Kỳ vọng mục tiêu… “nói không với hàng giả”

GIA NGUYỄN 02/01/2022 04:00

Xoay quanh công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu, dù vẫn còn đó nhiều cam go, thách thức, thế nhưng, mục tiêu tới năm 2025 “không còn hàng giả” vẫn đáng để dư luận kỳ vọng…

>>Chống hàng giả, hàng lậu doanh nghiệp quan ngại chế tài chưa đủ mạnh

Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, 90% các cơ sở phân phối không còn tình trạng bày bán hàng giả, hàng lậu một cách công khai ở siêu thị, trung tâm thương mại, các hộ kinh doanh cũng cam kết không tiêu thụ hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ

Đây được cho là một trong những mục tiêu đáng kỳ vọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam khi đang tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do (nơi yêu cầu rất cao tính thực thi của công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ), mục tiêu này cũng tạo ra những hy vọng mới trong công tác phòng chống hàng giả, hàng lậu vốn ì ạch nhiều năm qua.

Dư luận kỳ vọng vào mục tiêu

Dư luận kỳ vọng vào mục tiêu "nói không với hàng giả" vào năm 2025 - Ảnh minh họa

Thực tế, để những mục tiêu đã đề ra sớm cán đích, trong năm 2021, công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại cũng đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.

Thống kê cho thấy, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng. Riêng lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 3.500 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, nộp ngân sách hơn 3,5 triệu USD, tiêu hủy hàng hóa vi phạm 2,5 triệu USD…

Dù số lượng chưa phát hiện hay có biện pháp xử lý được cho còn rất lớn, tuy nhiên, dư luận hoàn toàn kỳ vọng vào những mục tiêu đã đề ra, khi ước tính ở Việt Nam hiện nay, có đến 7-8 lực lượng tham gia công tác chống hàng giả, hàng lậu...

>> Lời giải cho bài toán chống hàng giả, hàng nhập lậu

Cụ thể, ngay từ cửa khẩu, chúng ta có lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển chống hàng lậu, hàng xâm phạm, vào sâu trong nội địa là các lực lượng như Quản lý thị trường, Công an, lực lượng kiểm tra chuyên ngành, giám sát xử lý các sản phẩm vi phạm đặc thù về hàng hóa y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp... Có thể thấy, nếu các lực lượng chức năng chung tay vì mục tiêu đã đề ra, dường như hàng giả, hàng lậu sẽ khó còn “đất sống”.

Chỉ trong thời gian ngắn của tháng 12/2021, hàng loạt các vụ việc hàng giả, hàng lậu đã bị các lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành phát hiện thu giữ để xác minh, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Như ngày 27/12/2021, tại km 33+500, trên tuyến Quốc lộ N2B, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tổ Cảnh sát giao thông, thuộc Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 2, đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thì phát hiện xe ôtô con biển kiểm soát 95A-046.93 có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trong cốp xe có chở 1.490 gói thuốc lá ngoại nhập lậu nhãn hiệu HERO.

Dù còn nhiều cam go, thách thức nhưng công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực - Ảnh minh họa

Dù còn nhiều cam go, thách thức nhưng công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực - Ảnh minh họa

Tại khu vực biên giới, lực lượng Bộ đội biên phòng tại các tỉnh Quảng Trị, Đồng Tháp cũng liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều vụ việc vận chuyển hàng hóa vi phạm vào nội địa.

Cụ thể, ngày 29/12/2021, tại khu vực biên giới trên sông Sở Hạ thuộc ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; Đồn Biên phòng Cầu Muống phối hợp Đồn Biên phòng Bình Thạnh phát hiện nhóm đối tượng lạ mặt đang điều kiển 2 xuồng máy (trên 2 xuồng máy có chứa nhiều hàng hóa) từ lãnh thổ Campuchia qua biên giới vào nội địa Việt Nam liền ra tín hiệu yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra nhưng các đối tượng bỏ chạy. Quá trình truy bắt, lực lượng chức năng đã thu giữ 2.400 kg đường cát ngoại (chứa trong 48 bao, loại 50 kg/bao) và 2 xuồng máy.

Đêm cùng ngày, tại khu vực biên giới địa bàn Đồn Biên phòng Cầu Muống quản lý, Đồn Biên phòng Cầu Muống cũng liên tiếp phát hiện 3 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, thu giữ 2.000 kg đường cát ngoại và 350 bao thuốc lá điếu ngoại các loại.

Chưa kể cùng với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, thời gian vừa, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng luôn có ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm của đơn vị mình.

Điển hình như Công ty CP Nhựa tiền phong, hơn 10 năm qua, doanh nghiệp đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý nhiều vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Như vụ việc phối hợp với Công an thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam phát hiện, triệt phá gần 5.000 cây ống nhựa uPVC các loại từ 21 đến 140 ly bị làm giả thương hiệu tại một doanh nghiệp có trụ sở tại Nam Định.

Chống hàng giả, hàng lậu là cuộc chiến không chỉ của riêng ai, để đạt được mục tiêu “nói không với hàng giả, mới đây, tại một Tọa đàm, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng khẳng định, từ nay đến 2025, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường nhiều biện pháp để đạt mục tiêu 90% các cơ sở phân phối không còn tình trạng bày bán hàng nhập lậu, hàng giả một cách công khai ở cửa hàng, trung tâm mua sắm, các hộ kinh doanh cũng cam kết không tiêu thụ hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ…

Theo ông Linh, trong bối cảnh hội nhập, tham gia các cam kết thương mại tự do, việc thực thi bảo vệ sở hữu trí tuệ được yêu cầu rất cao, vì vậy, Việt Nam đang tập trung yêu cầu lực lượng chức năng tấn công các tụ điểm sản xuất hàng giả, xử lý mạnh tay các vi phạm hơn thời gian tới.

Bên cạnh sự quyết tâm của các lực lượng chức năng, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta xác định cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu là cuộc chiến không dễ dàng. Nhưng để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và quyền lợi người tiêu dùng luôn được bảo vệ, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chính sự tự giác của người tiêu dùng. Điều đó cũng để bảo vệ hình ảnh thương hiệu Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, bảo vệ thương hiệu “made in Vietnam”.

“Với cơ quan chức năng, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường hợp tác quốc tế thì quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ cho lực lượng Quản lý thị trường, năng lực thực thi, điều tra phát hiện cũng như xử lý vấn đề hàng giả, hàng lậu”, các chuyên gia góp ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Lời giải cho bài toán chống hàng giả, hàng nhập lậu

    Lời giải cho bài toán chống hàng giả, hàng nhập lậu

    11:00, 30/10/2021

  • Chống hàng giả, hàng lậu doanh nghiệp quan ngại chế tài chưa đủ mạnh

    Chống hàng giả, hàng lậu doanh nghiệp quan ngại chế tài chưa đủ mạnh

    16:00, 28/10/2021

  • Chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái

    Chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái

    04:20, 15/02/2021

  • DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 4-9/1: Chống hàng giả cần… “người thật”!

    DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 4-9/1: Chống hàng giả cần… “người thật”!

    15:00, 10/01/2021

  • Chống hàng giả cần… “người thật”!

    Chống hàng giả cần… “người thật”!

    04:30, 06/01/2021

GIA NGUYỄN