Ngăn chặn bạo lực học đường: Nền tảng giáo dục mới là giải pháp

KHÔI NGUYÊN 06/06/2022 00:06

Nhiều chuyên gia cho rằng, bạo lực học đường không bao giờ chấm dứt được, nó chỉ có thể giảm thiểu bằng nhiều giải pháp khác nhau, đặc biệt là bằng “nền tảng giáo dục”…

>>Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, vì sao?

hihii

Nhóm nữ sinh ẩu đả, gây thương tích tại Trường Quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) khiến dư luận đặc biệt quan tâm những ngày qua. Ảnh: K.N

Những ngày qua, thông tin về việc một nhóm nữ sinh ẩu đả, gây thương tích tại Trường Quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trong vụ việc này, phụ huynh của một trong 5 nữ sinh góp mặt trong cuộc ẩu đả lên tiếng gay gắt, yêu cầu nhà trường phải có trách nhiệm giải quyết ngọn ngành vụ bạo lực học đường, bởi người mẹ này cho rằng con mình chính là nạn nhân…

Điều đáng nói, theo như thông tin chia sẻ từ phụ huynh này, học phí của ngôi trường lên tới 600 triệu đồng/năm. Với mức học phí này, vị phụ huynh mong muốn con cái có được môi trường giáo dục tốt hơn. Sau khi sự việc này xảy ra đã thu hút sự quan tâm của dư luận và nhiều người đưa ra ý kiến bình luận.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây. Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện video ghi lại cảnh nữ học sinh lớp 8 trường THCS – THPT Hà Thành (Hà Nội) bị đánh hội đồng trước cổng trường. Hơn một tuần sau khi vụ việc xảy ra, nữ sinh này không thể đến trường, tinh thần hoảng loạn, thân thể tổn thương, mất ngủ, luôn có tâm lý sợ đám đông. Sau khi xem video, chị H, phụ huynh của học sinh bị đánh cho hay, chị vô cùng ám ảnh, tâm lý ảnh hưởng rất nặng nề. Chị đã không thể ngủ được nhiều ngày, không thể ngờ được con mình bị hành hạ kinh khủng đến như vậy.

Hay trước đó vào tháng 3 vừa qua, một clip dài hơn 3 phút được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh 2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị vây đánh 1 nữ sinh lớp 7. Lúc xảy ra sự việc có nhiều người xung quanh nhưng không ai đứng ra can ngăn. Một số nữ sinh dùng điện thoại để quay lại sự việc và cổ vũ hành vi trên.

Có thể thấy, hầu hết những vụ việc này chủ yếu xuất hiện ngoài khuôn viên trường học - nơi thiếu sự giám sát của môi trường giáo dục. Nó đang khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng và gây bức xúc cho dư luận.

Theo các chuyên gia giáo dục thì có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Nếu xã hội, cộng đồng, gia đình giáo dục đứa trẻ về những giá trị không chứa đựng sự bạo lực; giáo dục việc ứng phó một cách hiệu quả với bạo lực thì các vụ bạo lực sẽ giảm đi. Ngược lại nếu chưa có sự giáo dục tốt thì rõ ràng vấn nạn này sẽ không giảm thiểu được, vẫn duy trì tình trạng như hiện nay, thậm chí là gia tăng. Vì thế nền tảng giáo dục chính là cách tốt nhất để làm giảm thiểu tình trạng này.

Theo tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, nguyên nhân của bạo lực học đường rất đa dạng. Ở tầm phổ quát nhất, bạo lực học đường chịu ảnh hưởng của môi trường văn hoá, kinh tế, xã hội. Ở tầm hẹp hơn, đó chính là những tác động của môi trường học đường, các mối quan hệ bạn bè, và đặc biệt là những mối quan hệ gốc của học sinh – các mối quan hệ gia đình; phương pháp nuôi, dạy con của cha/mẹ học sinh.

Cuối cùng, bạo lực học đường chịu sự tác động trực tiếp từ những đặc điểm về nhân cách cá nhân, tâm lý lứa tuổi và cả vấn đề về đặc điểm thần kinh của chính đứa trẻ. Mỗi một đứa trẻ với những đặc điểm tâm thần kinh khác nhau, trong giai đoạn phát triển khác nhau sẽ có nguy cơ gây bạo lực học đường ở mức độ khác nhau.

