Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Sớm bịt “kẽ hở” tiền đặt trước
Mặc dù được đánh giá là văn bản pháp lý quan trọng bảo đảm hoạt động đấu giá công khai, minh bạch, thế nhưng, thực tiễn Luật Đấu giá tài sản còn nhiều “kẽ hở”, đặc biệt là quy định tiền đặt trước…
>>Rà soát pháp luật: Luật Đấu giá tài sản còn nhiều vướng mắc
Ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH khóa XV. Tại nghị quyết, UBTVQH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Trong đó, bên cạnh dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan, UBTVQH cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường;… có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.
Thực tế, trong các vấn đề được UBTVQH chỉ ra, tiền đặt trước và thời gian nộp tiền sau khi trúng đấu giá đã và đang được cho là “kẽ hở” bị lạm dụng và lợi dụng trong nhiều vụ việc.
Cụ thể, khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: “người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước này do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá”.
Theo các chuyên gia, tiền đặt trước được pháp luật quy định có khung quá rộng, vô hình trung trở thành “môi trường” thuận lợi để các bên tổ chức đấu giá và tham gia đấu giá tài sản có động cơ không trong sáng lạm dụng. Bởi một khi các bên đã móc nối được quyền lợi với nhau thì khoản tiền đặt trước này (một trong những yếu tố làm nên giá thành của giá trị đất sau khi đấu giá thành) sẽ được hạ xuống chạm mức tối thiểu mà không phạm luật.
>>Thủ tướng yêu cầu báo cáo kết quả thanh tra việc bán đấu giá tài sản thế chấp
Lật lại các vụ việc trước đó, như vụ việc “Đường Nhuệ” xảy ra hồi tháng 9/2020, không phải ngẫu nhiên mà Công ty Bất động sản Đường Dương bỏ tiền ra đấu giá trúng cả 20 lô gần Chợ Vàng tại phiên đấu giá diễn ra ngày 26/10/2018, với mức giá chỉ cao hơn giá khởi điểm vài ngàn đồng. Hay tại xã Lô Giang, huyện Đông Hưng tổng cộng có 24 lô đất ở được đưa ra đấu giá thì “Đường Nhuệ” đã ẵm trọn 21 lô.
Hay như năm 2019, tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, quy hoạch và đưa ra đấu giá 114 lô đất ở tại xã Hoài Sơn và xã Hoài Thanh; thì tất cả 114 lô đất được đấu trúng thuộc về nhóm “đối tượng” đến từ một Công ty bất động sản có trụ sở đóng tại TP. Quy Nhơn,…
Chưa kể, Luật Đấu giá tài sản và Nghị định hướng dẫn còn “bỏ quên” quy định chi tiết về thời gian nộp tiền sau khi trúng đấu giá, khiến mỗi nơi áp dụng một kiểu, càng gia tăng “điều kiện thuận lợi” cho các đối tượng hướng đến mục tiêu trục lợi.
Theo các chuyên gia, sự thiếu chặt chẽ này dẫn tới sự tùy tiện của mỗi địa phương trong quy định về thời gian nộp tiền hậu trúng đấu giá, thậm chí có địa phương không có quy định.
Như tại tỉnh Thái Bình, kể từ năm 2019, địa phương này mới có quy định sau 30 ngày trúng đấu giá phải thanh toán nếu không sẽ bị huỷ quyết định trúng đấu giá và 10% tiền đặt cọc bị sung nộp vào ngân sách Nhà nước. Có nghĩa, trước đó các cá nhân và tổ chức tại Thái Bình sau khi trúng đấu giá đất được quyền “ngâm” nghĩa vụ tài chính đến vô hạn?
Và đây được cho là “kẽ hở” làm phát sinh động cơ trục lợi của nhóm lợi ích, khi trong vụ việc tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã nêu, nhóm đầu cơ đất đã bỏ ra số tiền gần 1 tỷ đồng đặt trước cho 114 lô, nhưng sau khi trúng đấu giá 114 lô này, nhóm đối tượng chỉ nộp tiền 5 lô đất có người nhận chuyển nhượng, số lô còn lại do không giao dịch được nên “bỏ của chạy lấy người”.
Vụ việc, tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình của “Đường Nhuệ” cũng tương tự, sau khi trúng đấu giá 10 lô đất ở trung tâm thị trấn xã Song An, vợ chồng “Đường Nhuệ” chỉ nộp tiền 2 lô đất để làm sổ đỏ và “lướt sóng” để thu hồi vốn. Còn lại 7 lô bỏ trống, lãnh đạo xã và huyện nhiều lần gọi lên thuyết phục hoàn thành nghĩa vụ tài chính song “Đường Nhuệ” bất hợp tác.
Các chuyên gia cho rằng, đất bị gom để đầu cơ, theo đó người có nhu cầu mua đất thực sự sẽ bị hất ra ngoài. Đối với tổ chức bán đấu giá tài sản chân chính (không vì động cơ vụ lợi) cũng phải chịu thiệt, vì nếu đẩy giá khởi điểm lên cao sẽ khó cạnh tranh. Mà không tiêu thụ được sản phẩm là đồng nghĩa với tổ chức đấu giá sẽ không được hưởng thù lao dịch vụ bán đấu giá tài sản theo quy định.
Từ thực trạng đã nêu, để ngăn chặn việc đầu cơ đất của nhóm lợi ích, các chuyên gia đề xuất, Luật Đấu giá tài sản hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung quy định chặt chẽ hơn về tiền đặt trước và thời gian nộp tiền sử dụng đất sau khi đấu giá trúng.
“Đối với khoản tiền đặt trước, nên thu hẹp đến mức có thể về khoảng cách giữa mức tối đa và tối thiểu; hoặc loại bỏ khung giá, bắt buộc người tham gia đấu giá phải nộp một khoản tiền đặt trước cố định là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Đối với tiền sử dụng đất phải nộp, Luật cần có quy định cụ thể, có thời gian nộp chậm nhất không quá 30 ngày, kể từ ngày trúng đấu giá, nếu để quá thời gian thì người đấu giá trúng phải chịu phạt lãi suất quá hạn của ngân hàng Nhà nước quy định; hoặc bị hủy kết quả đấu giá tài sản”, các chuyên gia khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết về hoạt động chất vấn: Cân đối cung cầu xăng dầu, rà soát Luật Đấu giá tài sản
14:14, 24/03/2022
Yên Bái: Vì sao Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản bị bắt?
15:00, 10/11/2021
Rà soát pháp luật: Luật Đấu giá tài sản còn nhiều vướng mắc
04:20, 14/09/2021
VietinBank Đô Thành lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản xử lý nợ
10:27, 05/05/2021
Dự án Tropicana: Liên doanh không thực hiện đấu giá tài sản của Nhà nước?
04:30, 24/11/2020