Nghị định số 111/2021/NĐ-CP – Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa
Trước dấu hiệu gia tăng của các vụ việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ,… Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ra đời được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu…
>> Ban hành Thông tư quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định UKVFTA
Thống kê từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), đến hết quý I/2021, đã có 203 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Thực tế, chỉ trong vòng 3 tháng gần đây, các đơn vị Hải quan tại các cửa khẩu đã ban hành 39 quyết định kiểm tra, kết thúc kiểm tra đối với 29 doanh nghiệp; phát hiện 17 doanh nghiệp vi phạm về xuất xứ, buộc doanh nghiệp nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp, xử phạt vi phạm hành chính và vi phạm khác là 23,5 tỷ đồng. Cùng với đó, qua kiểm tra sau thông quan, các đơn vị này cũng đã kiểm tra và xử lý một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng tơ sợi, vải lụa từ nước ngoài, gắn mác Việt Nam và xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.
Trước thực trạng đã nêu, không ít chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp trong phòng vệ thương mại, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể. Không chỉ có vậy, về lâu dài hành vi này còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.
Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (Nghị định này có hiệu lực từ 15/02/2022) mới đây được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu ngăn chặn thực trạng đã nêu.
Cụ thể, theo Nghị định số 111/2021/NĐ-CP, nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu, trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, tổ chức, cá nhân xuất khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình. Việc ghi nhãn phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Trong đó, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 15, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ như: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Đáng nói, theo quy định của Nghị định mới, tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.
>> Gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng gia tăng
Bên cạnh đó, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.
Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa. Đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành. Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.
Các chuyên gia đánh giá, việc đưa ra các quy định chi tiết về nhãn hàng hóa sẽ là một trong những giải pháp phù hợp giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng chức năng nâng cao công tác kiểm tra và đấu tranh với gian lận xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, cũng nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
Bởi trước đó, tình trạng gian lận thương mại để vận chuyển trái phép hàng hóa thông qua hoạt động kê khai hải quan sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó, gian lận xuất xứ hàng hóa nhằm trục lợi, trốn thuế đang gây nhiều thách thức cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.
Ngoài những sửa đổi, bổ sung đã nêu, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP cũng bãi bỏ một số nội dung như: Bãi bỏ khoản 2 Điều 8; Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Bãi bỏ nội dung quy định: Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì trên nhãn phụ phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam” quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP; Bãi bỏ Phụ lục I; Phụ lục IV; Phụ lục V tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và thay thế bằng Phụ lục I; Phụ lục IV; Phụ lục V Nghị định này.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định mới về xuất xứ hàng hóa
21:02, 10/12/2021
Ban hành Thông tư quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định UKVFTA
16:26, 16/06/2021
Dự thảo Thông tư liên quan việc ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: Còn thiếu minh bạch, thống nhất
04:30, 09/02/2021
Hướng dẫn về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ATIGA
22:18, 17/12/2020
"Chưa có căn cứ là Asanzo lừa dối khách hàng, vi phạm xuất xứ hàng hóa"
14:54, 29/08/2020