Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Muốn giáo dục con phải tôn trọng thầy!

THANH BÌNH 30/05/2022 11:20

Việc dung túng hoặc khích lệ con cái sử dụng bạo lực là một việc đáng chê trách. Nếu muốn giáo dục con thì hãy tôn trọng người thầy!

>>Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Lấy cái sai để xử lý cái sai thì còn gì là giáo dục?

Những ngày vừa qua, cả mạng xã hội dậy sóng khi bà Trần Hà Thủy đã livestream tố việc con gái mình bị đánh tại trường Quốc tế ISHCMC  - AA (An Phú, TP Thủ Đức), bị thương tích và sang chấn tâm lý nặng nề. Tuy nhiên, khi đến làm việc, nhà trường lại không cho bà gặp cháu gái bị tố đã hành hung con của mình và đẩy sự việc để 2 bên gia đình tự giải quyết với nhau.

Hình ảnh Thủy Bi trong buổi livestream chiều nay (28/5). Ảnh: Chụp màn hình

Hình ảnh bà Trần Hà Thủy trong buổi livestream chiều 28/5. Ảnh: Chụp màn hình

Sau khi đoạn clip được chia sẻ đã lập tức thu về hơn 2 triệu lượt xem và hơn 7 ngàn lượt bình luận. Hầu hết cư dân mạng đều tỏ ra cực kỳ phẫn nộ với cách hành xử của nữ sinh trường quốc tế, cũng như không cổ súy cho hành động của bà Trần Hà Thủy – dưới tư cách là phụ huynh.

Sau khi sự việc xảy ra, về phía ISHCMC-AA, trên fanpage được cho của trường này phát đi bức thư nói nhà trường rất buồn khi thông tin bị lan truyền, gây ra ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí còn có một số thông tin được đưa ra thiếu chính xác và không phản ánh đúng sự việc.

Trích đoạn bức thư: “Là một trường học quốc tế, chúng tôi có nghiệp vụ giải quyết những tình huống khó khăn giữa các học sinh, giúp các em không ngừng học học và thấu hiểu, và nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện điều này một cách riêng tư để bảo vệ các em học sinh bằng tất cả nguồn lực của chúng tôi”… Cuối bức thư kêu gọi những người lan truyền thông tin hãy dừng lại để bảo vệ các em học sinh. 

Dù rằng ai cũng hiểu được nỗi đau, sự bức xúc khi con cái mình bị hành hung, bạo lực. Nhưng dưới góc nhìn vừa của một nhà giáo, vừa của phụ huynh, cá nhân tôi không cổ súy cho hành động “bốc phốt” sự việc lên mạng xã hội của chị Trần Hà Thủy. Đó là chưa xét đến vấn đề đúng sai trong từng lời nói, câu chữ của chị.

Bởi vì, nếu nghe kỹ, xem lại đoạn clip, dường như chỉ nghe thấy nhóm phụ huynh có con bị đánh la hét, mắng chửi và ăn nói khá khó nghe. Dù vô tình hay cố ý, chính phụ huynh đang quá nóng và đẩy câu chuyện đi quá xa. Nhìn đi nhìn lại thì thấy cách cư xử của phụ huynh của cả hai bên vẫn còn kém văn minh hơn người đại diện nhà trường rất nhiều.

Nhân sự việc này, tôi chợt nhớ, có lần tôi chứng kiến một phụ huynh lên làm rùm beng với cô giáo chủ nhiệm, vì cho rằng con họ bị thầy giáo dạy thể dục đánh. Họ cứ khư khư bảo vệ con mình mà không biết rằng con mình quá vô lễ và quá nghịch... Như thế, vô tình phụ huynh làm con mình sống ỷ lại, không biết sợ ai và thích làm gì thì làm.

