Doanh nghiệp lo ngại khó tiếp cận vốn vay mới

NGUYỄN GIANG 14/03/2022 03:40

Dù chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ đã được triển khai hơn 1 tháng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn lo ngại không tiếp cận được khoản vay mới do những quy định khó áp dụng...

>>Thủ tục tiếp cận vốn vay còn “bó chân” doanh nghiệp

hihii

Nhiều doanh nghiệp lo ngại là sẽ không thể tiếp cận được khoản vay mới do những quy định khó áp dụng. Ảnh minh họa

Theo đó, nhiều doanh nghiệp than thiếu vốn sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh, còn gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ đã được triển khai hơn 1 tháng, trong đó một số chính sách đã đưa vào thực tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lo ngại là sẽ khó tiếp cận được khoản vay mới, do những quy định khó áp dụng...

Cụ thể, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ với mục đích giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID -19 với các đối tượng thụ hưởng: Đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, an sinh xã hội, y tế, chuyển đổi số... Trong đó, có gói hỗ trợ 49.400 tỷ đồng thông qua chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đã được áp dụng từ đầu tháng 2 cho đến hết năm nay; Gói cấp bù lãi suất 2% sẽ hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, có khoản vay trong năm 2022 -2023, ước tính tổng gói hỗ trợ lãi suất này 40.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong thời gian dịch bệnh doanh nghiệp phải gồng nhiều chi phí phát sinh để cầm cự trong thời gian dài thì gói hỗ trợ này được xem là nguồn lực giúp doanh nghiệp tái khởi động lại dây chuyền sản xuất, mở rộng những dự án mới, khôi phục lại các hoạt động gần như bị "đóng băng" do dịch bệnh. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn khó để tiếp cận được khoản vay hỗ trợ lãi suất này.

>>Ngân hàng tăng cơ hội gọi vốn vay

Bà P.T.M - Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cứng các dịch vụ cho các khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc cho biết: Từ đầu năm đến nay, hợp đồng, đơn đặt hàng thì nhiều nhưng doanh nghiệp không dám nhận do sau dịch doanh nghiệp gần như trắng tay. Bởi, để "gồng" mình sống sót qua dịch, toàn bộ tài sản doanh nghiệp đã "cắm" ở ngân hàng. Bây giờ muốn vay vốn để đầu tư trang thiết bị để mở rộng sản xuất, cũng không còn tài sản đảm bảo để vay. Không có tài sản thế chấp, muốn vay được vốn, thì phía ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh rằng doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi COVID -19 trong thời gian qua.

“Nhưng để chứng minh việc này thì doanh nghiệp không biết phải chứng minh thế nào", Bà P.T.M cho biết.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, khi bước vào giai đoạn phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhận được rất nhiều đơn hàng, nhưng doanh nghiệp gặp không ít áp lực. Nhất là giá xăng dầu đang ở mức cao, giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng, dẫn đến chi phí cuả doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất đã không giảm mà còn tăng cao. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thiếu vốn để mở rộng, đầu tư nâng cấp trang thiết bị nên không dám nhận những đơn hàng lớn. doanh nghiệp phải vừa sản xuất vừa xoay vòng vốn.

Phần lớn các doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo để vay vốn, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn còn khoản nợ đọng cũ của ngân hàng. Vì vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi thì điều kiện quan trọng nhất là bản thân doanh nghiệp đó phải có khả năng phục hồi. Phải nhìn xem là phương án trong tương lai, hay kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có khả năng tạo ra dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Đó cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Theo các chuyên gia, nên khuyến khích những khoản vay mới. Bởi, khoản vay cũ của doanh nghiệp về cơ bản đã được giãn, hoãn, hoặc cũng đã giảm một phần lãi nào đó rồi. Quan trọng là doanh nghiệp chứng minh được khả năng trả nợ cho ngân hàng.

hihihi

Để "gồng" mình sống sót qua dịch, toàn bộ tài sản doanh nghiệp đã "cắm" ở ngân hàng. Bây giờ muốn vay vốn để đầu tư trang thiết bị để mở rộng sản xuất, cũng không còn tài sản đảm bảo để vay. Không có tài sản thế chấp. Ảnh minh họa

PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng, hiện nay bài toán khó nhất với doanh nghiệp là bài toán vốn, vì vốn chiếm đến 40% trong tăng trưởng kinh tế, 20% còn lại là lao động, 40% là năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). 

Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa thông qua giãn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, phí BHXH… Biện pháp cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp cũng đang được nghiên cứu, nhưng vấn đề là doanh nghiệp phải đủ điều kiện vay vốn. Đó là bài toán khó giải nhất.

"Ngân hàng Nhà nước nên nới room tín dụng cho các ngân hàng vì dư nợ vay mới tăng hơn 7% so với năm 2020, mà năm 2020 dư nợ tăng thấp. Trong giai đoạn hiện nay, các ngân hàng cũng nên linh hoạt hơn, Ngân hàng Nhà nước cũng nên mở room tín dụng nhiều hơn để giúp kinh tế phục hồi", ông Ngân đề nghị.

Còn theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, câu chuyện cần làm ngay bây giờ là thực thi chính sách. Ví dụ với việc cấp bù lãi suất phải thông qua ngân hàng, nhưng không lẽ ngân hàng lại không biết doanh nghiệp nào vay tiền của mình vẫn “mạnh khoẻ”, doanh nghiệp nào không, hay ngân hàng không dám làm vì rủi ro quá lớn?

Theo ông Dũng, bên cạnh việc xác lập kỉ cương, mà thực tế doanh nghiệp muốn vay tiền cũng không dễ, nên phải khuyến khích như thế nào đó để phía ngân hàng cũng được hưởng lợi từ việc cho vay đúng chỗ, đúng địa chỉ. Mặc dù rủi ro là có, nhưng nếu thực hiện được thì vừa lợi cho kinh tế lại vừa có lợi cho ngân hàng.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam khuyến nghị, ngân hàng phải chấp nhận rủi ro ở một mức nào đó và Nhà nước phải mất công, mất sức nhiều hơn để có một hệ thống thông tin chuẩn bảo đảm rủi ro ít nhất có thể.

“Muốn triển khai đánh giá doanh nghiệp, thì Chính phủ phải có một nhóm đặc nhiệm cùng với ngân hàng và các Hiệp hội phối hợp, trong một tháng phải tổ chức họp hai lần để xác nhận các thông tin. Cần nâng cao vai trò của Hiệp hội nhằm giúp đỡ cho các doanh nghiệp thành viên, đồng thời Chính phủ cũng nắm được thông tin, để từ đó ngân hàng thực sự có thể hành động, mà không bị lợi ích nhóm chi phối quá mạnh”, ông Thiên khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Tháo gỡ các rào cản về thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

    Tháo gỡ các rào cản về thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

    04:00, 24/02/2022

  • Cần thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền

    Cần thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền

    04:00, 06/01/2022

  • Cần gỡ “điểm nghẽn” hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

    Cần gỡ “điểm nghẽn” hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

    04:00, 26/12/2021

  • Cân nhắc điều chỉnh mức giảm các loại phí để hỗ trợ doanh nghiệp

    Cân nhắc điều chỉnh mức giảm các loại phí để hỗ trợ doanh nghiệp

    04:00, 08/12/2021

NGUYỄN GIANG