Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản: Cần giải quyết điểm “tù mù” về giá

GIA NGUYỄN 30/04/2022 04:00

Xoay quanh câu chuyện chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, các chuyên gia cho rằng, trước tiên cần giải quyết điểm “tù mù” về giá…

>> Chống trốn thuế chuyển nhượng bất động sản

Theo Tổng cục Thuế, số thuế thu được từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tăng mạnh trong những năm gần đây, cụ thể: năm 2020, tăng gần 1.800 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2019); năm 2021 tăng hơn 4.900 tỷ đồng (tăng 30% so với năm 2020). Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022 tăng 3.200 tỷ đồng (tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021).

Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản: Cần giải quyết điểm “tù mù” về giá

Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, cần giải quyết điểm “tù mù” về giá - Ảnh minh họa

Thực tế, trong giai đoạn 01/01/2021 – 15/01/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh chống thất thu với 233.983 tổ chức, cá nhân có hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, qua đó tăng thu hơn 500 tỷ đồng. Và chỉ tính riêng giai đoạn 3 tháng đầu năm 2022, có 60.289 hồ sơ với số thu tăng hơn 326 tỷ đồng.

Cụ thể, tại Hà Nội năm 2021, tăng 550 tỷ đồng so với năm 2020 (tỷ lệ tăng 24% trong khi lượng hồ sơ tăng 11,7%); tại TP. Hồ Chí Minh tăng 20% với năm 2020 (3 tháng đầu năm 2022 tăng 57,11% so với cùng kỳ). Cá biệt, qua đấu tranh tại một số địa phương, các tổ chức cá nhân đã kê khai giá chuyển nhượng bất động sản tăng từ 2 - 5 lần so với giá kê khai ban đầu.

Trước thực trạng đã nêu, mới đây, Bộ Tài chính vừa có công văn chỉ đạo Tổng cục Thuế khẩn trương thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc “siết” 2 giá trong kê khai chuyển nhượng bất động sản cũng đang dẫn tới việc hồ sơ chuyển nhượng bất động sản ùn ứ trong khi xác định giá thị trường để tính thuế khá mông lung.

>> “Vạch mặt” chiêu trò trốn thuế chuyển nhượng bất động sản

Được biết, trước đó, Tổng Cục thuế cũng đã đề nghị cơ quan thuế tỉnh thành tham mưu UBND ra hệ số bảng giá đất riêng để làm căn cứ áp dụng tính thuế thu nhập chuyển nhượng bất động sản. Và cục thuế tại các tỉnh thành cũng đã có đề nghị UBND địa phương theo chỉ đạo để xác định giá tính thuế, đồng thời, tham mưu những hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế, chuyển sang cơ quan điều tra…

trước đó, Tổng Cục thuế cũng đã đề nghị cơ quan thuế tỉnh thành tham mưu UBND ra hệ số bảng giá đất riêng để làm căn cứ áp dụng tính thuế thu nhập chuyển nhượng bất động sản - Ảnh minh họa

Trước đó, Tổng Cục thuế cũng đã đề nghị cơ quan thuế tỉnh thành tham mưu UBND ra hệ số bảng giá đất riêng để làm căn cứ áp dụng tính thuế thu nhập chuyển nhượng bất động sản - Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng, việc cơ quan thuế chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản là cần thiết, tuy nhiên, cần phải xem lại cách làm hiện nay, tránh trường hợp “làm quá” dẫn đến vi phạm luật và gây thiệt hại cho người dân.

Thông tin với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, xác định giá bất động sản theo giá thị trường trước khi tính thuế là điểm “tù mù” gây ra bức xúc giữa người dân và cán bộ thuế trong thời gian qua. Đây cũng là điểm hồ sơ thuế bị kéo dài, cán bộ thuế dễ gây khó và nhũng nhiễu người dân.

Bởi trên thực tế, người dân khi giao dịch thường có tâm lý khai nửa giá thị trường để giảm số thuế phải đóng. Việc áp dụng các biện pháp nhằm tránh thất thu thuế trong giao dịch bất động sản như thời gian qua là cần thiết nhưng cần làm một cách tổng thể chứ không sẽ phát sinh các hệ lụy.

“Chẳng hạn, việc yêu cầu giao dịch qua tài khoản ngân hàng mà không có một chế tài nào cũng sẽ dẫn đến tình trạng thanh toán một phần bằng tiền mặt, khuyến khích sử dụng tiền mặt trong thanh toán”, Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.

Từ đó, để tăng thu ngân sách liên quan bất động sản, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chỉ có thể sửa luật, bởi hiện nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, luật Quản lý thuế năm 2019 cũng như các Nghị định và Thông tư về thuế thu nhập cá nhân, không có điều khoản nào có thể hiểu là hợp đồng chuyển nhượng không được ghi thấp hơn giá giao dịch thực tế. Việc ghi giá trong hợp đồng công chứng đã mặc nhiên thừa nhận suốt hàng chục năm qua chỉ loanh quanh gần sát với khung giá nhà đất.

“Vì vậy, muốn người dân phải ghi đúng giá giao dịch thực tế trên hợp đồng công chứng, thì trước hết Nhà nước phải sửa đổi pháp luật theo hướng rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và thấu tình, đạt lý. Đồng thời, Nhà nước cũng cần thực hiện nhiều việc khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi trong việc triển khai”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan thuế cần tuyên truyền mạnh hơn nữa những quy định và thực hiện giải quyết hồ sơ thuế theo đúng quy định để tạo thuận lợi cho dân. Đối với những hồ sơ nghi ngờ kê khai giá thấp hơn giá giao dịch, có căn cứ thực hiện phạt vi phạm hành chính nếu số thuế trốn chưa đủ mức chuyển hồ sơ cho cơ quan công an.

Đồng thời, người dân cũng cần nắm thông tin thuế suất thuế trên giá kê khai chỉ là 2%, nên việc khai cần đúng để tránh hồ sơ bị chậm giải quyết, dẫn đến giao dịch kéo dài. Việc kê khai thấp hơn 1 - 2 tỷ đồng, làm giảm đi số thuế phải đóng 20 - 40 triệu đồng mà gặp nhiều rắc rối hơn thì chắc chắn nhiều người sẽ xem xét mà kê khai đầy đủ.

Có thể bạn quan tâm

  • Chống trốn thuế chuyển nhượng bất động sản

    Chống trốn thuế chuyển nhượng bất động sản

    15:13, 12/04/2022

  • Bịt “kẽ hở” pháp lý để chặn tình trạng chuyển nhượng bất động sản hai giá

    Bịt “kẽ hở” pháp lý để chặn tình trạng chuyển nhượng bất động sản hai giá

    04:10, 03/04/2022

  • “Vạch mặt” chiêu trò trốn thuế chuyển nhượng bất động sản

    “Vạch mặt” chiêu trò trốn thuế chuyển nhượng bất động sản

    21:33, 02/03/2022

  • Siết thuế chuyển nhượng bất động sản

    Siết thuế chuyển nhượng bất động sản

    05:00, 27/02/2022

  • Siết thuế chuyển nhượng bất động sản: Chuyện cũ vẫn nóng

    Siết thuế chuyển nhượng bất động sản: Chuyện cũ vẫn nóng

    05:00, 17/01/2022

GIA NGUYỄN