Phục hồi và phát triển kinh tế: Nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ

GIA NGUYỄN 10/02/2022 15:00

Dù đã và đang có nhiều tín hiệu tích cực, thế nhưng, phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 được cho còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ để đạt mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững...

>>Niềm tin về sự phục hồi và phát triển kinh tế sau kỳ họp bất thường

Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, năm 2021 là năm chứng kiến không ít khó khăn trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 khi nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Từ những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra những dấu ấn mạnh mẽ cho nền kinh tế, khi con số tăng trưởng quý IV/2021 đạt 5,22%. Tiếp đà bứt tốc của quý cuối năm, kinh tế tháng đầu tiên của năm 2022 cũng có nhiều khởi sắc, đem đến nhiều tín hiệu tích cực, tạo khí thế cho nền kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Phục hồi và phát triển kinh tế vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ - Ảnh minh họa

Phục hồi và phát triển kinh tế vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ - Ảnh minh họa

Thế nhưng, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 được cho còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ để đạt mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng, năm 2021 dịch bệnh COVID-19 đã gây khó khăn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả vấn đề xã hội. Trong năm 2021, cả nước có tới 119,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, trong đó có tới gần 55 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế.

Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 77,8% kế hoạch năm, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, đầu tư công đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, do vậy việc giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng cản trở đến sự phục hồi của nền kinh tế.

>>Chính sách thuế “liều ô xy” kịp thời hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

Về kim ngạch xuất khẩu năm 2021, dù đạt được con số ấn tượng với 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 88,71%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 13,4% so với mức tăng 21,1% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI vẫn còn lỏng lẻo.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nông nghiệp luôn được coi là “bệ đỡ” của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn, nhưng giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng cao, dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp, khiến người chăn nuôi thua lỗ.

theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức và nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết - Ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức và nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết - Ảnh minh họa

Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, điều này sẽ khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát. Do tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu nên chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 ở mức thấp (1,84%) so với mục tiêu đề ra là khoảng 4%. Tuy vậy, áp lực lạm phát năm 2022 đối với nền kinh tế vẫn đang hiện hữu.

Giá nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thế giới tăng cao, giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua, thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu khi nhu cầu ngày một tăng là chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất trong năm tới.

“Trong khi đó, kinh tế nước ta lại phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và cả nguyên nhiên liệu trong nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích.

Từ thực trạng đã nêu, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức và nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi những khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ, tỷ lệ tín dụng so với GDP vẫn ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng…

Thực tế, trải qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua, sức lực của nhiều doanh nghiệp đã và đang bị bào mòn trong khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn trong thời gian ngắn; khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế,...

Nhằm gỡ nút thắt, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế, nhiều chuyên gia đã cho rằng, bên cạnh tiếp tục thực hiện chiến lược bao phủ vắc-xin cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng, trong đó ưu tiên lực lượng lao động của khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể để hai khu vực sản xuất này sớm phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, Việt Nam cần nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, trong đó thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn quan trọng quốc gia, dự án kết nối liên vùng.

Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI. Cùng với đó, khai thác thế mạnh các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường cơ hội thu hút dòng vốn FDI có chất lượng…

Có thể bạn quan tâm

  • Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

    Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

    02:00, 31/01/2022

  • Niềm tin về sự phục hồi và phát triển kinh tế sau kỳ họp bất thường

    Niềm tin về sự phục hồi và phát triển kinh tế sau kỳ họp bất thường

    00:30, 12/01/2022

  • Chính sách thuế “liều ô xy” kịp thời hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

    Chính sách thuế “liều ô xy” kịp thời hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

    03:50, 03/01/2022

  • Phục hồi và phát triển kinh tế: Chuyển cơ chế

    Phục hồi và phát triển kinh tế: Chuyển cơ chế "xin - cho" sang "phục vụ"

    04:20, 12/12/2021

  • Phục hồi và phát triển kinh tế: Đồng bộ chính sách an sinh xã hội

    Phục hồi và phát triển kinh tế: Đồng bộ chính sách an sinh xã hội

    04:10, 10/12/2021

GIA NGUYỄN