Để doanh nghiệp an tâm tuân thủ pháp luật

MINH ĐĂNG 15/06/2022 15:00

Đây là thời điểm để luật hóa các cơ chế, quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong thời gian gần đây.

>>PCI 2020: Vẫn có những doanh nghiệp phải chịu thanh/kiểm tra 5 lần/năm

Đó là khẳng định của ông Phan Đức Hiếu - ĐB QH Thái Bình - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo ông Hiếu, bên cạnh mặt tích cực, tình hình thanh, kiểm tra doanh nghiệp vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp: Điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI năm 2020 cho thấy vẫn còn 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra.

- Nhưng thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thưa ông?

Đúng vậy! Những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trên thực tiễn. Điều tra PCI 2021 cũng cho thấy tình hình thanh, kiểm tra doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên biện pháp theo Nghị quyết và Chỉ thị của Thủ tướng chỉ là tạm thời, chỉ đạo hành chính, không bền vững, vẫn làm cho doanh nghiệp vẫn còn nguyên tâm lý lo lắng, chưa an tâm. Do đó, sửa đổi Luật Thanh tra lần này là cơ hội tốt nhất để luật hoá những nguyên tắc nêu trên trong chỉ đạo của Chính phủ. Luật sửa đổi lần này phải thực sự đảm bảo doanh nghiệp yên tâm tuân thủ luật chứ không phải bất an, lo lắng.

- Ông có kiến nghị cần phải có quy định riêng về thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp, xin ông giải thích rõ hơn?

Trước hết, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trong báo cáo tổng kết, đánh giá đầy đủ tình hình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Nêu rõ những khó khăn, thực trạng và vướng mắc để làm cơ sở cho xây dựng những quy định về thanh tra chuyên ngành (mà đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp) trong dự thảo Luật Thanh tra lần này.

Tôi cũng kiến nghị tách riêng quy định về thanh tra chuyên ngành với thanh tra hành chính vì:

Nếu đối tượng chủ yếu của thanh tra chuyên ngành là doanh nghiệp thì phạm vi hoạt động của doanh nghiệp là trong phạm vi rộng khắp cả nước. Nếu như việc tổ chức hệ thống thanh tra của chúng ta là theo cấp hành chính, theo đơn vị hành chính, theo chuyên ngành, theo lĩnh vực thì nguy cơ một doanh nghiệp có thể bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều bởi các cơ quan thanh tra là có. Như vậy rõ ràng cần thiết phải có một quy định riêng, đặc thù để hạn chế việc thanh tra trùng lặp, thanh tra không cần thiết.

Tiếp theo, xét về mặt tích cực thì hoạt động thanh tra kịp thời giúp giải quyết bảo vệ lợi ích của chính doanh nghiệp và các bên có liên quan. Ví dụ, thời gian gần đây chúng ta phát hiện ra nhiều trường hợp vi phạm và sau đó chúng ta mới phát hiện ra, giả sử chúng ta thanh tra kịp thời và phát hiện sớm những vi phạm thì hậu quả có thể giảm được rất nhiều.

>>Doanh nghiệp vẫn bị “hành” bởi thanh, kiểm tra

Việc cần có một quy định riêng, đặc thù cho thanh tra chuyên ngành mà đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Ngoài ra, tôi kiến nghị là khi xây dựng quy định về thanh tra chuyên ngành thì cơ quan soạn thảo nên chủ động tham khảo ý kiến, tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, tham vấn về vấn đề này.

 Các cơ quan phối hợp thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp là một hướng đi cần đẩy mạnh.

Các cơ quan phối hợp thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp là một hướng đi cần đẩy mạnh.

- Ông có thêm đề xuất gì khi xây dựng, soạn thảo các quy định này để đảm bảo hoạt động thanh tra có hiệu quả, giảm tối đa phiền hà cho doanh nghiệp?

Theo tôi, có thể thiết kế thành một mục hoặc một chương, vấn đề này về kỹ thuật, nếu chúng ta quy định về thanh tra chuyên ngành thì ít nhất phải đảm bảo thể chế hóa được trên 4 nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, là phải phân biệt được rõ quy định của Luật Thanh tra này về thanh tra chuyên ngành với mối quan hệ của các quy định về thanh tra chuyên ngành. Có nghĩa nó là khung pháp lý để tránh việc lạm dụng thanh tra chuyên ngành gây phiền hà hoặc thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

Thứ hai, là phải thiết kế trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Rõ ràng điều này rất quan trọng để giảm thiểu được số lượng thanh tra không cần thiết.

Thứ ba, là phải đề cao tính minh bạch và tính được báo trước đặc biệt đối với hoạt động thanh tra theo kế hoạch, thường xuyên. Bởi nếu báo trước mục tiêu thanh tra, phạm vi thanh tra, nội dung thanh tra, vô hình trung chính những việc như vậy giúp cho các đối tượng thanh tra tuân thủ luật pháp tốt hơn trước khi chúng ta đến thanh tra.

Thứ tư, có lẽ ý kiến của tôi có thể gây tranh luận, nhưng tôi cho rằng cần quy định một nguyên tắc để đưa ra kết luận thanh tra trong trường hợp pháp luật chưa rõ ràng, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong trường hợp này nên áp dụng cách hiểu có lợi nhất cho đối tượng bị thanh tra.

- Xin cảm ơn ông!

ĐBQH Trần Đình Văn, (Đoàn Lâm Đồng):

Dự thảo Luật Thanh tra chưa phân định được rõ chức năng, nhiệm vụ chồng chéo giữa 2 ngành thanh tra và kiểm toán nên việc chồng chéo sẽ vẫn còn tiếp diễn. Luật cần phải có quy định về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lắp do hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán, đặt trong sự thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước nhằm khắc phục, tiến tới không còn tình trạng chồng kéo.

Ông Shon Young-IL, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam:

Việt Nam cần áp dụng hệ thống “Thanh tra đầu tư nước ngoài” như ở Hàn Quốc. “Thanh tra đầu tư nước ngoài” cùng với các chuyên gia trong từng lĩnh vực như tài chính, thuế, pháp luật và lao động, thông qua hợp tác với chính quyền trung ương và địa phương của Hàn Quốc. Vướng mắc của các doanh nghiệp FDI được tiếp nhận bằng cách thông qua chuyên gia thực địa, trực tuyến, e-mail…

Có thể bạn quan tâm

  • Gần 20% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm 2018

    Gần 20% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm 2018

    05:30, 23/12/2019

  • Địa phương

    Địa phương "kêu khổ" vì phải tiếp 11 đoàn thanh kiểm tra 1 năm

    16:10, 04/07/2019

  • Thanh kiểm tra: Nỗi ám ảnh của doanh nghiệp

    Thanh kiểm tra: Nỗi ám ảnh của doanh nghiệp

    21:34, 31/03/2019

  • Thanh kiểm tra liên tục kìm hãm doanh nghiệp

    Thanh kiểm tra liên tục kìm hãm doanh nghiệp

    20:27, 02/11/2018

MINH ĐĂNG