Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số: Thúc đẩy phát triển kinh tế số

GIA NGUYỄN 25/02/2022 04:00

Trước những đòi hỏi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số để thúc đẩy phát triển kinh tế số…

>>Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số

Nhằm đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và sự phát triển của thực tiễn, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục lấy ý kiến đóng góp về Luật Viễn thông sửa đổi và đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số - Ảnh minh họa

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số - Ảnh minh họa

Trong đó, Luật Công nghiệp công nghệ số được đề xuất gồm 2 nhóm chính sách bao gồm:

Nhóm 1 - hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm và dịch vụ công nghệ số, thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ công nghệ số (sandbox), quản lý sản phẩm AI, quản lý sản phẩm và dịch vụ công nghệ số trọng yếu;

Nhóm 2 - bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số (thị trường; khu công nghệ thông tin; vốn, đầu tư, ưu đãi công nghiệp công nghệ số; nhân lực), sản phẩm công nghệ số trong nước (Make in Vietnam), dữ liệu số, trung tâm tính toán hiệu năng cao, thâm nhập thị trường Nhà nước và kinh doanh xuyên biên giới.

>>Khung pháp lý toàn diện để phát triển công nghệ số

Đánh giá về đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Phạm Đức Long cho rằng, công nghệ số đã đi vào cuộc sống nên việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số cần có hành lang phát triển. Luật sẽ giúp thúc đẩy công nghệ số, sản phẩm Make in Vietnam để phát triển, sánh tầm khu vực. Để làm được sản phẩm dịch vụ Make in Vietnam thì cần phải có dữ liệu và dữ liệu phải mang tính hợp pháp, việc có quy định sandbox cũng là để thúc đẩy phát triển ngành, thúc đẩy Make in Vietnam.

Thực tế, những năm gần đây, ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước khi tính đến hết năm 2021, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông ước đạt 136 tỷ USD, (gấp 22 lần so với năm 2009). Cả nước có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 bình quân cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước.

dù còn dư địa phát triển mạnh mẽ nhưng thực tế cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số vẫn là bài toán bỏ ngỏ - Ảnh minh họa

Dù còn dư địa phát triển mạnh mẽ nhưng thực tế cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số vẫn là bài toán bỏ ngỏ - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, dù còn dư địa phát triển mạnh mẽ nhưng thực tế cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số vẫn là bài toán bỏ ngỏ khi Luật Công nghệ thông tin, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và các văn bản liên quan đã tạo hành lang pháp lý phát triển ngành công nghiệp công nghệ số nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất cập, quy định chồng chéo.

Cụ thể, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định “phải ưu tiên” đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trong nước nhưng chưa có cơ chế mang tính bắt buộc. Vì vậy, nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trong nước có thể thay thế sản phẩm nhập ngoại với giá thành cạnh tranh, bảo mật cao vẫn chưa được các cơ quan Nhà nước lựa chọn.

Bên cạnh đó, một số quy định chỉ mang tính khuyến khích, ưu đãi đầu tư mà chưa có chính sách ưu đãi cụ thể như sử dụng ngân sách Nhà nước như thế nào để đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm công nghiệp công nghệ số,...

Từ đó, đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, các cơ quan chuyên môn, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đều khẳng định, việc xây dựng Luật là cần thiết, tạo bệ phóng để Việt Nam chuyển đổi số mạnh mẽ và tạo động lực giúp thúc đẩy, phát triển ngành kinh tế số.

Thông tin với báo chí, đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cho biết, việc sửa đổi Luật Viễn thông và xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số là rất cần thiết và cần bổ sung bởi sự phát triển của công nghệ diễn ra rất nhanh, các nhà cung cấp dịch của Việt Nam có thể vươn ra toàn cầu.

Góp ý cho Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, ngành công nghệ thông tin, và tương lai là ngành công nghệ số, sẽ là một trong các động lực phát triển kinh tế quan trọng. Vì vậy, VCCI hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp về ưu đãi, hỗ trợ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này.

VCCI cho rằng, tài sản số được sinh ra cùng với sự phát triển của công nghệ số, như các tài khoản trực tuyến, tài khoản email, tài khoản mạng xã hội… Tài sản số, dù cũng là tài sản theo pháp luật dân sự, lại có một số đặc điểm khác biệt so với các loại tài sản truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống pháp luật vẫn chưa có quy định về các nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho các giao dịch, chuyển quyền, nghĩa vụ của các loại tài sản này.

“Để thúc đẩy các ngành công nghệ số, tạo lập khung khổ cho ngành, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chính sách quy định về những nguyên tắc cơ bản áp dụng với tài sản số (quyền, nghĩa vụ của các bên, trong đó có Công ty công nghệ; nguyên tắc bảo vệ; nguyên tắc giám định số; nguyên tắc ủy thác…)”, VCCI đề nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • VBF 2022: Công nghệ số là chìa khóa cho sự tăng trưởng

    VBF 2022: Công nghệ số là chìa khóa cho sự tăng trưởng

    10:57, 21/02/2022

  • Startup Captain Fresh công nghệ số huy động thành công 40 triệu USD

    Startup Captain Fresh công nghệ số huy động thành công 40 triệu USD

    04:29, 30/12/2021

  • Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số

    Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số

    04:05, 06/07/2021

  • Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số: Cần làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh

    Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số: Cần làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh

    04:00, 25/10/2021

  • Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số: Cần chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp

    Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số: Cần chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp

    04:00, 26/10/2021

GIA NGUYỄN