Quản lý sàn thương mại điện tử vẫn nhiều… thách thức

GIA NGUYỄN 28/02/2022 04:00

Dù được đánh giá có nhiều điều chỉnh bám sát thực tiễn, thế nhưng, công tác quản lý sàn thương mại điện tử theo Nghị định số 85/2021/NĐ-CP được cho còn nhiều thách thức…

>>Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Tăng trách nhiệm của chủ sàn

Theo đó, ngoài việc quản lý các sàn thương mại điện tử truyền thống như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (Nghị định 85) cũng đưa các hoạt động kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram… vào diện quản lý.

Quản lý sàn thương mại điện tử được cho vẫn nhiều thách thức - Ảnh minh họa

Quản lý sàn thương mại điện tử được cho vẫn nhiều thách thức - Ảnh minh họa

Cụ thể, khoản 15, Điều 1, Nghị định 85 định nghĩa, các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử: a - Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; b - Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; c - Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; d - Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại điểm a, b, c khoản này và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Quy định là như vậy, thế nhưng, theo các chuyên gia, nền tảng Facebook Marketplace hay bán hàng trên Instagram hiện nay đều không thu phí người bán. Bên bán được tự do lập tài khoản, đăng sản phẩm và giao dich, còn các ứng dụng này chỉ đóng vài trò môi trường kỹ thuật số để kết nối bên mua, bên bán ngoại trừ các thân chủ trả tiền để quảng cáo trên các nền tảng đó.

>>Nan giải chống hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử

Hay các nhóm (group) bán hàng trên Facebook cũng vậy, đa số là không thu phí, tuy nhiên, chủ sở hữu group (nhất là các group có lượng thành viên tương tác lớn) hoàn toàn có thể đặt ra luật lệ riêng để thu những khoản phí khác nhau như phí gia nhập, phí duy trì thành viên, phí đăng bài sản phẩm ưu tiên nhằm duy trì thứ hạng ở các vị trí có tiềm năng để quảng cáo.

Thậm chí, fanpage (Facebook), về danh nghĩa là của chủ sở hữu, nhưng chủ sở hữu có thể thu phí để đăng tải các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các thương nhân khác, không khác gì sàn giao dịch hoặc chủ sở hữu cho thuê fanpage để thu về một khoản phí theo thỏa thuận trong thời gian sử dụng.

Từ đó, các chuyên gia cho rằng, quản lý các nền tảng mạng xã hội có thu phí hay không thu phí không hề dễ; nhất là khi ranh giới thế nào giữa nền tảng mạng xã hội có thu phí và không thu phí, đôi khi khó nhận biết, chỉ giữa những người trong cuộc mới hiểu được những “thỏa thuận” của chính họ dưới nhiều mục đích khác nhau, không loại trừ việc lách các quy định của pháp luật để né thuế và quản lý.

Theo các chuyên gia cho rằng, quản lý các nền tảng mạng xã hội có thu phí hay không thu phí không hề dễ - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, quản lý các nền tảng mạng xã hội có thu phí hay không thu phí không hề dễ - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, về “thẩm định thông tin” khi lên sàn thương mại điện tử, khoản 8 Điều 1 Nghị định 85 quy định, trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (các sàn thương mại điện tử nói chung, nền tảng mạng xã hội nói riêng) thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng trên trang web thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức đó là “bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin” theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, quy định này có thể hiểu rằng, các sàn thương mại điện tử được phép cung cấp “dịch vụ thông tin hàng hóa”, tức là có thu phí, tuy nhiên, nội hàm của khái niệm cung cấp dịch vụ thông tin hàng hóa này có phải thực hiện một chuỗi của nhiều loại hoạt động về dịch vụ thông tin hàng hóa khác nhau để thu phí hay không thì Nghị định 85 chưa có quy định rõ ràng. Ví dụ, dùng kỹ thuật để đẩy sản phẩm lên vị trí đầu trong group bán hàng (Facebook) có thể được xem là một hình thức cung cấp thông tin?

“Sự không rõ ràng này có thể gây ra những sự hiểu sai về bản chất các quan hệ, trách nhiệm pháp lý có liên quan vì theo quy định “trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba (các sàn thương mại điện tử) thì bên thứ ba có trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ”, Luật sư Hiệp chia sẻ.

Luật sư Hiệp cho rằng, không phải bên bán hàng cung cấp thông tin sản phẩm sao thì sàn thương mại điện tử sẽ đăng như vậy, trước khi đăng tải thông tin sản phẩm, sàn phải có trách nhiệm thẩm định thông tin mô tả sản phẩm so với những hiểu biết về chất lượng hàng hóa xem có phù hợp, chính xác hay không, trường hợp không hiểu biết đầy đủ chất lượng, xuất xứ mà vẫn đăng là sai phạm.

Thực tế, trách nhiệm liên đới là vấn đề không mới nhưng rất quan trọng trong các hoạt động trung gian thương mại. Trách nhiệm liên đới giữa sàn thương mại điện tử và thương nhân bán hàng sẽ mở ra xu hướng bảo vệ “tận gốc” quyền lợi của người mua hàng. Và với trách nhiệm liên đới, khi xảy ra sự kiện pháp lý liên quan đến chất lượng hàng hóa do thương nhân cung cấp trên sàn thương mại điện tử, người mua hàng có quyền yêu cầu một trong hai chủ thể này phải có trách nhiệm giải quyết toàn bộ những vấn đề phát sinh theo quy định.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, khó khăn của công tác quản lý thương mại điện tử vẫn ở khâu kết nối thông tin, kết nối dữ liệu, dù các sàn thương mại điện tử vốn có lợi thế về công nghệ, tuy nhiên, những yếu tố rủi ro trong giao dịch trực tuyến dễ phát sinh giữa các nền tảng kỹ thuật như hệ thống đặt hàng, phản hồi tự động, thanh toán trực tuyến, giao nhận, logictics luôn hiện hữu.

Chưa kể, với quy trình giao dịch khép kín, người mua, người bán hầu như không biết rõ phương thức giao kết hợp đồng là gì, khiến họ như bị lạc vào một “ma trận” của hàng hóa, pháp lý và công nghệ.

Có thể bạn quan tâm

  • Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Tăng trách nhiệm của chủ sàn

    Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Tăng trách nhiệm của chủ sàn

    04:00, 27/02/2022

  • Nan giải chống hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử

    Nan giải chống hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử

    04:00, 26/02/2022

  • Nghệ An: Chật vật thương mại điện tử

    Nghệ An: Chật vật thương mại điện tử

    13:40, 25/02/2022

  • Chống thất thu thuế thương mại điện tử

    Chống thất thu thuế thương mại điện tử

    21:18, 24/02/2022

  • “Lỗ hổng” thương mại điện tử

    “Lỗ hổng” thương mại điện tử

    04:00, 18/02/2022

GIA NGUYỄN