Theo đó, nhìn từ thái độ của phụ huynh, chúng ta không thấy giải quyết được vấn đề chính, không làm gương được cho con về cách hành xử, xử lý vấn đề. Thậm chí, với cách ứng xử của phụ huynh trong clip thì các cháu này còn đánh nhau tiếp. Tiếc là, cộng đồng mạng lại hùa nhau vào đánh “1 sao” nhà trường, thế mới thấy cái gọi là  “cộng đồng mạng” đáng sợ biết nhường nào.

Một số học sinh bị thương sau vụ xô xát. Ảnh: PHCC

Một số học sinh bị thương sau vụ xô xát. Ảnh: PHCC

>>Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, vì sao?

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết sau khi sự kiện xảy ra, có thể bản thân phụ huynh đang trong trạng thái không bình tĩnh thì việc chưa cho gặp là câu chuyện bình thường.

Tuy vậy, điều này đang nói lên một thực trạng kém vui, đó là một bộ phận hiểu sai “quyền trẻ em” trong giáo dục. Nên thầy cô bây giờ đứng trước học sinh giống như “cô dâu mới về nhà chồng” vậy, dịu dàng, từ tốn. Lúc tức giận, lỡ nói to tiếng chút xíu thì nhân cách nhà giáo bị xem xét.

Nếu cho học sinh có “quyền trẻ em” như thầy Hiệu trưởng nói thì cũng không có gì là sai. Mục đích cuối cùng của người thầy, của giáo dục cũng chỉ muốn cho con của các phụ huynh nên người. Nhưng phụ huynh và học sinh lạm dụng cái quyền đó thì giáo viên bó tay, trường hợp này là minh chứng thiết thực không thể bàn cãi.

Nó cho thấy, nhiều người sống trong thời đại ngày nay không hề biết tôn trọng những “người thầy”. Vì thế con cái họ cũng có những suy nghĩ đó nên rất khó giáo dục. Do vậy khi con mình hư hỏng thì hãy nhìn lại cách dạy dỗ của mình trước đã rồi hãy đổ lỗi cho giáo dục.

Nói cách khác, nhà trường là nơi tiếp nhận học sinh để dạy tri thức và rèn hành vi, nhưng nhiều phụ huynh quên rằng, giáo dục phải xuất phát từ gia đình. Con cái nhìn gương bố mẹ để hình thành nhân cách, bố mẹ chính là giáo viên đời thực của con mình. Đến bố mẹ chúng còn không dạy được chúng, sao lại đẩy trách nhiệm đó sang thầy cô?

Thiết nghĩ, trẻ con là hạt giống hoặc của hòa bình hoặc của bạo lực trong tương lai, tất cả phụ thuộc vào cách chúng được chăm sóc và khuyến khích. Bởi vậy, gia đình và môi trường cộng đồng phải được gieo mầm để nuôi trồng một thế giới công bằng và giàu tình hữu nghị hơn... Việc dung túng hoặc khích lệ con cái sử dụng bạo lực là một việc đáng chê trách.

Đã đến lúc, giáo viên và phụ huynh cần thẳng thắn với nhau trong vấn đề giáo dục. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng cần dành một ít thời gian để tự suy ngẫm về chính mình. Rằng, hãy tôn trọng người thầy, trả lại vị thế người thầy theo đúng nghĩa vốn có của nó. Rằng, hãy ứng xử một cách văn minh hơn ở hiện thực  lẫn trên mạng xã hội.

 Có như vậy sẽ không có những sự việc, tình huống đáng tiếc xảy ra nữa!

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Lấy cái sai để xử lý cái sai thì còn gì là giáo dục?

    05:10, 30/05/2022

  • Nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp

    17:22, 16/04/2022

  • Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, vì sao?

    01:00, 01/04/2022

  • Những hành động được xem là hành vi bạo lực gia đình

    12:27, 19/10/2021

  • Bạo lực sân cỏ: Lỗi tại ai?

    06:30, 25/03/2021

  • Khi nền tảng mạng xã hội “bất lực” trước các vụ bạo lực

    07:10, 11/10/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Muốn giáo dục con phải tôn trọng thầy!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO