Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Các giải pháp tránh tổn thất
Các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện ngay hàng loạt các giải pháp nhằm tránh các tổn thất có thể xảy ra.
>>Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Cần khẩn cấp chống lừa đảo quy mô lớn
Đó là chia sẻ của TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh với Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh vụ việc xuất khẩu điều sang Ý có nguy cơ bị lừa.
-Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về bản chất vụ việc này?
Theo tôi, đây có thể được xem là một vụ lừa đảo lớn với hình thức thông qua sơ hở của phương thức thanh toán, mà các bên đã lựa chọn là phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P). Với phương thức này, chỉ cần cầm được bộ chứng từ gốc (bản chính) là có thể nhận hàng mà không phải qua bất kỳ khâu kiểm tra hàng hoá. Để giải quyết vấn đề, theo tôi, các bên có liên quan, đặc biệt là các ngân hàng phải ngồi lại để truy vết về thời điểm bộ chứng từ gốc mất kiểm soát từ khâu nào và từ thời điểm nào.
Trong thương mại quốc tế, tất cả phương thức đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ, rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán. Như vậy, nếu đúng đây là một vụ lừa đảo thì hành vi lừa đảo này có thể diễn ra với bất kỳ hình thức thanh toán nào. Đây là một “lỗ hổng” trong thương mại quốc tế mà sau vụ này phải tìm cách khắc phục.
- Vậy, khi xảy ra trường hợp có nguy cơ bị lừa như vụ hạt điều thì các doanh nghiệp phải làm gì?
Với các tình huống này, doanh nghiệp cần cử đội ngũ luật sư của mình hoặc thuê ngay đội ngũ luật sư tại nước sở tại để làm việc ngay với các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại. Bước đầu tiên là thực hiện các thủ tục để dừng ngay việc thông quan. Rồi sau đó sẽ thực hiện các biện pháp tư pháp nhằm có thể bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Ngoài ra, cũng cần liên hệ để nhận được sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại là các Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán. Vì hơn hết, các tham tán thương mại của Việt Nam sẽ là người có khả năng tốt nhất, am hiểu nhất về luật pháp lẫn thị trường của nước sở tại.
Được biết, trong vụ việc này, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận luật sư tại Italy để tư vấn, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát các lô hàng.
>>Thấy gì từ vụ 100 container điều xuất sang Ý có nguy cơ bị lừa?
-Từ góc độ pháp luật, có cách nào để các doanh nghiệp yêu cầu các hãng tàu ngừng giao hàng không, thưa ông?
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện ngay việc đề nghị các hãng tàu dừng giao hàng tại Italy nhằm tránh các tổn thất có thể xảy ra. Nhưng có lẽ đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi vì về nguyên tắc khi các bên đã chọn thanh toán bằng phương thức D/P thì người cầm bộ chứng từ gốc sẽ được nhận hàng hoá từ các hãng tàu.
Các hãng tàu không thể viện bất kỳ lý do gì để trì hoãn việc giao hàng cho người cầm bộ chứng từ gốc đó trừ khi có phán quyết của Toà án. Như vậy, giải pháp dưới góc độ pháp lý là phải xin phán quyết của Toà án quốc gia sở tại. Trong tình huống này, người cầm bộ chứng từ gốc sẽ không thể nhận được hàng cho tới khi Toà án ra phán quyết gỡ phong toà việc giao hàng.
Vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã chỉ đạo Tham tán Thương mại tại Italy trực tiếp đến các cảng Genova, Napoli làm việc với đơn vị quản lý cảng, hãng tàu, ngân hàng và chính quyền địa phương, đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng để có thời gian làm rõ vụ việc.
- Vậy, bước tiếp theo, các doanh nghiệp Việt xuất khẩu điều trong vụ việc này phải tiến hành khởi kiện ra tòa, thưa ông?
Tất cả các Công ty Việt Nam có liên quan nên tập hợp thông tin chứng từ như hợp đồng với bên mua, hợp đồng môi giới với bên môi giới, bản sao vận đơn và các chứng từ giao nhận khác của những lô hàng gửi ngay cho Thương vụ Việt Nam tại Ý và luật sư. Ký ủy quyền cho luật sư thay mặt làm việc với các cơ quan liên quan của Ý. Liên tục hợp tác cập nhật tình hình và làm theo hướng dẫn của Thương vụ Việt Nam tại Ý và luật sư. Đặc biệt là sự phối hợp với các đơn vị môi giới, đơn vị vận chuyển, các ngân hàng có liên quan…
Về cơ quan có thẩm quyền giải quyết, các doanh nghiệp phải xác định lại thoả thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp và vấn đề giải quyết tranh chấp trong hợp đồng. Thông thường, trong thương mại quốc tế thì các bên hay chọn Trọng tài để giải quyết. Nếu không sẽ dựa trên các nguyên tắc về xác định thẩm quyền của Toà án quốc gia trong tư pháp quốc tế để giải quyết.
-Từ góc nhìn của một người làm nghề luật, ông có những lưu ý gì cho doanh nghiệp Việt khi tham gia thương mại quốc tế?
Khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác, đặc biệt là vấn đề năng lực tài chính qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước, không nên tin tưởng hoàn toàn vào bên môi giới. Các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật có liên quan và tập quán giao nhận hàng hóa tại nước nhập khẩu để đảm bảo nắm được quyền kiểm soát hàng hóa.
Ngoài ra, cũng nên trao đổi với đơn vị tư vấn pháp lý chuyên nghiệp để hiểu rõ, nắm vững nội dung pháp luật thương mại quốc tế có liên quan để có thể đàm phán và soạn thảo hiệu quả các điều khoản của hợp đồng, như các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, vấn đề giao nhận, thanh toán, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, trong đó đặc biệt nhất là quy định về giải quyết tranh chấp và lựa chọn pháp luật áp dụng vì tính chất quốc tế của các loại hợp đồng này...
Các doanh nghiệp cũng lưu ý các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.
- Xin cảm ơn ông!
Sau khi có phán quyết giữ hàng thì chắc chắn là hàng an toàn nằm ở cảng nhưng giới chức Ý sẽ phải ra phán quyết ai là chủ thực sự của lô hàng và giải phóng lô hàng trả về cho chủ. Và việc chứng minh là chủ sở hữu thực sự lô hàng trong trường hợp mất kiểm soát chứng từ gốc là không hề đơn giản. Do đó, phương án tối ưu hiện nay là các công ty Việt Nam có liên quan cần liên kết thành một mối, cùng hành động nhanh chóng để tòa án Ý coi đây là vụ phạm tội nguy hiểm và đưa ra xét xử sớm, tránh nguy cơ hàng bị các bên khác nhòm ngó và những tổn thất tài chính như phí lưu kho bãi và hàng bị hỏng. |
Có thể bạn quan tâm
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Cần khẩn cấp chống lừa đảo quy mô lớn
05:00, 19/03/2022
Vụ xuất khẩu điều có nguy cơ bị lừa: Chọn đối tác là khâu quyết định
03:30, 19/03/2022
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Khó can thiệp trực tiếp lên hãng tàu
15:00, 18/03/2022
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Tạm "giải cứu" được 6/36 container
00:51, 18/03/2022
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Phòng tránh rủi ro trong thanh toán quốc tế
05:01, 13/03/2022