức để quảng cáo sai sự thật về chất lượng, công dụng sản phẩm. Thậm chí, việc quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Nhiều tổ chức, cá nhân còn lấy danh nghĩa tặng quà tặng từ thiện nhưng thực chất là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mạo danh, mượn danh nghĩa cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an…
Đáng chú ý, thời gian qua, khi loại hình bán hàng online phát triển mạnh, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra nhiều thông tin khuyến cáo về các sản phẩm vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm trên không gian mạng vẫn không giảm.
Đáng nói, với nhiều hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng sai quy định, khi cơ quan quản lý tìm tới làm việc, có doanh nghiệp phủ nhận trách nhiệm, biện minh rằng sản phẩm là của họ nhưng các quảng cáo vi phạm thì không biết là của ai.
Được biết thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm liên tiếp xử phạt hàng loạt công ty thực phẩm chức năng vi phạm, như sản phẩm Hoạt huyết phục cốt hoàn, Mãnh Lực Trường Xuân), Dạ dày tâm vị (Công ty TNHH Thương mại HAND Việt Nam), Ích Cốt Long (Công ty TNHH Thuốc nam Nguyễn Kiều, Sâm Kỳ Vương, (Công ty Cổ phần Đầu tư liên doanh Việt Anh)… với nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thực hiện quảng cáo khi chưa có xác nhận nội dung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
>>Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm: Lời giải cho bài toán quản lý
Theo Cục An toàn thực phẩm, các vi phạm liên quan quảng cáo chiếm tới 50% trong xử phạt hành chính. Trong bối cảnh dịch COVID-19, tình trạng các công ty mạo danh đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh; bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm diễn ra rất phổ biến. Những quảng cáo này được tiếp tay bởi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Đơn cử như tại website https://www.samtonu.com/, nội dung quảng cáo Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh được thể hiện có tác dụng như thuốc điều trị qua từng tuần như: Từ 7-10 ngày sản phẩm này giúp cơ thể hưng phấn; từ 15-20 ngày là giai đoạn cải thiện tích cực, da sáng lên, mềm mại hơn, hết bốc hỏa...; sau 1 tháng thì da căng bóng, các vết nám xạm hết hẳn, vóc dáng săn chắc, cảm xúc yêu mãnh liệt, tăng nhu cầu sinh lý rõ rệt. Đặc biệt, để khách hàng rút “hầu bao” mua sản phẩm, tổ chức kinh doanh còn cam kết sẽ hoàn tiền 100% nếu không hiệu quả.
Tuy nhiên trên thực tế, theo giấy xác nhận quảng cáo số 00711/2019/ATTP-XNQC do Cục ATTP cấp cho Công ty TNHH Tuệ Linh thì sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh chỉ có công dụng hỗ trợ chứ không phải là thuốc. Do đó không có tác dụng hết nám, hết bốc hỏa, mệt mỏi, tăng nhu cầu sinh lý... như quảng cáo nêu trên.
Hay như các sản phẩm Giải độc gan Tuệ Linh, Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh hiện đang được rao bán tràn lan trên các trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Lazada,... với những mức giá khác nhau và chênh lệch lớn so với mức giá công ty niêm yết.
Trong khi đó, đại diện Công ty Tuệ Linh thì khẳng định chỉ phân phối sản phẩm Giải độc gan Tuệ Linh thông qua hệ thống nhà thuốc, đại lý phân phối chính hãng. Còn các sản phẩm đang được chào bán trên các trang thương mại điện tử này không phải là sản phẩm của công ty phân phối.
Điều này có nghĩa, đây đều là những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không phải là những sản phẩm đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép lưu hành. Do đó, không chỉ thông tin nhiễu loạn mà các sản phẩm mang nhãn mác của Tuệ Linh hiện ở tình trạng "thật giả lẫn lộn"? Trong khi đó, thiệt hại cuối cùng thì vẫn hướng về người tiêu dùng ở cả khía cạnh sức khỏe lẫn tiền bạc.
Thông tin trả lời báo chí về những sản phẩm của Công ty Tuệ Linh đang được quảng cáo “vô tội vạ”, bà Trịnh Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, ngay từ khi nhận được phản ánh của báo chí, lãnh đạo Cục ATTP đã chuyển phòng chuyên môn kiểm tra và sẽ xử lý nếu có sai phạm.
Theo một số chuyên gia, các quy định về quản lý thực phẩm chức năng có nêu rất rõ trách nhiệm của các đơn vị nhập khẩu, sản xuất. Bởi vậy, muốn xử lý dứt điểm tình trạng quảng cáo “nổ không có điểm dừng" như hiện nay, cần xác định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần đấu tranh với hành vi vi phạm từ chính các doanh nghiệp.
Bên cạnh giải pháp của các cơ quan liên quan để thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sai quy định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng chân chính, thì chính mỗi người dân cần tỉnh táo trước nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, tôn trọng ý kiến của bác sĩ khi điều trị bệnh cũng như khi sử dụng thực phẩm chức năng.
Có thể bạn quan tâm
Xử lý nghiêm các tổ chức công bố thực phẩm chức năng chữa được COVID-19
14:58, 24/08/2021
“Đặc trị” quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm – Đừng “chặt cành, tỉa lá”
04:50, 29/05/2021
Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm: Lời giải cho bài toán quản lý
11:11, 18/12/2020
Vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng: Cần cơ chế phối hợp đồng bộ
17:22, 17/12/2020
“Dẹp loạn” vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng
10:30, 16/12/2020
“Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Hậu quả khôn lường
04:50, 16/12/2020