Từ hiện trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu – Không thể mãi là “đường mòn lối mở”

GIA NGUYỄN 31/12/2021 04:00

Dù đã có những dấu hiệu tích cực sau chỉ đạo của Chính phủ, sự quyết liệt vào cuộc của các bộ ngành và địa phương, thế nhưng, trình trạng ùn tắc hàng nông sản tại cửa khẩu vẫn cần giải pháp lâu dài…

>>> Khơi thông “nông sản đường biên”: Sức ép xuất khẩu “chính ngạch”

Năm 2021, trước tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, xuất nhập khẩu vẫn là điểm sáng, dự báo xác lập kỷ lục mới với tổng giá trị hơn 660 tỷ USD, tăng 21% so năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 331 tỷ USD, tăng hơn 17%, đây cũng là lần đầu tiên cán cân thương mại xuất siêu kỷ lục khoảng 2,1 tỷ USD. Dự kiến có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó các nhóm hàng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tiếp tục có những đóng góp quan trọng.

Tuy nhiên, sau mảng sáng của bức tranh là điểm tối liên quan đầu vào - đầu ra, xuất nhập khẩu hàng hóa rất cần được quan tâm, tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc hiện nay là cho thấy một hiệu ứng dây chuyền tất yếu của bất cập sản xuất - tiêu thụ hàng hóa cần được tập trung giải quyết hơn là chạy theo xử lý tình huống.

sau mảng sáng của bức tranh là điểm tối liên quan đầu vào - đầu ra

Sau mảng sáng của bức tranh xuất khẩu là điểm tối liên quan đầu vào - đầu ra của hàng nông sản khi đến hẹn lại lên cửa khẩu vùng biên tiếp tục tái diễn hiện trạng ùn ứ - Ảnh minh họa

Không thể phủ nhận Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn, một bạn hàng truyền thống mà nhiều doanh nghiệp không thể từ bỏ, trong những năm qua, quốc gia này luôn chiếm tổng giá trị kim ngạch, tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu các thị trường xuất - nhập khẩu của nước ta, từ nông, lâm, thủy sản, nguyên liệu cho các ngành sản xuất hóa chất, vật tư nông nghiệp, công nghiệp chế biến, ngành dệt, hàng tiêu dùng.

Dù không phải là câu chuyện mới, thế nhưng, nhìn từ các cửa khẩu thời gian qua đã cho thấy nhiều cái khó chưa được khắc phục căn bản, nên tình trạng “tắc nghẽn cửa khẩu” vẫn cứ diễn ra như một điệp khúc đến hẹn lại lên.

>>> Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất thiết lập "vùng đệm" với Trung Quốc

Để chữa trị chứng “tắc nghẽn” tại các cửa khẩu, ngoài những “liều thuốc” trước mắt, các biện pháp ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng, quan trọng vẫn cần hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp căn cơ, lâu dài, trong đó, cần thiết phải có sự kết nối đa ngành và phối hợp liên ngành, từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu.

Ngoài chuyên nghiệp hoá hoạt động xuất khẩu, lối ra căn cơ cho nông sản là giải quyết những vấn đề gốc rễ như tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; mở rộng thị trường tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký.

Không thể mãi là “đường mòn lối mở” - Ảnh minh họa

Không thể mãi là “đường mòn lối mở” - Ảnh minh họa

Thực tế, trong khi các doanh nghiệp bị lệ thuộc thị trường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang đứng ngồi không yên, thì nhiều doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu ở các thị trường khác như Hoa Kỳ, châu Âu, Đông Á vẫn đang đà tăng tốc về đích cuối năm.

Điều đáng nói, cung cách làm ăn lâu nay của chúng ta đã không còn hợp thời khi Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, họ đã nâng tiêu chuẩn, quy chuẩn với hàng nhập khẩu từ các nước. Cụ thể, từ 01/01/2022, theo chính sách mới, tất cả hàng hoá thực phẩm, trong đó có nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc bắt buộc phải đáp ứng các quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn.

Thông tin với báo chí, PGS.TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương) cho rằng, tiêu chuẩn, kỹ thuật nhập khẩu hàng hoá nhập khẩu từ các nước đều được Trung Quốc nâng lên so với trước. Vì thế, thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, nông sản cũng cần thay đổi tư duy.

Còn theo chuyên gia nông nghiệp TS. Võ Mai, ngoài đa dạng hóa, sản xuất theo thị trường, thì mấu chốt cần làm tốt thương hiệu, xúc tiến vào sâu thị trường nội địa, có mã vùng, mã vạch, xuất xứ đầy đủ...

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 29/12, bên cạnh việc đánh giá cao những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, một số sản phẩm của ngành nông nghiệp chưa có thương hiệu, chưa xây dựng thương hiệu mang tính quốc tế, tới đây phải triển khai bài bản, đồng bộ từ quy hoạch, dự báo thị trường, vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì, nhãn mác sau thu hoạch, giải pháp về thị trường, vốn cho người nông dân và doanh nghiệp…

“Đây là những vấn đề rất cơ bản, cần lộ trình để giải quyết với sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế. Không thể “đường mòn lối mở” mãi, phải làm đến cùng, làm hết mình vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chính đáng của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất vận chuyển bằng đường sắt

    Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất vận chuyển bằng đường sắt

    09:58, 28/12/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc

    20:10, 27/12/2021

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất thiết lập

    Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất thiết lập "vùng đệm" với Trung Quốc

    14:29, 23/12/2021

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Bộ Công Thương khuyến nghị chuyển cửa khẩu và hình thức vận tải

    Ùn tắc nông sản biên giới: Bộ Công Thương khuyến nghị chuyển cửa khẩu và hình thức vận tải

    11:00, 23/12/2021

  • Gỡ ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu chính ngạch

    Gỡ ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu chính ngạch

    04:04, 23/12/2021

GIA NGUYỄN