Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Cần làm rõ vai trò của ông Nguyễn Thế Thảo
Theo cơ quan thanh tra, giai đoạn từ năm 2007 đến 2020 thể hiện rõ nhất việc đường Lê Văn Lương bị “băm nát” quy hoạch, thời kỳ này, ông Nguyễn Thế Thảo có 9 năm làm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội…
>>Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội “phản pháo” Kết luận thanh tra
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, hàng loạt sai sót, vi phạm nghiêm trọng về quy hoạch, xây dựng tại tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu vừa được Thanh Bộ Xây dựng chỉ rõ. Đây là tuyến đường rất "nóng" ở Hà Nội thời gian qua vì “cánh rừng cao ốc” dày đặc và tắc nghẽn.
Đáng chú ý ở trục đường này, sau khi di dời một số cơ quan, việc xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị không được ưu tiên theo quyết định của Thủ tướng, thay vào đó là đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp. Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã đặt ra vấn đề về việc "băm nát" quy hoạch đô thị ở tuyến đường huyết mạch cho trục phía Tây Nam Hà Nội này.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần thiết phải chuyển tài liệu sang cơ quan công an điều tra làm rõ mức độ vi phạm, yếu tố tham nhũng, tiêu cực, nhóm lợi ích trong từng lần "tùy tiện" điều chỉnh quy hoạch ở hàng chục công trình bất chấp quy định pháp luật.
Giữa tâm bão dư luận, chiều ngày 1/7/2022 trong buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II -2022, đại diện UBND TP. Hà Nội đã dành 32 phút để “thanh minh” về việc "băm nát" quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.
Tại buổi họp báo, đại diện UBND TP. Hà Nội khẳng định vấn đề quy hoạch trên tuyến đường này đã được thống nhất chủ trương, cao ốc ở Lê Văn Lương cũng không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc. Vị đại diện UBND TP. Hà Nội cũng nhắc tới việc trong kết luận thanh tra “không có từ nào nói là băm nát, hay phá vỡ quy hoạch”, đồng thời cho rằng có một số nội dung trong kết luận thanh tra “không thoả đáng”.
Tuy nhiên, điều dư luận đang quan tâm và thắc mắc thì vị này lại “quên” không nhắc đến. Xin thưa, đó là sự hỗn loạn khi việc chuyển đổi công năng từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và cả căn hộ chung cư để bán hay tăng thêm tầng, tăng diện tích sàn xảy ra tại hàng loạt các dự án tại khu vực này.
Việc chồng thêm tầng, chuyển đổi công năng đã tước đoạt của dân rất nhiều tiện ích: Từ vườn hoa, sân chơi, trạm y tế, sân luyện tập, cho đến cả chợ và trường học. Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, quy định diện tích tối thiểu diện tích tiện ích công cộng 2,7m2/người hoàn toàn không đạt.
Xin thưa, diện tích trường mầm non thiếu đến 20.190m2; đất trường tiểu học thiếu 15.904m2; đất trường trung học phổ thông thiếu 5.535m2, diện tích đất cây xanh công cộng thiếu 34.828m2. Ăn bớt ăn xén đến độ 12/13 dự án được thanh tra không bố trí cây xanh. Dự án còn lại thì cây xanh chỉ đạt 10%.
Xin thưa, tuyến Lê Văn Lương, Tố Hữu từ một huyết mạch như đáng lẽ, không chỉ biến thành con đường “đau khổ” bậc nhất thủ đô, mà những người dân sinh sống tại khu vực này cũng đã và đang ngày ngày phải sống “chật vật” vì thiếu đủ thứ cần thiết mà lẽ ra họ có quyền được hưởng. Sống giữa Thủ đô hoa lệ nhưng ngày ngày luôn phải nung mình trong nhiệt độ bởi hiệu ứng “đường nhựa, bê tông”, chỉ sau cơn mưa 30 phút, cả đường phố lại chuyển mình thành sông, thành suối….Đó không phải lỗi quy hoạch, thì là gì?
Lại nói, quy hoạch tại tuyến đường Lê Văn Lương đã được “thống nhất chủ trương” theo lời của ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội trả lời trong buổi họp báo 1/7. Dư luận bức xúc cho rằng, vậy lãnh đạo, đơn vị nào đã thống nhất chủ trương này? Có chủ trương nào lại “đánh cắp” diện tích cây xanh công cộng, ăn bớt ăn xén diện tích trường học, trạm y tế của người dân? Vậy câu trả lời của ông Tuyến đang là thanh minh hay ngụy biện?
