Từ vụ Tân Hoàng Minh: Cần thêm nguồn lực để giám sát trái phiếu doanh nghiệp
Để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sau những bê bối xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua, các chuyên gia cho rằng, cần thêm nguồn lực để giám sát…
>> Trái phiếu doanh nghiệp: “Lỗ hổng" trong giám sát mục đích sử dụng vốn
Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của nhóm Công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng giá trị phát hành lên tới 10.300 tỷ đồng, thị trường TPDN đã trải qua một phen rúng động. Nhiều nhà đầu tư hoang mang, trong khi doanh nghiệp phát hành cũng phải tính toán khả năng gọi vốn qua hình thức này.
Theo ước tính, tổng dư nợ TPDN đang lưu hành trên thị trường khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 11,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và khoảng 14,5% GDP năm 2021.
Thực tế, thời gian qua, TPDN có sự phát triển “nóng", trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Theo đánh giá của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, thị trường TPDN là cấu phần có sự tăng trưởng mạnh nhất của thị trường tài chính, trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt thấp.
Ngày 11/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện số 311/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi các Bộ: Công an; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tổng khối lượng TPDN phát hành khoảng 1.224.000 tỷ đồng, bình quân gần 239.000 tỷ đồng/năm; gấp khoảng 9 lần giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 48%/năm, quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2020 đạt khoảng gần 16% GDP, gấp hơn bốn lần năm 2016.
Sự phát triển của thị trường TPDN đã giúp mọi loại hình doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh; định hướng nhà đầu tư tập trung vào các khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn; giảm bớt rủi ro cho các ngân hàng thương mại trong việc huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn và nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.
Đặc biệt, trong các thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, khối lượng phát hành TPDN cũng tăng nhanh cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thống kê từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong năm 2021, tổng khối lượng phát hành TPDN trong nước đạt trên 658.000 tỷ đồng, tăng trưởng đến 42%. Thị trường cũng chứng kiến 1.033 đợt chào bán, gấp 2,8 lần so với năm 2020 và tương đương quy mô trung bình 636 tỷ đồng/đợt, ngoài ra còn có 4 đợt phát hành ra quốc tế với tổng giá trị 1,425 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp phát hành ra công chúng chỉ chiếm rất nhỏ chưa đến 4,6% (năm 2020 là 7,1%), phần lớn vẫn đến từ phát hành riêng lẻ. Và có đến 243 doanh nghiệp lần đầu phát hành trái phiếu trong năm 2021 (chiếm 40% tổng khối lượng phát hành), phần lớn là các cái tên mới đến từ ngành bất động sản và xây dựng.
>>Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đảm bảo ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Đi cùng với tăng trưởng mạnh, sự phát triển của TPDN cũng tiềm ẩn nhiều hệ luỵ, như hàng loạt sai phạm đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt.
Thông tin với báo chí, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, từ năm 2019, Bộ Tài chính đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.
Trước thực trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, với quy mô tăng trưởng ngày càng lớn, lượng doanh nghiệp phát hành mới ngày càng nhiều, đã đến lúc cần thêm nguồn lực để giám sát TPDN.
Theo các chuyên gia, để lành mạnh hóa cần phải cho thị trường tự kiểm soát lẫn nhau. Ví dụ như những tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nếu như trong nước không làm được thì phải mời các công ty nước ngoài vào để chuyên nghiệp hơn. Doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải công bố thông tin, các tổ chức xếp hạng này sẽ đánh giá độc lập về chất lượng trái phiếu.
Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến TPDN, doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu phải minh bạch các thông tin với sự giám sát của Ủy ban chứng khoán, quy trách nhiệm cho Công ty kiểm toán độc lập trong việc công bố thông tin của doanh nghiệp…
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, trước hết, cơ quan quản lý cần siết chặt các quy định phát hành trái phiếu. Đồng thời, cơ chế quản lý, giám sát, xử phạt cũng cần chặt chẽ và nghiêm khắc hơn.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, những năm gần đây, TPDN rất hiếm chảy vào sản xuất, chủ yếu rót vào lĩnh vực có tính đầu cơ cao là bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản liên tục nâng lãi suất cao để huy động trái phiếu bằng mọi giá nhằm góp vốn, đảo nợ, mua dự án…, khiến doanh nghiệp sản xuất khó huy động vốn. Điều này khiến vốn cho sản xuất “teo tóp”, trong khi các khu vực đầu cơ ngày càng tăng mạnh, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Chính vì vậy, việc tăng thêm nguồn lực để giám sát, thanh lọc thị trường là bước đi cần thiết, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường TPDN trong dài hạn. Đây là cơ hội để các sản phẩm TPDN chất lượng khẳng định được độ tín nhiệm với các nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Trái phiếu doanh nghiệp: “Lỗ hổng" trong giám sát mục đích sử dụng vốn
04:10, 12/04/2022
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
20:30, 11/04/2022
Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Trăn trở xếp hạng tín nhiệm
11:00, 11/04/2022
Nhu cầu đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ sụt giảm
05:24, 11/04/2022
Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp: 4 rủi ro nhà đầu tư cần nắm
04:35, 11/04/2022