Môi trường kinh doanh tốt là hỗ trợ thiết thực nhất

ĐỖ HUYỀN 10/02/2022 03:30

TS Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: tạo dựng môi trường kinh doanh tốt là hành động thiết thực nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp.

>>Nghị quyết 02/2022: "Lãnh địa" xin-cho của bộ ngành sẽ bị "đụng chạm"

- Ông đánh giá như thế nào về những điểm mới của Nghị quyết 02/NQ-CP năm nay? Liệu Nghị quyết này có tiếp tục phát huy những xu hướng cải cách môi trường kinh doanh từ những năm trước không, thưa ông?

Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022 với nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong năm 2022, như cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của các tổ chức Moody’s, S&P và Fitch.

Tuy nhiên, kết quả cải thiện môi trường kinh doanh xét trên bình diện chung bị chậm lại bởi tác động của COVID-19 khi cả nước phải chia sẻ nguồn lực, thời gian, công sức cho công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua. Trong khi nền kinh tế bị suy giảm, thì yêu cầu phải ban hành các quyết sách nhanh và kịp thời trong phòng chống dịch lại đòi hỏi phải đẩy nhanh cải cách thể chế cả ở mức độ và tốc độ. Đây chính là nghịch lý của thực tiễn!

Ngoài ra, còn có sự không đồng đều, xu hướng ngược nhau trong nỗ lực, kết quả cải thiện môi trường kinh doanh. Ví dụ như so sánh với khu vực, quốc tế, nhiều lĩnh vực mặc dù có cải thiện song thứ hạng của Việt Nam trên một số khía cạnh vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc (năm 2021 so sánh với năm 2020), như chỉ số Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc từ thứ 42 xuống 44, Quyền tài sản tụt hạng 78 xuống 84... Hay giữa các địa phương khác nhau thì mức độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế cũng khác nhau.

- Thời gian gần đây, xuất hiện một luồng quan điểm cho rằng những nỗ lực cải cách ở Việt Nam đang đang đụng đến phần khó nhất là vấn đề động cơ và cách hành xử của cán bộ công chức. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi không nghĩ là cải cách đã chạm ngưỡng. Đúng là quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của bộ ngành ở thời điểm hiện tại đang có dấu hiệu chững lại. Thậm chí, nhiều người cũng đặt câu hỏi với tôi rằng: “Có phải quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh này chỉ là hình thức và thực tế chất lượng môi trường kinh doanh không hề được cải thiện?”.

Nhưng ở góc độ là một người nhiều năm gắn bó với môi trường kinh doanh, tôi chỉ muốn hỏi rằng: “Nếu trong 7 năm liên tục gần đây Chính phủ không ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh thì môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ thế nào?

Do đó, vấn đề là làm sao để môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục được cải thiện chứ không phải là tranh cãi xem nó có chững lại hay không.

>>Nghị quyết 02/NQ-CP: Kỳ vọng nền kinh tế sớm hồi phục, phát triển!

 Môi trường kinh doanh còn nhiều dư địa để cải thiện. (Doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM. Ảnh: N.Dương)

Môi trường kinh doanh còn nhiều dư địa để cải thiện. (Doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM. Ảnh: N.Dương)

- Ông có thể phân tích rõ hơn, thưa ông?

Hiện tại, chúng ta bị áp lực rất lớn về “dư địa” thời gian và nếu không tăng tốc độ và mức độ cải cách lên rất nhiều, Việt Nam sẽ bị chậm và lạc nhịp so với khu vực.

Đây là một thực tế đồng thời là thách thức của quá trình cải cách. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện khiến khu vực công chức, viên chức mất dần những cơ hội tạo đặc quyền, đặc lợi... đồng thời có thể vất vả hơn, áp lực hơn trong công việc. Đây là một lực cản lớn tác động đến tốc độ cũng như chất lượng của cải cách.

Tuy nhiên, tôi có niềm tin vào sự cải thiện đối với vấn đề này trong thời gian tới nếu chúng ta có thêm cách làm. Bởi, bằng chứng thực tế cho thấy từ khảo sát cộng đồng doanh nghiệp của VCCI năm 2021 cho thấy gánh nặng chi phí không chính thức nhìn chung giảm dần, trong đó một số tỉnh giải quyết tốt vấn đề này để có được cải cách mạnh mẽ, như Quảng Ninh, Đồng Tháp…

Quan sát từ thực tiễn tốt, tôi cho rằng trên hết vẫn là vai trò của người đứng đầu các cơ quan. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể cân nhắc thêm “cơ chế cải cách từ trên áp xuống” như thành lập bộ phận cải cách thuộc Chính phủ với các đơn vị chuyên môn cao, chủ động nghiên cứu, đề xuất, thực hiện cải cách, đặc biệt trong lĩnh vực liên ngành, liên cơ quan. Như vậy, vai trò lãnh đạo và tập thể lãnh đạo rất quan trọng.

- Thực hiện Nghị quyết 02, chúng ta đặt mục tiêu lọt Top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh. Vậy làm thế nào để mục tiêu này được hoàn thành, thưa ông?

Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu, giải pháp đã có, các cơ quan Bộ, ngành, địa phương cũng đã hiểu mình phải làm gì và làm như thế nào! Vấn đề cần làm bây giờ chỉ là tích cực, chủ động, quyết liệt và nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Ngoài ra, nhiều cải cách trong năm nay yêu cầu phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan; do đó, đòi hỏi sự phối hợp tích cực bởi tạo dựng môi trường kinh doanh tốt là hành động thiết thực nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị quyết 02/2022:

    Nghị quyết 02/2022: "Lãnh địa" xin-cho của bộ ngành sẽ bị "đụng chạm"

    04:00, 28/01/2022

  • Nghị quyết 02/NQ-CP: Kỳ vọng nền kinh tế sớm hồi phục, phát triển!

    Nghị quyết 02/NQ-CP: Kỳ vọng nền kinh tế sớm hồi phục, phát triển!

    01:14, 18/01/2022

  • Nghị quyết 02/2022/CP:

    Nghị quyết 02/2022/CP: "Tăng tốc" cải cách môi trường kinh doanh

    04:10, 09/01/2022

  • Nghị quyết 02/2022: Thắp lửa cải cách

    Nghị quyết 02/2022: Thắp lửa cải cách

    21:00, 08/01/2022

ĐỖ HUYỀN