Dù được đánh giá đầy tiềm năng và mang lại hiệu quả kinh tế, thế nhưng, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã cho thấy còn nhiều “điểm nghẽn”, cần được tháo gỡ…
>> Kỳ vọng 2022, phát triển kinh tế xã hội gắn liền với đổi mới công nghệ
Với mục tiêu tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 tại Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25/01/2021.
Theo quyết định, mục tiêu đến năm 2025 số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm; 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3 - 5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường;…
Đến năm 2030, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/năm; có từ 8 - 10 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Các doanh nghiệp trực tiếp tham gia chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 2 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ. Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất 2 mô hình nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.
>> Đổi mới công nghệ để bắt kịp các “anh tài”
Thế nhưng, trong quá trình triển khai vào thực tiễn, Chương trình đã và đang cho thấy còn nhiều “điểm nghẽn”, cần được tháo gỡ.
Trong đó, theo các chuyên gia, hiện nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc trích lập Quỹ cũng như hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với mức trích tối đa 10% thu nhập tính thuế, số trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp, không đủ để thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong khi các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tín dụng để bổ sung thêm lại không có, hoặc có lại khó tiếp cận. Bên cạnh đó, sự đa dạng của hoạt động đổi mới, sáng tạo chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Các quy định pháp luật đã ban hành hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp mới chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mà chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Chưa có nội dung chi cho đổi mới quy trình quản trị doanh nghiệp, việc thực thi chính sách chưa được áp dụng đồng bộ và thống nhất trong cả nước. Thiết kế và thực thi chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Hầu hết các doanh nghiệp chỉ sử dụng nguồn quỹ này để thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm hoặc mua sắm trang thiết bị nghiên cứu, mà chưa sử dụng để đầu tư công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất.
Đánh giá về thực tế đã nêu, thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Lê Xuân Định cũng thừa nhận, các cơ quan quản lý còn hạn chế trong nhận thức về chấp nhận rủi ro trong đầu tư cho ứng dụng, cải tiến và đổi mới công nghệ. Một số cơ chế ưu đãi thuế cho đầu tư đổi mới công nghệ còn khó thực thi, do chưa có sự đồng bộ trong các quy định pháp luật.
“Ngoài ra, còn thiếu các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp đưa sản phẩm là kết quả của nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ tiếp cận thị trường...”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ.
Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” này, theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, Bộ sẽ triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, chuyển giao, ứng dụng và làm chủ công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xây dựng các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Nhà nước nên tạo một số cơ chế ưu tiên, như cho phép cộng đồng doanh nghiệp được khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá là hàng nghìn công trình khoa học mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đăng ký công nghệ, có thể theo hướng giao cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm...
Đầu tư khoa học và công nghệ để chủ động đổi mới sáng tạo và phát triển sản xuất, kinh doanh là con đường tất yếu của doanh nghiệp trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, vì vậy, để Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đạt được mục tiêu đề ra, cần sớm tháo gỡ những “điểm nghẽn” đã và đang tồn tại.
Có thể bạn quan tâm
Kỳ vọng 2022, phát triển kinh tế xã hội gắn liền với đổi mới công nghệ
10:10, 19/12/2021
Giống lúa Đài Thơm 8 - Giải nhì giải thưởng Sáng tạo và Đổi mới công nghệ Quốc gia - VIFOTEC
10:02, 13/11/2021
Giống lúa Đài Thơm 8 - Giải nhì giải thưởng Sáng tạo và Đổi mới công nghệ Quốc gia - VIFOTEC
09:35, 13/11/2021
Đổi mới công nghệ để bắt kịp các “anh tài”
02:29, 04/10/2021
Dự thảo Thông tư về “Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia”: Chưa cụ thể, rõ ràng
03:30, 27/07/2021