>>Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc
Quay trở lại câu chuyện xử lý sau thanh tra, đơn vị nào, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm cho những “bê bối” quy hoạch xung quanh tuyến đường Lê Văn Lương? Theo đó, các văn bản điều chỉnh quy hoạch có thể được các phó chủ tịch ký thay hoặc chủ tịch UBND TP.Hà Nội ký, nhưng về nguyên tắc, người đứng đầu phải quán xuyến, phải chịu trách nhiệm.
Cụ thể, trong 15 năm qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội lần lượt là các ông Nguyễn Thế Thảo (2007 - 2015); Nguyễn Đức Chung (2015 - 2020). Đáng chú ý, trong kết luận 39 cho biết, từ năm 2007 - 2015, có nhiều dự án, công trình được điều chỉnh từ đất đơn chức năng thành đa chức năng, nâng tầng, tăng mật độ, chất tải lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sai quy định pháp luật. Đây là thời kỳ ông Nguyễn Thế Thảo giữ chức Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Trong khoảng thời gian này, Giám đốc Sở QH-KT lần lượt là các ông Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thế Hùng. Còn Giám đốc Sở Xây dựng lần lượt là các ông Đỗ Xuân Anh, Nguyễn Thế Hùng, Lê Văn Dục.
Các dự án, công trình điển hình được điều chỉnh sai quy định trong thời gian này có thể kể đến: tòa nhà HUD Tower do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị làm chủ đầu tư, nâng từ 16 - 32 tầng; đất đơn chức năng thành đa chức năng; tăng hệ số sử dụng đất từ 3,1 thành 10,92 lần; diện tích sàn xây dựng từ 20.080 m2 thành 70.855 m2. Hay như tòa nhà Diamond Flower Tower do Handico6 làm chủ đầu tư, tăng từ 6 thành 39 tầng; hệ số sử dụng đất từ 1,24 lần lên 13,4 lần; mật độ xây dựng từ 31% lên 40,05%; đất đơn chức năng thành hỗn hợp, tăng thêm gần 1.000 người…
Thời kỳ từ năm 2016 - 2020, khi ông Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, số lượng dự án, công trình điều chỉnh quy hoạch sai quy định không nhiều bằng giai đoạn 2007 - 2015 nhưng vẫn có không ít điều chỉnh bừa bãi hơn.
Cụ thể, tại đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương do Sở QH-KT làm chủ đầu tư và là cơ quan thẩm định, UBND TP.Hà Nội phê duyệt năm 2016 có nhiều điểm không tuân thủ quy hoạch phân khu phê duyệt năm 2015 nhưng không thuyết minh về sự sai khác, không tính toán đáp ứng về hạ tầng; không bố trí trạm y tế, sân luyện tập, chợ, đất làm trường học, thiếu diện tích đất cây xanh, phê duyệt quy hoạch sau khi công trình đã xây dựng xong… Tình trạng có nhiều sai khác, trái quy định nhưng không thuyết minh cũng diễn ra tại đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Tố Hữu do UBND TP.Hà Nội phê duyệt.
Lại nói về câu chuyện trách nhiệm của các cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội qua các thời kỳ liên quan đến vấn đề quy hoạch “băm nát” tuyến đường này, còn nhớ nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT - GS Đặng Hùng Võ đã từng thẳng thắn cho rằng, các thế hệ Chủ tịch UBND TP.Hà Nội sau năm 2000 thiếu cái tâm, bóp méo lợi ích, điều chỉnh quy hoạch vô căn cứ, nhiều nhất là thời kỳ các ông Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Đức Chung điều hành.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội “phản pháo” Kết luận thanh tra
21:00, 01/07/2022
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc
03:50, 01/07/2022
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Không thể nhân nhượng với tiêu cực
04:00, 30/06/2022
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Trách nhiệm thuộc về ai?
03:30, 29/06/2022
Cơ quan di dời khỏi đường Lê Văn Lương, cao ốc mọc lên trái quyết định của Thủ tướng
23:44, 09/06/2022
Những dự án nào “phá nát” quy hoạch trên đường Lê Văn Lương?
00:06, 08/06/2022
Đường Lê Văn Lương - Hà Nội nhồi cao ốc tăng 6 lần: Bất cập công tác quy hoạch
01:46, 07/06/2022