“Việc loại bỏ hoàn toàn bạo lực học đường là điều không thể. Tuy nhiên, nhiệm vụ của nhà trường và thầy/cô là phải quản lý và giảm thiểu ở mức thấp nhất để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh. Đứng trước những tình huống bạo lực, chúng ta cần tiếp cận với tâm thế hướng đến học sinh, vì lợi ích của học sinh, giảm thiểu thiệt hại và thúc đẩy giá trị giáo dục ngay trong tình huống bạo lực. Cần hạn chế tư duy đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm, có thể đẩy tình huống bạo lực đi xa khỏi mức độ ban đầu, thậm chí phản giáo dục.

Các bên không nên tự vệ, đẩy trách nhiệm: nhà trường đổ lỗi cho phụ huynh; phụ huynh trách cứ nhà trường. Thậm chí, là truyền thông cũng không thể coi mình vô can và đưa tin theo kiểu giật tít, câu like. Chúng ta cần hợp tác, hành động vì chính những học sinh bị bạo lực và môi trường giáo dục lành mạnh cho những trẻ em khác”, ông Học phân tích.

>>Khi nền tảng mạng xã hội “bất lực” trước các vụ bạo lực

hihi

Clip ghi lại cảnh 2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị vây đánh 1 nữ sinh lớp 7 ồn ào dư luận. Ảnh: K.N

Bày tỏ quan điểm đối với học sinh học tại các trường quốc tế hoặc các trường thu học phí cao, ông Học cho rằng đa số đều có đặc điểm chung như: Thứ nhất, yêu cầu của cha mẹ học sinh đối với nhà trường thường cao, thậm chí có thể chuyển biến thành những đòi hỏi, xét nét mang tính cực đoan. Điều này cũng dễ hiểu. Khi họ phải đóng rất nhiều tiền học phí cho con, tâm thế đòi hỏi đối với nhà trường cũng sẽ tăng lên. Cha mẹ có thể yêu cầu nhà trường nhiều hơn, đòi hỏi điều kiện giáo dục phải tốt hơn. Điều này có thể dẫn đến những phản ứng quá gay gắt của họ, trước các tình huống bạo lực.

Thứ 2, học sinh học tập trong môi giáo dục này thường cá tính, có tư duy khá cởi mở, đòi hỏi sự dân chủ và thường có cái tôi lớn. Đứa trẻ càng học lên cao hơn chúng sẽ càng nhận thức được vị thế của mình trong nhà trường. Điều này cùng với nhận thức không phù hợp về phản ứng của cha mẹ với nhà trường có thể dẫn đến những vấn đề trong quá trình phát triển, hành vi bạo lực và giáo dục của đứa trẻ. Ở phương diện bạo lực học đường, đây có thể là yếu tố thúc đẩy bạo lực và khó kiểm soát khi bạo lực đã diễn ra.

Học sinh khi có suy nghĩ coi mình là trung tâm, là đối tượng được phục vụ hơn là đối tượng được giáo dục sẽ làm lệch lạc mối quan hệ thầy - trò. Điều này gây khó cho quá trình giáo dục và kiểm soát hành vi bạo lực.

Nhà trường là một thiết chế giáo dục đặc biệt, trong đó cần sự uy nghiêm, nề nếp, kỷ luật. Mối quan hệ thầy - trò là mối quan hệ nghiệp vụ có tác dụng như một công cụ giáo dục. Dù học phí có cao bao nhiêu thì tính chất của mối quan hệ thầy – trò cũng cần phải được bảo toàn. Nếu mối quan hệ này chuyển hóa thành mối quan hệ đơn thuần giữa người bán hàng và người mua hàng sẽ dẫn đến thất bại trong giáo dục và rất nhiều hệ lụy nảy sinh.

Chính vì vậy, ở phương diện giáo dục, chúng ta phải hết sức lưu tâm đến tính dân chủ, đến bản chất của tiếp cận “lấy học sinh làm trung tâm”, đến tính nhân văn trong mối quan hệ thầy – trò và thái độ, tâm thế của các bên khi bạo lực xảy ra. Có như vậy, mới có thể quản lý được bạo lực và thúc đẩy một môi trường giáo dục lành mạnh cho tất cả học sinh.

Có thể bạn quan tâm

  • Bắt nạt “online” - Biến tướng mới của bạo lực

    Bắt nạt “online” - Biến tướng mới của bạo lực

    05:20, 31/05/2022

  • Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi: Một số quy định khó khả thi

    Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi: Một số quy định khó khả thi

    17:36, 31/05/2022

  • Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Muốn giáo dục con phải tôn trọng thầy!

    Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Muốn giáo dục con phải tôn trọng thầy!

    11:20, 30/05/2022

  • Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Lấy cái sai để xử lý cái sai thì còn gì là giáo dục?

    Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Lấy cái sai để xử lý cái sai thì còn gì là giáo dục?

    05:10, 30/05/2022

KHÔI NGUYÊN